Tại sao Trung Quốc vẫn trì hoãn cấp phép cho vaccine COVID-19 của phương Tây
Khi biến thể Delta bùng phát ở Trung Quốc hồi mùa hè, một số chuyên gia y tế hy vọng Trung Quốc có thể sớm triển khai tiêm chủng bằng các loại vaccine công nghệ mRNA của phương Tây.
Theo kênh CNN, hồi tháng 7, vaccine của Pfizer/BioNTech đã qua vòng rà soát của chuyên gia và đang trong giai đoạn rà soát của giới chức Trung Quốc. Fosun Pharma là đối tác ở Trung Quốc của BioNTech và đã được cấp phép sản xuất, phân phối vaccine của Pfizer/BioNTech tại Trung Quốc. Fosun Pharma thậm chí còn lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8.
Tuy nhiên, 5 tháng trôi qua, giới chức Trung Quốc vẫn chưa nói khi nào cấp phép hoặc có cấp phép cho vaccine Pfizer/BioNTech hay không, kể cả khi biến thể Omicron đã xuất hiện ở Trung Quốc. Giới chức y tế ở thành phố cảng Thiên Tân đã phát hiện ca mắc Omicron đầu tiên.
Nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy liều vaccine Pfizer/BioNTech thứ ba có thể vô hiệu hóa Omicron.
Trung Quốc chưa công bố nghiên cứu về hiệu quả của vaccine nội địa với Omicron, mặc dù các chuyên gia và truyền thông tự tin rằng vaccine Trung Quốc có thể ngăn chặn biến thể mới.
Trên 1,1 tỷ người Trung Quốc (gần 80% dân số) đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19, phần lớn bằng vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả thấp hơn nhiều so với các vaccine công nghệ mRNA.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine của Sinovac chỉ hiệu quả 51% trong ngăn chặn ca bệnh có triệu chứng, còn vaccine của Sinopharm có hiệu quả 79%. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna là 95%.
Trong vài tháng qua, giới chức Trung Quốc đã áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các ổ dịch trong nước nhằm giữ vững mục tiêu tham vọng “zero COVID-19”. Tuy nhiên, số ca mắc tiếp tục bùng lên. Tuần trước, trên 130 ca COVID-19 đã xuất hiện tại tỉnh Chiết Giang. Trung Quốc còn kêu gọi dân không về quê ăn Tết Nguyên đán để giảm đà lây lan của virus.
Để tăng cường miễn dịch đang giảm dần cho người dân, Trung Quốc bắt đầu tiêm mũi tăng cường nhưng lại dùng vaccine bất hoạt nội địa.
Theo CNN, không phải vì giới chức Trung Quốc không biết lợi thế của vaccine mRNA nên không cấp phép. Tháng trước, ông Zeng Guang, từng là nhà dịch tễ trưởng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận rằng dữ liệu cho thấy hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn khi dùng vaccine mRNA hoặc vaccine tái tổ hợp protein làm mũi tăng cường cho người đã tiêm vaccine bất hoạt. Tuy nhiên, ông Zeng cho rằng dùng vaccine cùng loại công nghệ để tiêm mũi tăng cường sẽ an toàn hơn và được người dân chấp nhận nhiều hơn.
Vậy tại sao Chính phủ Trung Quốc chần chừ cấp phép cho vaccine mRNA của phương Tây?
Theo ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại, yếu tố chính trị dường như là điều khiến Trung Quốc cân nhắc trong quá trình xét duyệt vaccine phương Tây.
Trung Quốc là nước dẫn đầu trong cuộc đua vaccine toàn cầu trong phần lớn năm ngoái. Nước này đã đưa hàng tỷ liều vaccine ra nước ngoài cho các nước đang phát triển, củng cố quyền lực mềm của mình.
Ông Yanzhong Huang nhận định: “Khi Trung Quốc phát triển vaccine của mình, họ thể hiện tiến bộ công nghệ ở Trung Quốc. Nếu chuyển sang vaccine nước ngoài, không khác gì thừa nhận vaccine nội địa không tốt như vaccine ngoại về năng lực công nghệ”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn bảo vệ lợi ích của ngành vaccine nội địa.
Mặc dù giới chức Trung Quốc trì hoãn cấp phép cho vaccine Pfizer/BioNTech, các công ty trong nước đã bật đèn xanh để tiến tới tự phát triển vaccine theo công nghệ mRNA.
Tháng trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã cho phép thử nghiệm vaccine mRNA do trong nước sản xuất để làm mũi tăng cường cho người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine bất hoạt. Thử nghiệm lâm sàng đã diễn ra ở Mexico, Indonesia, dù chưa công bố kết quả.
Vaccine mRNA của Trung Quốc có tên ARCoVax, do công ty công nghệ sinh học Walvax Biotechnology, Suzhou Abogen Biosciences và Viện hàn lâm Khoa học Y khoa Quân sự phát triển. Cơ sở sản xuất ở tỉnh Vân Nam có thể cho ra lò 200 triệu liều hàng năm.
Một số công ty Trung Quốc như Sinopharm cũng đang phát triển vaccine mRNA. Bắc Kinh có thể sẽ muốn cấp phép cho vaccine mRNA nội địa rồi mới bật đèn xanh cho vaccine công nghệ này của nước ngoài.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy các chuyên gia Trung Quốc đang hy vọng hợp tác nhiều hơn với đối tác phương tây.
Cuối tuần qua, ông Zhong Nanshang, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ, đã kêu gọi nước này tăng cường trao đổi, hợp tác trong phát triển vaccine COVID-19 với các nước khác. Ông nói: “Chúng ta cần học điều hay ở các nước khác, như vaccine mRNA. Họ đã bỏ nhiều năm nghiên cứu và đã phát triển được vaccine mRNA đầu tiên trên thế giới chỉ trong vài tháng… Chúng ta cần học công nghệ của họ trong lĩnh vực này”.