Tái tạo năng lực cán bộ sau sắp xếp bộ máy hành chính
Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, một nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, giữ được nhân lực có năng lực, trình độ nhằm đảm bảo tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính mới vận hành thông suốt, hiệu quả.
Ổn định sau sắp xếp, giữ chân cán bộ giỏi

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Đồng Nai, làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho lãnh đạo một doanh nghiệp FDI đóng chân trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: TTXVN phát
Để cán bộ, công chức, viên chức ổn định công tác trong tình hình mới, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như bố trí nhân sự, sắp xếp trụ sở làm việc, tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ chỗ ở và các chế độ đi kèm.
Tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 32 tuyến xe đưa đón khoảng 1.400 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Bình Phước (cũ) đến trung tâm hành chính tỉnh làm việc. Cán bộ từ Bình Phước (cũ) được hỗ trợ tiền thuê nhà và tiền ăn trong 6 tháng (từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2025), với mức từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng tùy từng trường hợp (được bố trí ở ký túc xá hoặc nhà ở tập thể, được bố trí thuê nhà ở xã hội, hay phải tự túc nhà ở)..
Tỉnh Vĩnh Long đang gấp rút bố trí nhà ở cho cán bộ ở xa về công tác tại trung tâm hành chính tỉnh. Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, sau hợp nhất Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là gần 1.630 phòng lưu trú. Qua rà soát số lượng nhà công vụ, hiện Vĩnh Long còn thiếu hơn 1.200 phòng, các trường hợp thiếu sẽ được UBND tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ phù hợp theo quy định.
Để cán bộ, công chức từ cơ sở 2 (tỉnh Bình Dương cũ), cơ sở 3 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) yên tâm công tác, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức mỗi ngày 12 chuyến xe đưa, đón cán bộ từ hai cơ sở này đến cơ sở 1 (phường Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh) làm việc và ngược lại. Thành phố cũng đang xem xét mở rộng đối tượng được bố trí nhà công vụ cho lực lượng cán bộ từ các cơ sở về công tác tại trung tâm hành chính thành phố.
Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nhà ở xã hội cũng được quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, nguyên cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre (cũ), cần hỗ trợ việc làm công - bán công đúng chuyên môn, khuyến khích khởi nghiệp quy mô nhỏ và tạo điều kiện để cán bộ rời bộ máy nhà nước chuyển sang khu vực tư nhân một cách nhân văn, hiệu quả. “Việc này cần được giải quyết khéo léo, nhân văn và trọn vẹn, để “cuộc cách mạng thể chế” thật sự là chủ trương, quyết sách đúng đắn, được mọi người đồng tình, ủng hộ”, bà Phượng nhấn mạnh.
Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và mua, thuê nhà ở xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho các trường hợp thuộc diện sắp xếp rời khu vực công; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề mới mức bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/người… Thành phố cũng hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm tối đa 300 triệu đồng/người, thời hạn vay đến 120 tháng, với lãi suất được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% trong 5 năm đầu.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các chính sách này khuyến khích cán bộ tham gia trở lại vào thị trường lao động sau khi sắp xếp, giúp ổn định tâm lý, đời sống của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc gắn kết với các hoạt động đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.
Đổi mới tư duy, phát huy năng lực đội ngũ cơ sở

Phường Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập các phường 11, 12, 13 và 14 của quận 5 cũ. Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, khối lượng công việc chuyển về cấp xã tăng đáng kể, với hơn 1.000 nhiệm vụ từ cấp huyện, tỉnh được phân cấp, trong khi biên chế cán bộ cấp xã chỉ tối đa khoảng 60 người. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm cần tập trung tái tạo năng lực cán bộ thông qua nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Từ thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Phường Chợ Lớn được hợp nhất từ các phường 11, 12, 13, 14 (quận 5 cũ), diện tích khoảng 1,6 km² với dân số 85.000 người, địa bàn rộng hơn và phạm vi phục vụ lớn hơn trước. “Đội ngũ thực thi nhiệm vụ hành chính công chúng tôi phải tự nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ để xử lý các tình huống khó, phức tạp, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính”, ông Dũng cho biết.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga, Trưởng bộ môn Pháp luật hành chính - Hình sự (Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn), công chức chuyên môn cấp xã hiện nay có thành phần từ cả công chức cấp huyện và xã trước đây, do đó cần bảo đảm năng lực chuyên môn tương ứng với yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, cán bộ cấp xã cần thay đổi tư duy, phương pháp làm việc phù hợp với địa bàn rộng hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo gần dân, sát dân, xử lý sự vụ nhanh, hiệu quả.
Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 174-KL/TW ngày 4/7/2025 về một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh các quy định liên quan để giữ chân, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ Thành phố đến 168 xã, phường, đặc khu tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cả trước mắt và lâu dài, để đội ngũ này thực sự cống hiến cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. “Cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định mọi thành bại”, Bí thư Thành ủy khẳng định.