Tại sao tình yêu lãng mạn lại khiến ta mê muội, phiền muộn và bối rối
Thường thì người ta không muốn một kẻ tán tỉnh tỏ ra quá sốt sắng với mình, bởi điều đó cho thấy kẻ tán tỉnh đó đang tuyệt vọng.
Lẽ nào nó là một chiến thuật đầy nghịch lý khác tương tự tự khóa tay vào đường ray tàu? Có thể lắm. Đề nghị sống chung cả đời và nuôi nấng con cái với người khác là lời hứa quan trọng nhất mà bạn từng đưa ra, và lời hứa là đáng tin nhất khi người hứa không thể rút lui.
Sau đây là cách mà nhà kinh tế học Robert Frank áp dụng kỹ thuật đảo ngược lên tình yêu điên dại. Các nhà xã hội học vô cảm và những người độc thân kỳ cựu đồng ý rằng hẹn hò là một thị trường. Về khía cạnh bạn đời tiềm năng, mỗi người có một giá trị khác nhau. Hầu như ai cũng đồng ý rằng người bạn đời lý tưởng phải dễ coi, thông minh, tử tế, ổn định, vui tính và giàu.
Người ta tìm kiếm đối tượng đáng ao ước nhất sẽ chấp nhận mình, và đó là lý do tại sao đám cưới thường diễn ra giữa cô dâu và chú rể có mức đáng ước ao xấp xỉ như nhau. Tuy nhiên, tìm kiếm bạn tình chỉ là một phần trong tâm lý học của sự lãng mạn; nó giải thích được con số thống kê của việc chọn lựa bạn tình, nhưng không giải thích được lựa chọn cuối cùng.
Ở đâu đó trong cái thế giới hàng tỷ người này, có một người dễ nhìn nhất, giàu nhất, thông minh nhất, vui tính nhất, tử tế nhất và sẽ chấp nhận bạn. Nhưng người trong mộng này của bạn là cây kim dưới đáy bể, và bạn có thể chết mà vẫn độc thân nếu cứ khăng khăng chờ đợi anh ta hay cô ta xuất hiện.
Sống độc thân có cái giá của nó, như sự cô đơn, không con cái và phải chơi trò hẹn hò với bao lần uống nước hay ăn tối chẳng thoải mái gì (đôi khi là cả ăn sáng). Tới một lúc nào đó, điều có lợi là gây dựng gia đình với người tốt nhất mà bạn tìm được tính đến thời điểm nói. Nhưng toan tính đó khiến bạn đời của bạn dễ bị tổn thương.
Các quy luật xác suất nói rằng có thể một ngày bạn sẽ gặp một người đáng ao ước hơn, và nếu luôn đi theo cái tốt nhất có thể thì ngày đó bạn sẽ bỏ bạn đời mình. Nhưng bạn đời của bạn đã đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức nuôi con cái, và bỏ qua nhiều cơ hội trong mối quan hệ này.
Nếu là người đáng ao ước nhất trên thế giới thì người đó không có gì phải lo, vì bạn sẽ không bao giờ muốn rời bỏ. Nhưng nếu không phải, bạn đời của bạn là kẻ ngốc khi chấp nhận mối quan hệ với bạn.
Frank so sánh thị trường hôn nhân với thị trường nhà cho thuê. Chủ nhà muốn có được người thuê tốt nhất, nhưng chấp nhận người tốt nhất mà mình tìm được, còn người thuê muốn có căn hộ tốt nhất và cũng chấp nhận cái tốt nhất mà mình tìm được. Cả hai bên đều đầu tư vào căn hộ (chủ nhà có thể sơn màu sơn người thuê thích; người thuê có thể lắp đặt những đồ trang trí lâu bền), do đó cả hai đều sẽ thiệt hại nếu bên kia đột ngột chấm dứt hợp đồng. […]
Luật hôn nhân hoạt động có phần giống hợp đồng cho thuê, nhưng tổ tiên chúng ta phải tìm cách nào đó để cam kết trước khi luật lệ ra đời. Làm sao bạn chắc chắn được rằng người bạn đời tương lai không rời bỏ bạn ngay khi việc đó là hợp lý, ví dụ như khi một người đạt điểm 10 trên 10 chuyển tới sống ngay bên cạnh.
Một giải pháp là: không chấp nhận người muốn bạn vì những lý do lý trí; hãy tìm bạn đời là người cam kết sống bên bạn vì chính con người bạn. Cam kết bằng cái gì? Bằng cảm xúc. Một cảm xúc mà người đó không thể quyết định là có nên không thể quyết định là không có. Một cảm xúc không bị kích hoạt bởi giá trị-làm-bạn tình khách quan của bạn nên sẽ không bị dập tắt bởi một người có giá trị-làm-bạn tình lớn hơn. Một cảm xúc chắn chắn là không phải giả tạo vì nó có những phí tổn sinh lý học như loạn nhịp tim, mất ngủ và chán ăn. Một cảm xúc như tình yêu lãng mạn.
"Những người duy lý về tình yêu không có khả năng yêu", Douglas Yates từng viết. Ngay cả khi được tán tỉnh bởi người hoàn hảo nhất, người ta vẫn không thể ép mình yêu kẻ đó, mặc cho sự khó hiểu của người mai mối, người tán tỉnh và chính bản thân người đó. Thay vào đó, chỉ một cái liếc mắt, một tiếng cười hay một cử chỉ cũng đủ khiến người ta có cảm tình.
Nhớ lại ở Chương 2 rằng bạn đời của một người sinh đôi không bị hấp dẫn bởi người song sinh kia; chúng ta có cảm tình với chính cá nhân chứ không phải với phẩm chất của cá nhân đó. Điểm tích cực là khi thần Tình ái ra tay, kẻ tương tư trở thành kẻ đáng tin hơn trong mắt của kẻ được ao ước.
Lẩm bẩm rằng diện mạo, khả năng kiếm tiền và IQ của người yêu là đạt các tiêu chuẩn tối thiểu của bạn có lẽ sẽ giết chết tâm trạng lãng mạn, ngay cả khi những lời đó là đúng. Đường vào trái tim một người là nói ra điều ngược lại - rằng bạn yêu vì bạn không thể cầm lòng được.
Bất chấp Trung tâm tài nguyên âm nhạc cho Cha mẹ do Tipper Gore thành lập, các nhạc sĩ nhạc rock hay chế nhạo, đeo khuyên cơ thể và đập đàn ghi-ta thường không hát về ma túy, tình dục hay Satan.
Anh ta hát về tình yêu. Anh ta tán tỉnh phụ nữ bằng cách khiến họ chú ý tới sự phi lý, không kiểm soát được và các chi phí sinh lý cho khao khát của mình. Anh muốn có em quá, khiến anh phát điên. Không ăn được, không ngủ được. Tim đập như trống hội. Em là người duy nhất. Không hiểu tại sao anh yêu em như thế. Em khiến anh phát điên. Không thể ngừng yêu em được. Không có ai khiến anh như thế ngoài em. Anh yêu dáng em đi. Anh thích cách em nói...
Tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra một người phụ nữ không bị mủi lòng bởi những tuyên bố trên. (Hoặc một người đàn ông, nếu người tuyên bố là phụ nữ).
Những tuyên bố đó kích hoạt đèn cảnh báo trong bộ phận còn lại về sự tán tỉnh, “nhà mua hàng” thông thái. Groucho Marx nói rằng ông sẽ không gia nhập bất kỳ câu lạc bộ nào muốn có ông là thành viên.
Thường thì người ta không muốn một kẻ tán tỉnh tỏ ra quá sốt sắng với mình, bởi điều đó cho thấy kẻ tán tỉnh đó đang tuyệt vọng (nên họ sẽ đợi người tốt hơn) và nhiệt tâm của kẻ tán tỉnh đó bị kích hoạt quá dễ dàng (tức là cũng sẽ dễ bị người khác kích hoạt).
Mâu thuẫn này của quá trình tán tỉnh - phô trương mong muốn của mình trong khi tỏ ra cao giá - đến từ hai nửa của tình yêu lãng mạn: đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu cho các ứng viên trong thị trường bạn tình, và dành cả cơ thể lẫn tâm hồn cho một người trong số đó.