Tái thiết và phục hồi doanh nghiệp

Bão số 3, kết hợp với các đợt mưa lũ kéo dài đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương và gây ra những hậu quả lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Thiệt hại kinh tế sau đợt thiên tai này ước tính lên đến hơn 50.000 tỷ đồng và việc khắc phục hậu quả sẽ rất tốn kém trong một thời gian dài.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau bão lũ, hàng loạt DN ở các khu công nghiệp trọng điểm tại Hải Phòng, Quảng Ninh bị tàn phá, chịu thiệt hại nặng nề khi nhà xưởng bị hư hỏng, mái lật, nước tràn vào kho và các thiết bị, phương tiện sản xuất bị hư hại. DN không chỉ mất nguồn thu trong thời gian sản xuất bị gián đoạn, mà còn phải gánh chịu những chi phí khắc phục hậu quả sau bão.

DN trong lĩnh vực thủy sản cũng bị thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng và ngành chăn nuôi thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Những DN trong các lĩnh vực này đang đứng trước thách thức không chỉ về việc khôi phục sản xuất, mà còn về việc duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhu cầu xuất khẩu đang ở mức cao. Trong bối cảnh này, cộng đồng DN rất cần các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ để phục hồi và tái hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia, có hai nhóm chính sách quan trọng cần được áp dụng để hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng sau bão lũ: chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Việc giảm lãi suất, khoanh nợ và hỗ trợ vay vốn là những giải pháp thiết yếu mà ngân hàng cần triển khai kịp thời để giúp DN có thể duy trì hoạt động và tái khởi động sản xuất. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất mà DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đang gặp phải là việc không thể tiếp cận được nguồn vốn do không có đủ tài sản đảm bảo sau những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia khuyến nghị thành lập quỹ “bảo lãnh tín dụng” để hỗ trợ các DN thiếu tài sản thế chấp. Điều này không chỉ giúp các DN khắc phục khó khăn trước mắt, mà còn thúc đẩy sự phát triển dài hạn khi các nguồn vốn được giải phóng và dòng tiền có thể tiếp tục lưu thông. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên giảm bớt thủ tục cho vay, đặc biệt là đối với những DN chịu thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, nhiều DN gặp phải trở ngại là thủ tục hành chính phức tạp, không sớm tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận chính sách, đặc biệt là trong việc cấp phép đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và nguyên liệu. Việc giảm bớt các quy định không cần thiết sẽ giúp DN nhanh chóng tái thiết sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, việc miễn, giảm và hoãn các loại thuế, phí là những biện pháp giảm bớt áp lực tài chính cho DN. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị miễn thuế thu nhập DN, thuế VAT, giảm 50% các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng nhằm giúp DN duy trì dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn cho việc khôi phục sản xuất là rất lớn.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, VCCI đề xuất miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản đến hết năm 2025, cùng với việc miễn hoặc giảm lệ phí liên quan đến cảng biển, neo đậu tàu thuyền trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời, VCCI cũng khuyến nghị Nhà nước hỗ trợ từ 50% đến 70% chi phí bảo hiểm cho các tàu cá và tàu du lịch trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Thiết nghĩ, việc tái thiết nền kinh tế sau bão lũ đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan chức năng cần triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách hỗ trợ để DN có thể tái thiết sản xuất và tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Các biện pháp tài khóa, tiền tệ và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, là những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu phục hồi bền vững.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tai-thiet-va-phuc-hoi-doanh-nghiep-post481874.html