Tại sao Tổng Giám đốc hãng xe BMW Việt Nam bị bắt?
Tổng Giám đốc Công ty CP ôtô Âu Châu - đơn vị phân phối chính hãng xe ôtô BMW đã vừa bị bắt cùng 2 người khác.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công An) vừa khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là lãnh đạo công ty CP ôtô Âu châu (Euro Auto) về hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ô tô BMW. Trong đó, một trong số 2 người bị bắt chính là ông ông Nguyễn Đăng Thảo - Tổng Giám đốc BMW Việt Nam - Công ty CP ôtô Âu Châu - đơn vị phân phối chính hãng xe BMW.
Người bị bắt cùng ông Thảo có tên là Yến, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ thông tin về nhân vật này. Ông Nguyễn Đăng Thảo đã có thâm niên 7 năm giữ giữ vị trí Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị của Euro Auto, trước khi chính thức trở thành Tổng Giám đốc từ ngày 1/11/2015. Vào thời điểm nhậm chức, ông Thảo đã trở thành Tổng Giám đốc người Việt đầu tiên tại một liên doanh xe nước ngoài.
Những "bê bối" của Euro Auto bắt đầu từ năm 2016, khi qua quá trình thanh kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, Euro Auto đã bị đoàn kiểm tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều vi phạm. Ngày 30/11/2016, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của Euro Auto.
Các vi phạm của Euro Auto đó là: tự ý tiêu thụ hàng hóa (là lô hàng ôtô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định. Công ty này cũng không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ôtô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng.
Đặc biệt, Công ty Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW nói trên. Liên quan đến những hành vi gian lận thương mại, Euro Auto đã có phản hồi về việc này đồng thời khẳng định đang giải trình với cơ quan quản lý và hướng đến đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Tuy nhiên vào ngày 21/2/2017, Tập đoàn BMW (Đức) đã có công văn khẳng định, một số chứng cứ của Công ty CP ôtô Âu Châu làm thủ tục Hải quan không phải do Tập đoàn BMW AG phát hành. Vào tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo số lượng ôtô nhãn hiệu BMW chưa qua sử dụng do Euro Auto nhập khẩu vào Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm phải báo cáo nguồn gốc, xuất xứ nhập hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; phương thức kiểm tra, chứng nhận và thành phần hồ sơ liên quan đối với từng lô hàng nhập khẩu. Thời gian hàng hóa nhập khẩu phải báo cáo từ ngày 1/1/2013 đến nay. Thời hạn báo cáo Bộ trước ngày 25/4 tới đây,” Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm rà soát toàn bộ quy trình thủ tục về đăng kiểm xe nhập khẩu, đề xuất sửa đổi các quy định còn chưa chặt chẽ, bất cập trong quản lý để cập nhật vào dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT) do Cục đang hoàn chỉnh để trình Bộ.
Để làm rõ thông tin về việc ông Thảo cùng 2 lãnh đạo khác bị bắt để điều tra vụ án nhập xe bằng giấy tờ giả, phóng viên Kiến Thức đã tìm cách liên lạc với đại diện của Công ty Euro Auto Việt Nam nhưng hiện chưa nhận được phản hồi. Báo điện tử Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan tới vụ án này.