Tại sao trời quang giữa cơn bão?

Thời điểm mắt bão đi qua sẽ có khoảng lặng gió, ngớt mưa. Nhưng ngay sau đấy, mưa gió sẽ dữ dội trở lại khi nửa sau cơn bão tiến vào.

 Dù trời ngớt mưa, gió giảm, người dân vẫn được khuyến cáo ở nhà, không nên ra ngoài. Ảnh: Thế Bằng.

Dù trời ngớt mưa, gió giảm, người dân vẫn được khuyến cáo ở nhà, không nên ra ngoài. Ảnh: Thế Bằng.

Bão là những cột xoáy khổng lồ mang theo gió lớn, mưa nặng hạt và có sức tàn phá khủng khiếp. Cấu trúc của bão được chia thành 3 phần chính: các dải mưa, thành mắt bão (eyewall) và mắt bão.

Mắt bão thường là phần dễ bị "hiểu lầm" nhất, bởi nó là điểm yên tĩnh nhất của cơn bão. Nó được bao quanh bởi thành mắt, nơi tập trung những cơn gió mạnh nhất.

Mắt bão là một khu vực hình tròn, thường có đường kính từ 30-65 km, nhưng đôi khi có thể mở rộng đến 120 km. Khu vực này thường có bầu trời quang mây, không gió và không mưa. Sự yên tĩnh bên trong mắt bão trái ngược hoàn toàn với sự hỗn loạn xung quanh nó.

Nếu trên đất liền, mắt bão là phần yên tĩnh nhất của cơn bão, trên đại dương, nó có thể là nơi nguy hiểm nhất. Các sóng từ mọi hướng va vào nhau trong mắt bão, tạo ra những con sóng khổng lồ cao tới 40 m.

Dù bầu trời có vẻ bình yên, các nhà khí tượng cảnh báo rằng sự yên tĩnh này không có nghĩa là cơn bão đã kết thúc. Thực tế, đây chỉ là điểm giữa của cơn bão, bởi những cơn gió dữ dội từ phía còn lại của thành mắt vẫn đang chực chờ ập đến.

 Ảnh chụp bão Yagi từ vệ tinh Terra của NASA hôm 5/9. Ảnh: NASA.

Ảnh chụp bão Yagi từ vệ tinh Terra của NASA hôm 5/9. Ảnh: NASA.

Theo Livescience, mắt bão hình thành trong quá trình đối lưu của cơn bão. Khi bão phát triển, các dải không khí chứa đầy hơi nước bắt đầu xoay quanh một điểm chính giữa. Thành mắt bão hình thành khi một dải không khí xoay mạnh hơn những dải khác, tạo ra những cơn gió dữ dội nhất.

Những cơn gió này gây ra các luồng không khí bốc lên từ mặt biển đến đỉnh cơn bão. Tuy nhiên, không phải tất cả không khí đều bay ra ngoài. Một phần nhỏ lại hạ xuống trung tâm cơn bão, tạo ra khu vực không có mưa và được gọi là mắt bão.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế chính xác của quá trình trên. Nhưng nhìn chung, việc hình thành một mắt bão rõ ràng là dấu hiệu cho thấy cơn bão đang mạnh lên và trở nên có tổ chức hơn.

Thành mắt bao quanh mắt bão là nơi chứa những cơn gió dữ dội và mưa nặng nhất của cơn bão. Khu vực này là nơi bão có sức công phá lớn nhất. Gió trong thành mắt có thể vượt quá 225 km/h, đủ khả năng gây ra thiệt hại khủng khiếp. Khi bão đổ bộ, thành mắt là nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá nặng nề với những cơn gió, mưa, và lũ lụt ập đến.

 Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn kèm gió giật mạnh. Nhiều cây cối đổ rạp ra đường. Ảnh: Thế Bằng.

Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn kèm gió giật mạnh. Nhiều cây cối đổ rạp ra đường. Ảnh: Thế Bằng.

Khi bão đạt đến cường độ tối đa, có thể xảy ra chu kỳ thay thế thành mắt, khiến cơn bão tạm thời yếu đi trước khi lấy lại sức mạnh và tiếp tục di chuyển, New York Times cho biết.

Khi mắt bão đi qua đất liền, bầu trời thường trong xanh và gió giảm, tạo ra cảm giác yên tĩnh. Nhiều người có thể chủ quan, tưởng rằng cơn bão đã kết thúc và rời khỏi nhà. Tuy nhiên, đây có thể là sai lầm chết người.

Các chuyên gia luôn khuyến cáo người dân không nên rời khỏi nơi nhà, vì nửa sau cơn bão sẽ ập đến với mức độ nguy hiểm không kém. Bạn nên đợi đến khi nhận được thông tin rằng cơn bão đã hoàn toàn qua đi mới rời khỏi nơi an toàn.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-troi-quang-giua-con-bao-post1496437.html