Tại sao tiêm phòng cúm mùa lại quan trọng đối với những người bệnh tim mạch?

Nếu bạn có bệnh tim và chẳng may mắc thêm cúm mùa, bạn sẽ đối diện với nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp 6 lần, thậm chí là tử vong.

Cúm có thể kích hoạt cơn đau tim?

Cúm mùa tưởng chừng như lành tính, chỉ hắt hơi, sổ mũi vài ngày là hết, nhưng trên một số người căn bệnh này có thể chuyển thành ác tính.

Nhất là đối với những người có bệnh lý về tim mạch bao gồm cả suy tim, tăng huyết áp, bệnh van tim, rối loạn nhịp như rung nhĩ, tim bẩm sinh… có khả năng dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản nặng, suy đa nội tạng.

Đặc biệt, một nghiên cứu gần đây cho thấy những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị đau tim hoặc xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim cao gấp 6 lần trong vòng 1 tuần sau khi mắc bệnh cúm. Ở người bệnh tim lớn tuổi, cúm mùa còn là tác nhân gây ra các cơn rung nhĩ, có thể dẫn đến suy tim cấp nếu không được kiểm soát kịp thời. Tất cả những biến cố về tim mạch do cúm mùa đều mang đến nguy cơ tử vong cao cho người bệnh.

Cúm mùa có thể kích hoạt một cơn đau tim ở những người có sẵn bệnh lý tim mạch (ảnh minh họa)

Cúm mùa có thể kích hoạt một cơn đau tim ở những người có sẵn bệnh lý tim mạch (ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, chủng virus thay đổi hàng năm là những nguyên nhân khiến người bệnh tim mạch không kịp trở tay với bệnh cúm.

Vốn dĩ, hệ thống phòng vệ của người bệnh tim mạch thường suy yếu, không hoạt động tối đa năng suất như người bình thường. Do vậy, virus cúm càng thuận lợi xâm nhập vào cơ thể thông qua các giọt bắn trong không khí.

Chỉ với một cái bắt tay, trò chuyện, chạm vào các vật dụng mà người bệnh cúm trước đó đã sờ vào, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng là dễ dàng lây bệnh. Sau khi trú ngụ trong cơ thể, virus cúm sẽ tấn công hệ hô hấp của người bệnh từ mũi, cổ họng và phổi, dẫn đến suy giảm miễn dịch và có thể gây ra các biến chứng do chính virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây nên.

Triệu chứng cúm mùa ở bệnh nhân tim mạch có khác người khỏe mạnh?

Sốt cao, ớn lạnh, sổ mũi là một trong những triệu chứng thường gặp của cúm mùa nhưng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh. Do đó đừng chủ quan khi có bất thường về sức khỏe, hãy đi khám bác sĩ ngay. (ảnh minh họa)

Sốt cao, ớn lạnh, sổ mũi là một trong những triệu chứng thường gặp của cúm mùa nhưng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh. Do đó đừng chủ quan khi có bất thường về sức khỏe, hãy đi khám bác sĩ ngay. (ảnh minh họa)

Thời gian ủ bệnh của virus cúm tương đối ngắn, thường từ 1 - 5 ngày, trung bình là 2 ngày. Bệnh cúm mùa trên người bệnh tim mạch cũng gây ra các triệu chứng tương tự như những người khác như sốt, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, người uể oải, cảm giác ớn lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi.

Những dấu hiệu này khiến nhiều người nhầm lẫn với cảm lạnh nên thường chủ quan, chỉ đến khi diễn tiến nặng mới đến bệnh viện. Cảm lạnh thông thường chỉ ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và ngực trên. Ngược lại, cúm có sự ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và kéo dài hơn.

Vì người bệnh tim mạch có nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch cấp tính khi bị cúm, do đó cần theo dõi sát các triệu chứng. Nếu có sốt cao không hạ bằng các thuốc hạ sốt thông thường, ho nhiều, tức ngực, khó thở, nhịp thở nhanh, tăng huyết áp khó kiếm soát, co giật, tri giác lơ mơ, chập chạm thì nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh cúm mùa thế nào?

Ngoài các thuốc điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virus được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ và các thuốc điều trị triệu chứng theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần lắng nghe, chăm sóc cơ thể nhiều hơn.

Đầu tiên là đừng quên kiểm soát tốt bệnh tim mạch bằng cách sử dụng đúng và đủ các loại thuốc được bác sĩ kê đơn, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên uống nhiều nước, nước hoa quả, không uống rượu bia, thuốc lá, cà phê, soda...

Đồng thời, nên ưu tiên nghỉ ngơi, không đến chỗ đông người cũng như hoạt động thể lực cho đến khi phục hồi. Bên cạnh đó, cần tránh thức khuy, thiếu ngủ vì sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại mầm bệnh. Đi ngủ sớm buổi tối và nên có giấc ngủ ngắn trong ngày.

Phòng ngừa cúm mùa ở người bệnh tim mạch

Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương. Do đó, điều quan trọng nhất là có biện pháp phòng ngừa chủ động.

Ngoài việc rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người thì tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất giúp tránh xa các biến chứng nguy hiểm của cúm mùa.

Tiêm ngừa vắc xin cúm hôm nay, giúp phòng ngừa biến cố tim mạch mai sau (ảnh minh họa)

Tiêm ngừa vắc xin cúm hôm nay, giúp phòng ngừa biến cố tim mạch mai sau (ảnh minh họa)

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, những người mắc bệnh tim mạch khi tiêm vắc xin cúm sẽ giảm được tỷ lệ tử vong lên đến 57%. Việc tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm trên người bệnh tim mạch và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam và Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) năm 2019 chính thức khuyến cáo.

Trong đó, vắc xin cúm thế hệ 3 là vắc xin virus cúm bất hoạt an toàn cho người bệnh tim mạch, có thể dùng cho người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không gây nguy hiểm cho thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đặc biệt, mỗi năm, các thành phần kháng nguyên trong vắc xin sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của WHO để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi, ít tác dụng phụ ngoại ý hơn các thế hệ cũ. Đồng thời, có thể tiêm với các vắc xin khác mà không gây tương tác.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-tiem-phong-cum-mua-lai-quan-trong-doi-voi-nhung-nguoi-benh-tim-mach-n175321.html