Tái thương mại trong ngành thời trang

Một nhà cách tân góp phần mở rộng khía cạnh tái thương mại trong ngành thời trang, giúp làm hồi sinh một lĩnh vực bán lẻ bấy lâu nay đang lâm vào cảnh lao đao.

 Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Một nhà cách tân góp phần mở rộng khía cạnh tái thương mại trong ngành thời trang là ThredUp, công ty thu mua quần áo cũ đang phát triển rất nhanh chóng, chuyên bán qua mạng sản phẩm của nhiều thương hiệu từ Lululemon và Coach cho đến Kate Spade với giá thành giảm 20-90% so với giá bán tại cửa hàng.

Tập đoàn bán lẻ Walmart đã hợp tác với ThredUp vào năm 2020 trong một dự án kiểm tra tính khả thi có khả năng làm thay đổi cuộc chơi. Một mô hình khác mà cả Caroline và tôi đều có ấn tượng đặc biệt là mô hình bán lại quần áo theo phong cách cổ điển (vintage) mang tên Thrilling (địa chỉ website là ShopThrilling. com) của nhà sáng lập Shilla Kim-Parker, người từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và từng có thời gian làm việc ở Đài Truyền hình ABC của Disney.

Ý tưởng thành lập công ty đến với Shilla sau khi cô sinh con và không có thời gian để đi dạo quanh các cửa hàng bán đồ vintage mà cô ưa thích ở quê nhà Los Angeles. Cô tận dụng công nghệ để đưa những trang phục vintage thoát ra khỏi những hạn chế của thị trường địa phương. Thrilling thu thập những món đồ do các cửa hàng vintage ở khắp nơi trên nước Mỹ gửi đến rồi đưa chúng đến các studio của Thrilling để chụp ảnh và đăng tải lên website của công ty.

Sau đó, những món đồ này được trả về các cửa hàng, và nếu khách hàng đặt mua chúng qua website của Thrilling, công ty sẽ được hưởng hoa hồng. Nếu khách hàng đến mua trực tiếp tại cửa hàng, Thrilling sẽ không được nhận bất kỳ khoản tiền nào. Bằng cách khiến cho việc mua sắm đồ vintage trở nên nhanh chóng hơn rất nhiều và cung cấp một kho hàng dự trữ lớn hơn, Shilla đã giúp làm hồi sinh một lĩnh vực bán lẻ bấy lâu nay đang lâm vào cảnh lao đao.

Một khía cạnh khác cũng đang rất sôi động là sáng tạo ra các phương pháp mới để tái chế quần áo. Cho đến bây giờ, việc tái chế quần áo vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi vì rất nhiều trang phục có sự pha trộn giữa các loại vải khác nhau, cho nên việc tách riêng từng loại vải ra là bất khả thi hoặc không thực tế về mặt kinh tế. Nếu áp dụng quy trình cơ học để nện vải thành bột, giống như nện giấy thành bột, thì chất lượng sợi vải sẽ giảm xuống.

Hiện nay người ta đang sử dụng thuật ngữ tái chế hóa học để chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Công ty Worn Again Technologies có trụ sở tại Anh thuộc nhóm đi đầu trong lĩnh vực này, tuy đây là lĩnh vực mới nổi nhưng nó đang thu hút được nguồn tài trợ từ H&M và nhiều công ty khác.

Điều này là cần thiết, bởi vì như giải thích của giám đốc khoa học Adam Walker của Worn Again thì: “Tái chế hóa học chỉ có ý nghĩa khi bạn có đủ số lượng nguyên liệu đầu vào cung cấp cho nhà máy để có thể tạo ra những khối lượng thực sự lớn - số tấn ở đây có thể lên tới năm con số”.

Với sự quan tâm sốt sắng từ H&M, tập đoàn đã chấp nhận tái chế quần áo tồn đọng trong các cửa hàng của họ từ vài năm nay, cùng với nhiều thương hiệu lớn khác, nguồn cung số lượng lớn sẽ không phải là một vấn đề. H&M rất muốn rút chân khỏi vòng xoáy đi xuống của ngành thời trang nhanh, nên họ đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Dệt may và May mặc Hong Kong để phát triển một công nghệ hóa học tên là Green Machine có thể tái chế polyester nguyên chất.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-thuong-mai-trong-nganh-thoi-trang-post1401311.html