Tại sao 'trận địa phòng dịch' của Đài Loan và Singapore thất thủ?
Đài Loan và Singapore đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh dù từng được ca ngợi là kiểu mẫu trong công tác chống dịch. Chuyện gì đã xảy ra?
Tháng 5, Singapore và Đài Loan cùng ghi nhận đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng. Mới tuần trước, Singapore có thêm 248 ca mắc mới, trong khi Đài Loan có 1.200 ca nhiễm cộng đồng, theo BBC.
So với thế giới, những con số trên có thể rất nhỏ. Nhưng với hai nơi mà số ca nhiễm từng chỉ đếm trên đầu ngón tay vào những tháng trước, điều này dường như là không tưởng.
Đài Loan - câu chuyện về sự lơ là
Đài Loan nằm trong số những nơi đầu tiên trên thế giới cấm khách nước ngoài gần như ngay sau khi Trung Quốc đại lục ghi nhận sự tồn tại của Covid-19. Những giới hạn nghiêm ngặt tại hòn đảo này tới nay vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, cả người dân và giới lãnh đạo trên hòn đảo Đài Loan đều đã trở nên lơ là cảnh giác. Bệnh viện không còn quyết liệt xét nghiệm Covid-19, kể cả với người lên cơn sốt, trong khi đây là triệu chứng phổ biến của Covid-19, theo phó giáo sư Lin Hsien-ho, thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan.
Theo Our World in Data, vào giữa tháng 2, Đài Loan chỉ thực hiện 0,57 lượt xét nghiệm trên mỗi 1.000 người. Cùng khoảng thời gian ấy, tỷ lệ này ở Singapore và Anh lần lượt là 6,21 và 8,68 lần xét nghiệm trên 1.000 người.
“Mọi người thường cho rằng xác suất mắc Covid-19 về cơ bản là bằng 0, kể cả với những người có triệu chứng”, tiến sĩ Lin trả lời BBC. Bà Lin cho hay lầm tưởng trên xuất phát từ niềm tin rằng virus không thể xuyên thủng đường biên giới mạnh mẽ của Đài Loan.
“Các bác sĩ không còn nghiêm túc, bệnh viện không còn cảnh giác. Họ không còn chú tâm vào công tác truy vết. Rõ ràng đã có thái độ lơ là”, bà Lin nói.
Thái độ này càng được thể hiện rõ khi Đài Loan giảm thời hạn cách ly với những phi công chưa tiêm chủng của các hãng hàng không từ 14 ngày xuống lần lượt còn 5 và 3 ngày.
Chỉ ít lâu sau, Đài Loan xuất hiện cụm dịch có liên quan tới một số phi công từng ở tại khách sạn gần sân bay Taoyuan. Nhiều người trong cụm dịch này sau đó được phát hiện mắc biến chủng B.1.1.7 - biến chủng lần đầu được phát hiện ở Anh. Virus sau đó len lỏi trong cộng đồng và lan đến những “phòng trà” - cơ sở giải trí người lớn tại Đài Loan.
“Tại đây có người hát hò, uống rượu, và thường xuyên tiếp xúc trong phòng kín. (Virus) không chỉ xuất hiện tại một mà là tại nhiều phòng trà trên cùng con phố. Đây là sự kiện siêu lây nhiễm rất lớn”, tiến sĩ Lin nhận định.
Giáo sư Chen Chien-jen, nhà dịch tễ học và cựu phó lãnh đạo Đài Loan, cho biết nhiều người xét nghiệm dương tính không chịu tiết lộ việc từng đặt chân tới cơ sở giải trí người lớn. Điều này càng gây khó khăn cho công tác truy vết.
Giáo sư Chen còn nhận định Đài Loan đã không rút kinh nghiệm từ những ổ dịch tại Nhật Bản cũng xuất phát từ những tụ điểm giải trí 18+.
“Chúng ta không học được bài học từ Nhật Bản và không nghĩ ra rằng Đài Loan cũng có thể gặp phải vấn đề tương tự”, ông Chen nói.
Theo phó giáo sư Alex Cook thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trường hợp của Đài Loan thể hiện “rủi ro của chiến lược quá chú trọng vào kiểm soát biên giới mà không để tâm tới các biện pháp khống chế lây lan trong cộng đồng”.
Singapore - vết rạn nứt trên tường
Tình thế hoàn toàn khác tại Singapore. Dù số ca nhiễm ở mức thấp, các biện pháp phòng chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm ngặt. Các buổi tụ tập công cộng được quy định tối đa 8 người, câu lạc bộ không được phép mở cửa, và các sự kiện đông người như đám cưới cũng bị giới hạn.
Tuy nhiên, trong chiến lược của Singapore vẫn tồn tại khoảng trống. Tới cuối tháng 5, sân bay Changi - nơi có trung tâm mua sắm nhộn nhịp - đã trở thành cụm dịch lớn nhất trong năm nay của Singapore.
Nhà chức trách phát hiện một số nhân viên sân bay dương tính đã làm việc ở khu tiếp đón hành khách từ những quốc gia có rủi ro cao như vùng Nam Á. Một vài nhân viên trong số này ngồi ăn tại các quán ăn ở sân bay - nơi người dân có thể tự do lui tới - và càng làm virus lây lan.
Nhiều người dương tính có liên quan tới sân bay được phát hiện nhiễm biến chủng B.1.617 - biến chủng siêu lây nhiễm xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ.
Vì lẽ đó, Singapore hiện tạm thời không cho người dân tự do qua lại trong nhà ga đón trả khách. Nước này cũng thông báo sẽ chia khu vực giữa hành khách tới từ vùng rủi ro cao và vùng rủi ro thấp. Nhân viên sân bay cũng được quây rào và phân bổ ra từng khu vực.
Trên mạng, một số người đặt câu hỏi tại sao những biện pháp này không được thực hiện sớm hơn, trong khi những lỗ hổng tiềm tàng đã được chỉ ra từ một tháng trước.
Nhưng một chuyên gia cho rằng việc biến chủng mới xuất hiện tại Singapore là điều “không thể tránh khỏi”.
“Tôi hiểu nhiều người cảm thấy bực bội vì phần lớn người dân Singapore đều rất tuân thủ biện pháp chống dịch”, giáo sư Teo Yik Ying, chủ nhiệm Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Ông Teo cho rằng Singapore không thể đóng cửa hoàn toàn biên giới như Trung Quốc vì danh tiếng quốc gia và nền kinh tế của nước này gắn liền với vị thế của một trung tâm thương mại.
“Nếu nhìn vào nước Mỹ năm 2020, số ca nhiễm nghiêm trọng nhất của Mỹ không tới từ Trung Quốc mà từ những người từng du lịch châu Âu. Liệu Singapore có thể đóng biên giới với bao nhiêu quốc gia đây?”, giáo sư Teo nói.
Dù vậy, giáo sư Cook cho rằng Singapore vẫn “ở trong vị thế rất tốt” để kiềm chế đại dịch.
“Số ca mắc tại Singapore chỉ bằng khoảng 10% của Anh sau khi xem xét tương quan dân số. Nói cách khác, Singapore đang siết chặt biện pháp chống dịch từ sớm để ngăn tình thế biến chuyển xấu đến mức virus có thể hoành hành”, ông Cook nói.
Chương trình tiêm chủng vaccine chậm chạp
Một vấn đề chung mà Singapore và Đài Loan cùng phải đối diện là vaccine.
Trước đó, nhiều người ở Đài Loan không muốn tiêm vaccine khi tình hình đang ổn. Nỗi lo ngại về vaccine AstraZeneca - loại vaccine chủ yếu tại Đài Loan hiện nay - càng khiến người dân do dự.
Nhưng khi số ca nhiễm hiện giờ tăng mạnh, người dân Đài Loan lũ lượt kéo nhau đi tiêm chủng. Điều này làm nảy sinh vấn đề không có đủ vaccine vì Đài Loan mới nhận được 300.000 liều vaccine cho dân số 24 triệu người.
“Chúng tôi đã cố hết sức để mua vaccine từ các công ty quốc tế nhưng không lấy được nhiều. Cách duy nhất để duy trì nguồn cung là tự sản xuất. Điều này rất quan trọng đối với Đài Loan”, tiến sĩ Chen nhận xét.
Theo BBC, hai loại vaccine tự phát triển của Đài Loan có thể được đưa vào sử dụng sớm nhất là vào cuối tháng 7.
Điều tương tự cũng xảy ra tại Singapore. Khoảng 30% người dân tại đây đã tiêm ít nhất một liều vaccine, theo Our World in Data. Đây là tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng quốc gia này cũng bị hạn chế nguồn cung vaccine. Dù vậy, chính phủ Singapore dự kiến tiêm chủng cho toàn bộ người dân trước cuối năm nay.
“Vì dự liệu nhu cầu vaccine là dài hạn, chúng tôi đang cố gắng phát triển khả năng tự sản xuất vaccine. Như vậy, chúng tôi sẽ không còn bị phụ thuộc”, giáo sư Teo nói.
Ngày 10/5, hãng dược phẩm BioNTech (Đức) thông báo kế hoạch xây dựng trụ sở khu vực và cơ sở sản xuất vaccine tại Singapore vào năm nay. Cơ sở mới có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2023, tạo ra tối đa 80 việc làm.
Cơ sở này sẽ được tự động hóa cao độ với “khả năng sản xuất mRNA với quy trình khép kín… với công suất ước tính mỗi năm lên tới vài trăm triệu liều vaccine mRNA tùy loại”, BioNTech cho biết.
Giáo sư Teo nhận định đợt bùng dịch ở Đài Loan và Singapore là bài học cho những nơi đang thấy số ca nhiễm có xu hướng giảm.
“Điều xảy ra ở Đài Loan và Singapore là bằng chứng cho thấy chúng ta không thể mất cảnh giác”, ông Teo nói.