Tái trồng cây thuốc phiện diễn biến phức tạp ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc

Trong năm 2015, toàn quốc phát hiện 148.792m2 cây có chứa chất ma túy. Trong đó, có 146.782m2 cây thuốc phiện, còn lại là cây cần sa. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy tại các địa bàn trọng điểm về trồng và tái trồng cây thuốc phiện ở vùng Tây Bắc hiện đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp.

BĐBP Sơn La giúp người dân trên địa bàn làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: CTV

BĐBP Sơn La giúp người dân trên địa bàn làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: CTV

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong năm 2015, tình hình tái trồng cây thuốc phiện tiếp tục diễn ra ở 7 địa phương: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái. Trong đó, Lai Châu có tỉ lệ tái trồng cây thuốc phiện được phát hiện nhiều nhất: 94.759m2, tiếp đó là Sơn La (33.332m2), Điện Biên (18.262m2). Cây cần sa tươi và một lượng nhỏ cần sa khô được phát hiện chủ yếu ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy được phát hiện đã bị các cơ quan chức năng của các địa phương phá nhổ và tiêu hủy.

Bộ NN-PTNT nhận định, tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy tại các địa bàn trọng điểm về trồng và tái trồng cây thuốc phiện tiếp tục có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Diện tích trồng cây thuốc phiện thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng. Nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất.

Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho chương trình xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất hạn hẹp. Năm 2015, Bộ NN-PTNT chỉ được bố trí 200 triệu đồng dành cho chương trình. Ngành nông nghiệp ở địa phương không được bố trí kinh phí hoặc được bố trí ở mức rất thấp. Hầu hết địa phương không có kinh phí để kiểm tra, phát hiện và hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển kinh tế. Một nguyên nhân khác khiến cho tình hình tái trồng cây thuốc phiện tái diễn là do một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen hút thuốc phiện hoặc sử dụng thuốc phiện để giảm đau và chữa một số bệnh thông thường.

Thực tế cho thấy, điều quan trọng và cơ bản nhất để thực hiện việc xóa bỏ cây có chứa chất ma túy có hiệu quả là phải nâng cao nhận thức của người dân. Đi kèm với biện pháp đó, phải xây dựng được mô hình phát triển kinh tế thay thế cây thuốc phiện. Khi đã có nguồn sống đảm bảo, bà con sẽ không còn trồng cây thuốc phiện để làm hàng hóa nữa. Tuy nhiên, cái khó ở đây là, các địa phương vẫn chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp hoặc nếu có thì nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân thực hiện rất hạn hẹp.

Hiện, tình hình ma túy trong nước cũng như khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp. Diện tích cây chứa chất ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng trên diện rộng ở nhiều địa phương thuộc địa bàn trọng điểm, nhất là các địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng như Lào và Cam-pu-chia.

Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT cho rằng, trong những năm tới, cần tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, giúp cán bộ, người dân nâng cao nhận thức, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phát hiện, phá nhổ diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy. Bên cạnh đó, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện mục tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra. Tổ chức các đoàn công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nắm tình hình tái trồng và giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay thế.

Các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lồng ghép các chương trình nhằm tăng thu nhập, để ổn định và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung vốn đầu tư tại các xã vùng trọng điểm tái trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

PV

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tai-trong-cay-thuoc-phien-dien-bien-phuc-tap-o-7-tinh-mien-nui-phia-bac-tay-bac/