Tại sao việc sở hữu 'mỏ vàng' dưới lớp băng ở Greenland không hề dễ dàng?
Nằm bên dưới vùng đất hoang vắng, băng giá của Greenland là trữ lượng khoáng sản thô chưa được khai thác lớn nhất thế giới, được sử dụng để chế tạo mọi thứ từ điện thoại thông minh, ô tô điện cho đến chiến đấu cơ F-35 Lightning II.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc đưa lượng khoáng sản thô đó lên mặt đất không phải là điều dễ dàng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng Mỹ cần Greenland vì an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một phần sức hấp dẫn của hòn đảo lớn nhất thế giới này chính là đất hiếm, kim loại và các nguyên liệu thô khác. Hiện tại, Mỹ chủ yếu dựa vào Trung Quốc như nguồn cung một số nguyên liệu quan trọng và Bắc Kinh có thể sử dụng quyền tiếp cận chúng như một thứ vũ khí trong cuộc chiến thương mại.
Nhưng khí hậu khắc nghiệt của Greenland, hoạt động vận chuyển nguy hiểm, cơ sở hạ tầng hạn chế và lực lượng lao động địa phương nhỏ bé đã khiến khiến cho việc khai thác “mỏ vàng” bên dưới Greenland bị “đóng băng”.
Do cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, nhu cầu các nguyên tố đất hiếm ngày càng tăng và khí hậu ấm lên khiến nhiều người hy vọng phát triển ngành khai thác mỏ ở Greenland. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc khai thác với quy mô lớn vẫn còn phải chờ thêm nhiều năm nữa.
“Greenland đang bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với những người đang hy vọng có thể phá vỡ ảnh hưởng rất mạnh mẽ của Trung Quốc trong xuất khẩu đất hiếm, và biến đổi khí hậu giúp giải quyết một số vấn đề”, Marc Lanteigne, giáo sư tại Đại học Tromsø và là giảng viên phụ trợ tại Đại học Greenland, cho hay.
“Tuy nhiên, điều không thay đổi là các điều kiện chung, bao gồm cả việc thiếu cơ sở hạ tầng và lao động, khiến việc khai thác trở nên khó khăn và khá tốn kém”, ông nói thêm.
Kể từ khi đắc cử, ông Trump đã nảy sinh ý tưởng giành quyền kiểm soát Greenland từ tay Đan Mạch và đe dọa sẽ đánh thuế Đan Mạch nếu nước này không hợp tác. Gần đây nhất, Tổng thống đắc cử đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo lớn nhất thế giới.
Cởi mở với hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng
Các quan chức ở Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và bản thân Đan Mạch, một đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO, đã bác bỏ ý tưởng hòn đảo này trở thành một phần của Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức Greenland lại hoan nghênh sự gia tăng đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực khai khoáng nói riêng. Hòn đảo này gần đây đã tăng cường nỗ lực đòi độc lập khỏi Đan Mạch, quốc gia duy trì một số quyền kiểm soát đối với họ, bao gồm cả chính sách đối ngoại.
Hôm đầu tuần này, Thủ tướng Greenland Múte Egede cho biết hòn đảo này không muốn trở thành người Mỹ. Tuy nhiên, ông Egede nói thêm rằng ông muốn theo đuổi sự hợp tác sâu sắc hơn với Mỹ về quốc phòng và hoan nghênh sự đầu tư của Mỹ vào ngành khai khoáng của Greenland.
Giá cổ phiếu của các công ty khai thác tập trung vào Greenland đã tăng vọt sau nhận xét của ông Trump.
Mira Kleist, người đứng đầu bộ phận Greenland tại công ty tư vấn Kaya Partners, cho biết bà đã nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các công ty và nhà đầu tư trong lĩnh vực khai thác mỏ.
Bà cho hay tình trạng biến đổi khí hậu có thể giúp cho khoảng thời gian không có băng trong năm ở Greenland kéo dài hơn, giúp cho hoạt động khai khoáng trở nên dễ dàng hơn. Băng rút đi cũng có thể tiết lộ những khu vực giàu khoáng sản mới vì nó làm lộ ra nền đá đã bị đóng băng hàng thiên niên kỷ.
Hiện nay, Greenland vẫn có hai mỏ đang hoạt động nhưng chúng không liên quan đến việc khai thác các khoáng sản quan trọng. Hòn đảo này đã gia hạn khoảng 100 giấy phép khai thác đang hoạt động, chủ yếu là để thăm dò, và một số giấy phép khác.
Những thách thức trong khai thác
Chi phí khởi động dự án cao là một vấn đề đặc biệt: Bất kỳ mỏ khai thác nào cũng sẽ phải được xây dựng từ đầu trên địa hình gồ ghề của Greenland, với các vịnh hẹp sâu và các tảng băng có thể dày tới 1 dặm. Hòn đảo không có đường nối giữa các khu định cư, trong khi băng trôi ngoài khơi khiến việc vận chuyển trở nên nguy hiểm. Dân số khoảng 57.000 người của hòn đảo cũng đồng nghĩa với việc phải nhập khẩu lao động nước ngoài.
Quyết định cấm khai thác uranium của Greenland trong những năm gần đây cũng khiến một số nhà đầu tư lo sợ, bởi họ muốn thấy các dự án được thực hiện thành công ở đây trước khi quyết định rót vốn.
“Luôn có rất nhiều hứng thú về nơi đó, nhiều cuộc thảo luận về tiềm năng của nó (Greenland)”, Flemming Getreuer Christiansen, một nhà tư vấn khoa học địa chất với hàng chục năm kinh nghiệm trong khu vực, cho biết. “Sự hứng thú của ông Trump giờ tiếp tục thúc đẩy nhiều người, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức”.
Một quan chức chính phủ Greenland thừa nhận những thách thức trong việc thu hút vốn nhưng cho biết hợp tác trong tương lai với Mỹ sẽ giúp khám phá các cơ hội khai thác tiềm năng của hòn đảo. Ông nói, khoảng 7% diện tích không có băng ở đây đã được cấp giấy phép, mở ra “rất nhiều không gian để tăng cường hoạt động thăm dò”.
Những ngọn đồi hiểm trở dọc theo khu vực ven biển của Greenland được thiên nhiên ưu đãi với vô số nguyên liệu thô như đất hiếm, than chì, đồng và lithium – tất cả đều là những nguyên liệu quan trọng cho công nghệ xanh, chip trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ quân sự.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2013, một tàu ngầm lớp Virginia SSN-774 cần khoảng 9.200 pound (4.173 kg) đất hiếm để chế tạo, trong khi máy bay F-35 Lightning II cần khoảng 920 pound vật liệu (417 kg).
Ủy ban Châu Âu cho biết 25 trong số 34 nguyên liệu thô được xác định là “quan trọng về mặt chiến lược” đối với ngành công nghiệp và quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu có thể được tìm thấy ở Greenland.
Trung Quốc thống trị việc sản xuất và xuất khẩu nhiều loại đất hiếm. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ và S&P Global Mobility, Mỹ phải nhập khẩu 72% đất hiếm và 40% than chì từ Trung Quốc.
Nhiều bên muốn có Greenland
Mỹ không phải là cường quốc thế giới duy nhất tranh giành nguồn khoáng sản dồi dào của Greenland.
Năm 2023, Liên minh Châu Âu đã ký quan hệ đối tác chiến lược với Greenland để hợp tác thăm dò, khai thác và chế biến các nguyên liệu quan trọng. Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách tăng cường sự hiện diện kinh tế trong khu vực, bao gồm cả đầu tư vào hoạt động khai thác mỏ ở Greenland. Năm 2018, Lầu Năm Góc đã thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc tài trợ cho 3 sân bay trên đảo.
“Đặc biệt vào thời điểm hiện tại, trữ lượng đất hiếm ở Greenland gây ra sự chú ý đặc biệt với Mỹ cũng như nhiều nước khác, vì Trung Quốc gần như độc quyền trên thị trường thế giới”, Marc Jacobsen, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, cho biết.
Tuy nhiên, để giải quyết một số rào cản về hậu cần, cần có sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ và trợ cấp cấp nhà nước, Rod McIllree, nhà địa chất và giám đốc điều hành tại 80 Mile, công ty đang phát triển mỏ niken, đồng và coban, cho biết.
Ba sân bay mới ở Greenland vào cuối năm 2026, một trong số đó đã được khai trương, cũng được kỳ vọng sẽ giảm bớt một số thách thức về hậu cần.