Tại sao Trung Quốc nhập rác từ nước ngoài?
Trung Quốc từng là quốc gia nhập khẩu rác lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2021, rác thải nước ngoài bị cấm hoàn toàn.
Một bên là vòng vây rác thải từ các thành phố lớn của Trung Quốc, một bên là dòng rác ngoại nhập đều đặn từ nước ngoài. Trung Quốc đã phải trả giá cho các vấn đề môi trường của các nước Âu Mỹ trong gần 40 năm.
1. Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả rác thải để ngăn ô nhiễm
"Nếu Canada không nhận lại số rác còn lại được nhập lậu sang Philippines, tôi sẽ thuê một chiếc thuyền để vận chuyển rác đến các bãi biển của Canada." Vào tháng 4/2019, Philippines và Canada đã có cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai nước về xuất khẩu rác thải. Tổng thống Philippines Duterte quyết liệt đưa ra tối hậu thư cho chính phủ Canada. Thậm chí, ông đe dọa sẽ cho đổ số rác trước đại sứ quán Canada ở Manila, hoặc đem số rác tới đổ ở hải phận Canada nếu nước này không nhận lại. Cuối cùng, chính phủ Canada không còn cách nào khác là phải thỏa hiệp và vận chuyển 69 container gồm 2.400 tấn rác chất đống ở các cảng của Philippines bằng chi phí của mình.
Ban đầu, số rác này được chuyển đến Trung Quốc.
Năm 2016, Trung Quốc là nước nhập khẩu rác thải lớn nhất của Canada, tiếp nhận gần một nửa lượng rác thải của Canada. Cho đến tháng 7/2017, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch thực hiện Cấm nhập rác thải nước ngoài để thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý nhập khẩu chất thải rắn", và bắt đầu từng bước cấm nhập chất thải nước ngoài.
Sau đó, Canada mới chuyển rác sang Philippines và các nước khác. Từ năm 2016 đến 2018, xuất khẩu rác thải nhựa của Canada sang Trung Quốc đã giảm 98%. Không chỉ Canada, mà lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc đã gây ra một "cơn bão" lớn trên toàn thế giới. Tại mỗi bang của Hoa Kỳ, hàng nghìn tấn vật liệu tái chế được gửi đến các bãi chôn lấp. Pete Keller, Phó chủ tịch của Republic Service, một trong những công ty quản lý rác thải lớn nhất Hoa Kỳ, cho biết: "Đột nhiên, không còn nơi nào để xử lý rác thải thu gom trên đường phố".
Trước đó, với tư cách là nước xuất khẩu chất thải có thể tái chế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ đã xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn chất thải mỗi năm, phần lớn xuất sang Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ đã xuất khẩu xấp xỉ 16 triệu tấn rác thải sang Trung Quốc.
Simon Ellin, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Anh, nói với Guardian: "Chúng tôi đã dựa vào việc xuất khẩu nhựa phế thải sang Trung Quốc trong 20 năm qua, và giờ mọi người không biết phải làm gì tiếp theo". Trước đó, mỗi năm Anh phải xuất sang Trung Quốc khoảng 500.000 tấn rác, chiếm 2/3 tổng lượng rác xuất khẩu. Theo số liệu của cơ quan bảo vệ môi trường Greenpeace, kể từ năm 2012, hơn 2,7 triệu tấn nhựa phế thải đã được các tàu của Anh chuyển đến Trung Quốc. Trên khắp châu Âu, có hơn 7 triệu tấn rác mà không biết bỏ đi đâu.
Vào tháng 4 năm 2018, sau khi một chương trình truyền hình của Úc tiến hành một cuộc điều tra sâu về lệnh cấm nhập khẩu “rác ngoại lai” của Trung Quốc, tình hình thu gom rác của Úc thực sự đáng báo động: rác thải nhựa bắt đầu tích tụ trên khắp đất nước; hệ thống thu gom rác được bờ vực sụp đổ; Úc gần như ngập trong rác thải…
Chính phủ Trung Quốc không chỉ thực hiện lệnh cấm mà còn phát động chiến dịch nhằm truy quét nạn buôn lậu rác từ nước ngoài. Năm 2020 là năm cuối cùng của việc cấm nhập rác từ nước ngoài. Từ ngày 01/01/2021, việc nhập khẩu "rác ngoại lai" sẽ bị cấm hoàn toàn!
2. Lợi nhuận khổng lồ từ tái chế rác nước ngoài
Nhập khẩu rác thải nước ngoài của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Vào thời điểm đó, việc thiếu nguyên liệu công nghiệp và chi phí cao là trở ngại lớn cho tốc độ phát triển của Trung Quốc. Rác thải nước ngoài có thể trở thành nguyên liệu thô công nghiệp sau khi xử lý đơn giản. Đây chắc chắn là giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí nhất. Nhựa phế thải được biến thành găng tay, quần áo và ô dù có thể tiết kiệm từ 30 triệu đến 45 triệu tấn dầu thô mỗi năm; các sản phẩm điện tử phế thải có thể chiết xuất một lượng lớn kim loại quý như vàng, bạc, đồng và nhôm với chi phí thấp.
Chất thải rắn như nhựa, giấy, sản phẩm cao su và kim loại nhập khẩu từ nước ngoài đã nhanh chóng trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Trung Quốc cần nguyên liệu thô cho công nghiệp, và các nước phát triển cần gấp rút thải ra một lượng lớn chất thải do chi phí xử lý chất thải cao và áp lực môi trường: xuất khẩu chất thải không những không phải chịu phí xử lý chất thải mà còn có thể tạo ra thu nhập.
Trung Quốc đã trở thành trạm tái chế rác lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy trong 20 năm từ 1995 đến 2016, nhập khẩu chất thải hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, từ 4,5 triệu tấn lên hơn 46 triệu tấn. Năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu hơn một nửa lượng rác thải nước ngoài của thế giới, bao gồm 22% phế liệu thép toàn cầu, 57% phế thải nhựa, 31% phế liệu kim loại màu, 51% phế liệu giấy và 28% phế thải điện tử.
Nhập khẩu rác từ nước ngoài từng là một ngành kinh doanh giàu có chỉ sau một đêm. Vào thời kỳ đỉnh cao, tỷ suất lợi nhuận của việc nhập khẩu và xử lý rác nước ngoài vượt quá 400%: một tấn rác nước ngoài có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ, một tấn giấy vụn có thể được bán với giá 2.000 nhân dân tệ và một tấn nhựa có thể được bán với giá 7.000. nhân dân tệ. Người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, Zhang Yin, đã kiếm tiền bằng cách tái chế và xử lý rác thải nước ngoài.
Năm 1985, Zhang Yin cầm 30.000 nhân dân tệ đến Hồng Kông khởi nghiệp kinh doanh tái chế chất thải. Bằng cách tái chế giấy phế liệu từ Mỹ, bà đã trở thành "nữ hoàng thùng carton" của Hồng Kông chỉ trong vòng 6 năm. Năm 2006, Zhang Yin trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản 26 tỉ USD. Tái chế rác kiếm lợi từ nước ngoài từng trở thành một ngành công nghiệp trụ cột ở một số thị trấn ven biển ở Trung Quốc. Ví dụ, Quý Tự (thuộc tỉnh Quảng Đông) là trung tâm phân phối rác thải điện tử lớn nhất thế giới, Văn An (thuộc tỉnh Hà Bắc) là trung tâm thu gom và phân phối nhựa phế thải lớn nhất thế giới, và Kiệt Thạch (thuộc tỉnh Quảng Đông) là trung tâm bán buôn quần áo phế thải nước ngoài lớn nhất thế giới.
Vào thời hoàng kim, hơn 100.000 người trong thị trấn Quý Tự tham gia vào việc tái chế rác thải điện tử. 1.000 tấn rác thải điện tử có thể tháo rời 300 tấn đồng, và một xưởng gia đình nhỏ có thể kiếm hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm. Một thị trấn nhỏ có thể sản xuất hơn 100.000 tấn đồng mỗi năm bằng cách tái chế rác thải điện tử, tạo ra giá trị kinh tế vài tỉ nhân dân tệ. Sản lượng đồng khổng lồ đã khiến ngành công nghiệp tái chế rác ở Quý Tự thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng giá đồng quốc tế. Tuy nhiên, “tất cả những món quà của định mệnh đều được bí mật đánh đổi bằng giá cả”.
Lấy chất thải nhựa làm ví dụ, tỷ lệ thu hồi tối đa theo lý thuyết là 85%, phần không thể tái chế được chôn lấp hoặc đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường không thể phục hồi. Hơn nữa, rác ngoại lai thường lẫn lộn với nhiều loại rác có tính ô nhiễm cao và rác thải nguy hại. Những chuỗi công nghiệp khổng lồ với chất thải nước ngoài là cốt lõi đều phải trả giá bằng ô nhiễm môi trường. Ngoài trung tâm phân phối rác thải điện tử lớn nhất thế giới, Quý Tự còn được biết đến với 2 tên gọi không mấy tốt đẹp - "Thị trấn máu chì" và "Làng Ung thư".
Năm 2002, cuộc kiểm tra sức khỏe cho học sinh tại một trong những ngôi làng cho thấy hơn 80% học sinh tiểu học và trung học cơ sở mắc bệnh đường hô hấp, và 5 học sinh khác bị xác nhận bị ung thư máu. Vào tháng 8/2014, một cuộc điều tra của Trường Y Đại học Sán Đầu cho thấy kim loại nặng đã gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và nước tại địa phương, hàm lượng chì trong máu của trẻ em đã vượt quá tiêu chuẩn.
Làng Viễn Phong, thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, là trung tâm thu gom và phân phối rác của người nước ngoài từ năm 1995. Sau đó, một số lượng lớn dân làng chết vì ung thư và được giới truyền thông mệnh danh là "Làng ung thư".
Đây là những cái giá quá đắt mà Trung Quốc phải trả khi là trạm tái chế rác của thế giới. Thu gom rác từ khắp nơi trên thế giới, và sau đó gửi các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ra thế giới, rác nhập khẩu từ nước ngoài đã từng là một phần quan trọng của các sản phẩm gán mác "Made in China". Theo mô tả của các phương tiện truyền thông Anh, “Các tàu container từ Trung Quốc đến Vương quốc Anh chứa đầy các sản phẩm khác nhau của Trung Quốc, và những con tàu này chứa đầy rác thải và rác tái chế của Anh khi chúng trở về.”
Đằng sau hoạt động thương mại xuất nhập khẩu rác thải nước ngoài dường như là sự đồng thuận và mỗi bên đều lấy thứ họ cần.
3. Cuộc khủng hoảng rác thải ở các thành phố lớn Trung Quốc
Năm 1983, một cuộc khủng hoảng rác nghiêm trọng đã nổ ra ở Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã 3 lần chụp ảnh từ xa qua máy bay và phát hiện rằng rác thải gần đường vành đai 3 và 4 của Bắc Kinh ngày nay chất thành núi. Có hơn 4700 bãi rác rộng trên 50 mét vuông, và vô số bãi rác dưới 50 mét vuông. Sau hơn hai thập kỷ, vào năm 2008, bộ phim tài liệu "Beijing Besieged by Waste" (tạm dịch: Rác thải vây hãm Bắc Kinh) một lần nữa thu hút sự chú ý của mọi người về vấn nạn rác thải ở Bắc Kinh. Trong phim, hơn 100.000 người nhặt rác từ Hà Nam, Hà Bắc và Tứ Xuyên đã tập trung tại hơn 400 bãi rác xung quanh Bắc Kinh, tạo thành một hình ảnh gây sốc về “bảy vành đai” của Bắc Kinh.
Dữ liệu cho thấy trong năm 2017, Bắc Kinh thải ra 9.247.700 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình 25.000 tấn mỗi ngày. Bãi chôn lấp và đốt là những phương pháp xử lý rác thải quan trọng nhất. Năm 2017, rác thải sinh hoạt được chôn lấp ở Bắc Kinh đã vượt quá tải trọng 15%. Theo "Báo cáo đánh giá chi phí xã hội do đốt chất thải rắn thành phố Bắc Kinh", tổng số người mắc ung thư do dioxin ở Bắc Kinh lên tới 241 người mỗi năm. Cuộc vây hãm rác thải ở Bắc Kinh không đơn độc. Thượng Hải sản xuất 20.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trong vòng 4 ngày, số lượng rác thải có thể chất đống cao bằng tháp Kim Mậu (420 mét); Quảng Châu tạo ra 18.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày; rác sinh hoạt trong 3 năm của Hàng Châu có thể được lấp đầy Tây Hồ,...
Đây chỉ là rác thải sinh hoạt, còn lượng rác thải xây dựng còn kinh hoàng hơn. Lấy Thượng Hải làm ví dụ, tổng lượng chất thải xây dựng được kê khai trong năm 2016 là gần 80 triệu tấn. Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2004 để trở thành nước sản xuất rác lớn nhất thế giới. Thống kê của Hiệp hội Vệ sinh Môi trường Đô thị Trung Quốc cho thấy, năm 2010, Trung Quốc thải ra gần 1 tỉ tấn rác thải, bao gồm khoảng 400 triệu tấn rác thải sinh hoạt và 500 triệu tấn rác thải xây dựng, hiện vẫn đang tăng với tốc độ hàng năm khoảng 8%. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn, hơn 2/3 số thành phố của Trung Quốc bị bao quanh bởi rác thải và 1/4 số thành phố không có nơi thích hợp để chứa rác.
Vấn đề xử lý rác ở các thành phố vừa và lớn thậm chí còn tạo ra một dây chuyền công nghiệp đen: đổ rác trộm.
Rác của Thượng Hải đổ ở Giang Tô, rác ở Thâm Quyến đổ ở Giang Tây, rác ở Hàng Châu đổ ở An Huy, ... Thậm chí, việc đổ chất gây ô nhiễm phải đối mặt với mức phạt lên tới 200.000 nhân dân tệ, mức lợi trước mắt vẫn làm con người mờ mắt.
Một mặt là sự vây hãm rác thải của các thành phố lớn trong nước, mặt khác là dòng rác ngoại nhập đều đặn từ nước ngoài, điều này chắc chắn làm tăng gấp đôi áp lực môi trường đối với Trung Quốc. Tái chế rác mang lại nhiều lợi nhuận lớn, tại sao họ không chọn rác trong nước dễ mua hơn thay vì nhập rác nước ngoài? Trung Quốc không có hệ thống phân loại và tái chế rác. Điều này làm tăng đáng kể khó khăn và chi phí tái chế rác tại địa phương. Không ai muốn kinh doanh mà không tạo ra kinh tế. Theo số liệu, tính đến năm 2010, 97% rác thải đô thị của Trung Quốc không thể xử lý và chỉ có thể được chất thành đống hoặc chôn lấp. Tổn thất hàng năm do rác thải ở các thành phố của Trung Quốc lên tới 25 đến 30 tỉ nhân dân tệ. Nếu được tái chế, nó có thể đã tạo ra 250 tỉ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, từ khi triển khai phân loại rác tại 46 thành phố thí điểm, kết quả lạc quan hơn nhiều. Ví dụ với Thượng Hải, tính đến tháng 11/2019, lượng rác tái chế hàng ngày của thành phố đã tăng 3,7 lần so với tháng 12/2018, tỷ lệ tuân thủ phân loại rác tại các khu dân cư của thành phố tăng từ 15% lên 90%.
Về tái chế tài nguyên, việc đốt chất thải khô hàng ngày và sử dụng tài nguyên chất thải ướt của thành phố đã tăng từ 14.000 tấn vào tháng 12/2018 lên 21.000 tấn vào tháng 11/ 2019, tăng 50%. Vấn đề không đủ công suất xử lý rác ở Thượng Hải đã được giải quyết một cách hiệu quả. Để xóa bỏ vấn nạn rác thải mà Trung Quốc phải đối mặt, thiết lập hệ thống phân loại và tái chế rác, đồng thời cấm rác nước ngoài nhập khẩu vào là điều bắt buộc.
4. Rác nước nào, nước đấy tự xử lý!
Sau khi ban hành lệnh cấm, nhiều người cho rằng chuỗi ngành công nghiệp rác nhập khẩu nước ngoài rất phức tạp và liên quan đến sinh kế của hàng trăm nghìn người. Sau khi việc nhập khẩu rác từ nước ngoài bị cấm, những người này sẽ sống như thế nào? Tuy nhiên, đây không phải vấn đề đáng quan ngại.
Năm 2018, sau một đợt dọn dẹp quy mô lớn chưa từng có ở Quảng Đông, 3.279 cửa hàng liên quan đã bị giải tỏa, 3.017 nhà kho chứa, xử lý và vận hành quần áo cũ bị phá bỏ và hơn 6.000 tấn quần áo cũ bị tiêu hủy. Không có sự phụ thuộc công nghiệp của rác nước ngoài, tự Quảng Đông đã kích thích sức sống kinh tế và sự sáng tạo. Du lịch, các khu công nghiệp phần cứng và các thị trấn thực phẩm nổi lên theo thời gian, và một hệ thống kinh tế đa dạng hơn nhanh chóng được thiết lập. Việc cấm chất thải nước ngoài nhập vào có thể trở thành một nút quan trọng trong quá trình nâng cấp sản xuất và công nghiệp của Trung Quốc.
Đồng thời, với sự tiến bộ dần dần của các thí điểm phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt, các công ty tái chế tài nguyên được giải phóng, mở ra một làn sóng cơ hội mới. Theo báo cáo, khoảng 1.200 nhà máy ở Trung Quốc trước đây nhập khẩu chất thải nhựa nước ngoài, nay 1/3 trong số đó đã được di dời, 1/3 chuyển ra nước ngoài và 1/3 hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa phế liệu trong nước. Cuộc vây hãm rác thải đã gây khó khăn cho Trung Quốc trong một thời gian dài được cho là sẽ giảm bớt đáng kể.
Trước mắt, các nước Âu Mỹ đang gặp rắc rối vì lệnh cấm rác của Trung Quốc. Do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu rác, năng lực xử lý rác tại chỗ của các nước Âu Mỹ rất hạn chế. Lấy ví dụ như Hoa Kỳ, tỷ lệ thu hồi chất thải rắn của các địa phương chỉ khoảng 10%. Nhưng về lâu dài, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế chất thải rắn, vốn có lợi cho an ninh sinh thái toàn cầu.
Trên thực tế, việc xuất khẩu rác sang các nước đang phát triển chẳng qua là “bịt tai, trộm chuông”, dùng lợi thế kinh tế để chuyển giao ô nhiễm. Từ quan điểm toàn cầu, nó không thể thực sự làm giảm bớt các vấn đề sinh thái. Một nhóm điều tra khoa học ở Anh đã từng thống kê tổng lượng rác thải ra của tất cả mọi người trên trái đất, kết quả cuối cùng là: 30 nghìn tỉ tấn. Và tổng lượng chất thải tiếp tục tăng lên.
Số liệu cho thấy trong số hàng trăm triệu tấn rác thải nhựa trên thế giới mỗi năm, chỉ có khoảng 35% được tái chế, khoảng 12% được đốt, và hơn một nửa còn lại được tích tụ trong tự nhiên, trong đó có 46% là được chôn dưới đất, tích tụ tại bãi rác và 7% chảy ra đại dương.
Giữa California và Hawaii, rác đang tích tụ tạo nên một "thế giới mới". Theo ước tính, hòn đảo rác khổng lồ này có diện tích 1,6 triệu km vuông, tương đương với 6 nước Anh. Ngay sau Trung Quốc, ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển đóng cửa với rác ngoại. Năm 2019, Ấn Độ cấm nhập khẩu rác thải nhựa; Thái Lan tuyên bố sẽ cấm hoàn toàn rác thải nước ngoài vào năm 2021; Philippines và Malaysia sẽ trả lại rác thải nước ngoài của Canada,...
Trên toàn cầu, việc xử lý chất thải rắn tại chỗ đang trở thành xu hướng quan trọng, và "rác nước nào, nước đó tự xử lý" là xu hướng chung. An ninh sinh thái có liên quan mật thiết đến tất cả mọi người trên thế giới. Tất cả các quốc gia trên thế giới phải gánh vác trách nhiệm của chính mình.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-trung-quoc-nhap-rac-tu-nuoc-ngoai-post142586.html