Tại sao vụ thử tên lửa mới của Trung Quốc gây 'sốc' cho Mỹ?
Theo Thời báo Tài chính, Lầu Năm Góc đã bất ngờ sau vụ thử tên lửa mới của Trung Quốc vào tháng 7 năm nay.
Trung Quốc đã bắn thử một tên lửa siêu vượt âm ở biển Đông vào tháng 7 năm nay. Thời báo Tài chính cho biết tên lửa bay với vận tốc "gấp 5 lần tốc độ âm thanh".
Một số chuyên gia quân sự tin rằng đó là tên lửa không đối không, trong khi những người khác cho hay vũ khí mới thử nghiệm của Trung Quốc có thể làm tổn hại khả năng của các hệ thống phòng thủ tên lửa siêu âm của đối phương.
Thời báo Tài chính đưa tin vụ thử tên lửa của Trung Quốc diễn ra vào ngày 27-7 và lặp lại vào ngày 13-8, gây lo ngại cho Washington về khả năng tiến bộ quân sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này chỉ thử nghiệm "một tàu vũ trụ thông thường" để xem nó có thể tái sử dụng hay không.
Nếu thử nghiệm của Trung Quốc về vũ khí siêu vượt âm được xác nhận, Trung Quốc có thể sẽ tìm ra cách để chống lại việc Mỹ bắn hạ các tên lửa đạn đạo trước khi chúng đe dọa lãnh thổ mình. Hồi năm ngoái, hải quân Mỹ đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo mô phỏng.
Theo Thời báo Tài chính, Lầu Năm Góc đã bất ngờ sau vụ thử tên lửa mới của Trung Quốc vào tháng 7 năm nay vì họ nghĩ không có nước nào đủ khả năng làm như vậy.
Trong vụ thử nghiệm hồi tháng 8, một phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc có thể bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp, sau đó trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn từ những hướng không ngờ tới, đặt ra thách thức không nhỏ với mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Hai nguồn tin nói với Thời báo Tài chính rằng Trung Quốc đã đạt được "tiến bộ đáng kinh ngạc về vũ khí siêu âm và tiên tiến hơn nhiều so với những gì các quan chức Washington biết được".
Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Mỹ coi Trung Quốc là "thách thức tốc độ" số một khi 2 nước đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu âm di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Đáp lời, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, khẳng định Trung Quốc không có chiến lược toàn cầu hoặc kế hoạch hoạt động quân sự, đồng thời không quan tâm đến việc chạy đua vũ trang với các nước khác.