Tái thiết sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai làm 'nóng' nghị trường kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh

Vấn đề khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp, giáo dục, tái định cư ; việc tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân hay nhiều dự án chậm tiến độ… là những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sôi nổi thảo luận trong phiên chất vấn tại hội trường của kỳ họp thứ 19.

 Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: T.T

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: T.T

Cần khẩn cấp hỗ trợ phục hồi sản xuất sau thiên tai

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 bắt đầu nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, đồng ruộng bị bồi lấp hay người dân thiếu giống cây trồng, vật nuôi… là những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Trí Tuân, Bí thư Huyện ủy Đakrông cho biết: “Riêng huyện Đakrông có 689 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp khiến người dân không thể sản xuất được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khi vụ sản xuất đông xuân đang cận kề. Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ các địa phương khôi phục, cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, đồng thời có kế hoạch định hướng chuyển đổi cây, con cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng để kịp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong vụ sản xuất tới, sớm ổn định đời sống Nhân dân. Nên chăng, tỉnh cần xây dựng một nghị quyết chuyên đề để khôi phục, ổn định cuộc sống cho Nhân dân sau thiên tai vì ngoài khó khăn về sản xuất nông nghiệp, huyện Đakrông còn có nhiều nhà dân bị tốc mái, sập đổ trong các đợt mưa lũ vừa qua, trong đó có 7 nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà tốc mái 70%, 166 nhà tốc mái 50%, nhiều nhà dân bị ngập trong lũ nhiều ngày nên chất lượng công trình bị xuống cấp, mong muốn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ người dân xây dựng, tu sửa lại nhà cửa. Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, địa bàn huyện Đakrông xuất hiện tình trạng ngập úng sâu và dài ngày ở vùng trũng như các xã: Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó và sạt lở đất ở vùng núi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đề nghị tỉnh có kế hoạch khảo sát, xây dựng đề án khẩn cấp di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất và hỗ trợ cho một số địa phương xây dựng nhà tránh lũ ở vùng thấp trũng.

Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, các đại biểu HĐND tỉnh đều cho rằng tỉnh cần có giải pháp căn cơ, tích cực, quyết liệt để cụ thể hóa nhiệm vụ khôi phục sản xuất một cách đồng bộ, có hiệu quả, nhằm đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân cải tạo đồng ruộng, kênh mương nội đồng ở những vùng có thể tiếp tục sản xuất lúa, tỉnh cần chỉ đạo ngành liên quan có kế hoạch hướng dẫn chuyển đổi sản xuất ở những diện tích đất lúa bị bồi lấp nặng trong vụ sản xuất tới vì nhiều đại biểu cho rằng đối với diện tích đất lúa bị bồi lấp dưới 0,5 m thì có thể hỗ trợ nông dân cải tạo đồng ruộng để tiếp tục trồng lúa; còn đồng ruộng đã bồi lấp từ 0,5 m trở lên thì cần chuyển đổi sang cây trồng khác vì kinh phí cải tạo quá lớn.

Một vấn đề cấp bách khác mà các đại biểu quan tâm là cần đảm bảo nguồn giống về số lượng, chất lượng và thời gian để nông dân yên tâm sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong vụ sản xuất tới. Mặc dù không nằm ở vùng thấp trũng nhưng nhiều diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn các xã vùng Tây Gio Linh bị úng nước, chết hàng loạt do mưa lớn kéo dài, đề nghị tỉnh hỗ trợ người dân phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, trước thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp trình UBND tỉnh xem xét để hỗ trợ Nhân dân khẩn cấp trong vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021. Để giải quyết phần nào khó khăn sau mưa lũ, sở đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn giống ngô lai và 5 tấn giống rau để sản xuất vụ đông, đồng thời Bộ cũng đã hỗ trợ tỉnh hàng trăm ngàn con gà, vịt giống và một số cây giống lâm nghiệp bản địa. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp các địa phương khơi thông 50 km kênh mương, ra quân nạo vét, sửa chữa một số trạm bơm, bể hút công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Chỉ đạo một số địa phương chuẩn bị máy bơm dã chiến để tưới nước phục vụ sản xuất cho một số diện tích đất trồng lúa trong điều kiện kênh mương bị hư hỏng nặng chưa thể khắc phục kịp.

Mặc dù rất cố gắng nhưng hiện khó khăn vẫn còn rất lớn, đó là trong khi thời gian chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân không còn nhiều nhưng toàn tỉnh vẫn còn trên 1.400 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp. Về nguồn giống phục vụ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đồng ý hỗ trợ tỉnh 1.000 tấn giống lúa, ngoài ra có một số tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các địa phương khoảng 81 tấn giống lúa, sở cũng đang trình UBND tỉnh xin nguồn xã hội hóa 50 tấn lúa, cùng với một số nguồn giống lúa dự trữ ở các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn tỉnh, dự kiến tỉnh sẽ có khoảng 1.200 tấn lúa giống, cơ bản đáp ứng đủ lượng giống để sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giống lạc, sắn vì những loại giống này không có trong nguồn dự trữ giống quốc gia. Ngoài ra người dân cũng thiếu hụt nguồn lợn giống để tái đàn vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và mưa lũ cuốn trôi. Những khó khăn này đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ.

Giải trình các vấn đề mà đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, đối với việc khôi phục sản xuất sau thiên tai, vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án khôi phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp để tái thiết cơ sở hạ tầng và kinh tế bị thiệt hại sau lũ lụt; kịp thời hỗ trợ, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân. Dự kiến, nguồn lực thực hiện là nguồn vốn trung ương hỗ trợ kết hợp với nguồn vốn đầu tư công trung hạn, đây là đề án rất thiết thực. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng đề nghị, cần phân loại giống cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ; việc cải tạo đồng ruộng cũng cần phân loại xem diện tích nào có thể cải tạo, diện tích nào cần chuyển đổi từ đó cân đối nguồn lực Nhà nước và Nhân dân để triển khai thực hiện, tránh trùng lặp và dàn trải nguồn lực đầu tư.

Cần có chế tài xử lý dự án chậm tiến độ

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020. Các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo mà UBND tỉnh đã trình bày tại kỳ họp. Nhiều đại biểu khẳng định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng dự ước có 16/25 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, trong đó đáng chú ý thu ngân sách 3.405 tỉ đồng và tốc độ tăng trưởng dương, đạt 3,51% là những tín hiệu khả quan cho năm 2020 trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID- 19 và hậu quả thiên tai nặng nề nên các đại biểu đề nghị trong năm 2021 tỉnh cần đề ra các nhóm giải pháp sát đúng, phù hợp và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động về thương mại, dịch vụ, du lịch… Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm đã khởi công và tăng cường thu hút đầu tư, nhất là những lĩnh vực Quảng Trị có tiềm năng, lợi thế.

Thu hút đầu tư là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và chất vấn. Theo các đại biểu HĐND tỉnh, thời gian qua, các công trình, dự án khởi công xây dựng nhân kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh đến nay chậm tiến độ, thậm chí sau lễ khởi công đến nay một số công trình chưa triển khai thực hiện. Đại biểu HĐND tỉnh cho rằng tỉnh cần có chế tài, quy định cụ thể cho từng dự án để tránh việc buông lỏng về quản lý, gây lãng phí về quỹ đất và mất cơ hội cho các doanh nghiệp khác thật sự muốn đầu tư vào Quảng Trị. Đại biểu HĐND tỉnh cũng chất vấn, đề nghị UBND tỉnh cho biết nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư bao nhiêu dự án, trong đó có bao nhiêu dự án đã khởi công hoàn thành, bao nhiêu dự án chưa thực hiện được, nhất là những dự án động lực và giải trình vì sao có những dự án chậm tiến độ để cử tri biết, tạo niềm tin trong Nhân dân và đồng thời tỉnh có giải pháp chấn chỉnh cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để tránh lãng phí về nguồn lực đất đai.

Về vấn đề này, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phạm Ngọc Minh cho rằng, giai đoạn 2019 - 2020 là thời gian tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, vì thế cần sớm hiện thực hóa các dự án động lực đã được khởi công và xem đây là một trong những giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư. Trong điều kiện doanh nghiệp của tỉnh nhỏ, vừa và đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, tỉnh cần thường xuyên gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một số đại biểu đề nghị, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh nên hạ chỉ tiêu xét thi đua, khen thưởng năm 2020 đối với doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn cho địa phương để kịp thời ghi nhận, động viên sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết, tổng số các dự án trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh là 75 dự án với tổng diện tích 3.068 ha, trong đó có 30 dự án khởi công nhân kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh với diện tích trên 2.571 ha. Hiện có 12 dự án thực hiện đúng tiến độ, đưa vào hoạt động; 39 dự án đang triển khai hoặc triển khai nhưng tiến độ chậm; 15 dự án chưa triển khai; 3 dự án đã triển khai nhưng dừng thi công và 6 dự án không triển khai đã bị thu hồi đất. Nguyên nhân dự án chậm tiến độ vì dịch bệnh và thiên tai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa sát thực tế phải điều chỉnh; nhà đầu tư chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng dẫn đến việc thu hồi đất, giao đất chậm. Về giải pháp, sở đã ban hành 24 văn bản hướng dẫn nhà đầu tư đối với 30 dự án liên quan đến lĩnh vực tài nguyên- môi trường; tổ chức hai đợt đối thoại giải quyết vướng mắc với doanh nghiệp; đề xuất UBND tỉnh kế hoạch điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, các quyết định thu hồi đất, giao đất từng phần của dự án.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153878