Tài tử Hollywood cố tìm lại danh tiếng sau bê bối tình dục
Không ít nghệ sĩ nam tại Hollywood cố tách bản thân khỏi quá khứ tội lỗi dù trước đó từng bị dư luận tẩy chay.
Đời sống tình dục lệch lạc hay xu hướng bạo lực từng khiến không ít gương mặt kỳ cựu của Hollywood lao đao, rơi vào cảnh thân bại danh liệt, thậm chí chịu tội trước pháp luật.
Sau thời gian im ắng, họ đều tìm cách trở với nghệ thuật trong khi vẫn nghe ngóng phản ứng từ khán giả. Theo cây bút Peter Bradshaw của The Guardian, đây không phải câu chuyện mới tại kinh đô điện ảnh.
Kevin Spacey trở lại sau 4 năm
Năm 2017, Kevin Spacey bị Hollywood xa lánh sau khi 20 người đàn ông cùng tố cáo tài tử có hành vi quấy rối tình dục trong quá khứ. Bê bối dẫn đến việc đạo diễn Ridley Scott đã thay thế toàn bộ các cảnh của Kevin trong All the Money in the World bằng nam diễn viên Christopher Plummer.
Tiếp đến, Netflix cũng gạch tên Kevin Spacey khỏi series ăn khách House of Cards dù nam diễn viên là linh hồn của bộ phim. Vì sự ra đi này, biên kịch series đã phải viết lại kịch bản mùa tiếp theo của phim. House of Cards kết thúc năm 2018, một năm sau vụ bê bối của Kevin Spacey.
Bốn năm sau bê bối tình dục, Kevin Spacey đang lên kế hoạch trở lại màn ảnh. Nước đi đầu tiên của ông, mang tính nghe ngóng dư luận, là một vai diễn trong bộ phim Italy L’Uomo Che Disegnò của nhà làm phim Franco Nero.
Trong phim mới, đạo diễn Franco Nero đồng thời thủ vai chính là một người khiếm thị bị vu oan tội xâm hại trẻ em. Spacey đảm nhận nhân vật tay cảnh sát điều tra vụ việc. Bộ phim là cách khéo léo để bê bối của Kevin Spacey bốn năm trước được nhắc lại, nhưng theo một góc nhìn có lợi cho ông.
Bi kịch của người đàn ông bị hàm oan trên màn ảnh có thể khiến khán giả mủi lòng với Kevin Spacey - một bị cáo xâm hại tình dục được tòa tuyên vô tội ngoài đời thực. Đây là kịch bản rất dễ xảy ra, nhất là khi điện ảnh luôn có cái nhìn trìu mến với những tài tử mang khuôn mặt lịch lãm và nam tính.
Tuy nhiên, sự trở lại của Kevin Spacey tại châu Âu không đồng nghĩa với việc con đường đưa nam diễn viên trở về Hollywood đã rộng mở.
Giới nghệ thuật và dư luận có dễ dãi?
Cuối thập niên 1970, Roman Polanski từng sử dụng hộ chiếu Pháp để trốn tránh việc bị dẫn độ về Mỹ xét xử tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.
Từ thập niên 1980 tới nay, Roman Polanski vẫn tiếp tục làm phim trong khi định cư tại châu Âu. Các tác phẩm của ông từ đó đến nay vẫn được đón nhận và vinh danh tại nhiều liên hoan phim danh giá.
Tới năm 2019, bộ phim mới nhất của Roman Polanski, nhan đề J’Accuse, đã không được ra mắt ở Anh do các nhà phát hành phim tại đây từ chối phân phối tác phẩm. Bộ phim do Polanski và biên kịch Robert Harris cùng xây dựng kịch bản.
Đầu năm 2021, HBO đã thực hiện series phim tài liệu 4 tập nhan đề Allen vs. Farrow với mục đích rọi ánh sáng mới vào vụ bê bối xâm hại tình dục con gái nuôi Dylan Farrow của Woody Allen.
Gần ba thập kỷ qua, vụ án được nhà chức trách điều tra hai lần, nhưng Woody Allen chưa từng bị buộc tội. Cùng với đó, nhờ tài thao túng truyền thông, Woody Allen dễ dàng củng cố hình ảnh vô tội của mình trước công chúng.
Đội ngũ hùng hậu của Allen, cùng sự ngưỡng mộ mà khán giả dành cho tác phẩm của nhà làm phim, đã khiến bi kịch của Dylan Farrow bị che giấu trong nhiều thập kỷ.
Thời gian qua, tại Hollywood, trước truyền thông, nhiều tài tử, minh tinh thừa nhận bản thân hối hận khi hợp tác với Allen trong quá khứ. Nhưng thái độ của dư luận với nhà làm phim kỳ cựu vẫn chia hai phe yêu, ghét. Năm 2020, ông ra mắt phim mới Rifkin's Festival do Tây Ban Nha, Mỹ và Pháp hợp tác sản xuất.
Hồi 2018, diễn viên hài Aziz Ansari từng bị buộc tội quấy rối tình dục. Khi vụ việc lắng xuống, Ansari tiếp tục ăn nên làm ra với nghề diễn viên hài độc thoại, thậm chí có một chương trình đặc biệt trên Netflix.
Đồng nghiệp của Ansari - Louis CK - nhiều lần bị tố cáo hành vi bạo hành nhưng vẫn đang hành nghề nghệ sĩ hài độc thoại. CK chủ động lảng tránh truyền thông.
Trong các thập kỷ qua, không ít người đàn ông quyền lực tại Hollywood đã trở thành thủ phạm trong những vụ việc quấy rối, xâm hại tình dục. Trong khi nạn nhân phải chịu đựng tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần, kẻ gây ra nỗi đau ấy có thể không bao giờ bị kết án vì thiếu bằng chứng.
Sự chỉ trích và quay lưng của dư luận - hay văn hóa tẩy chay - dường như là vũ khí duy nhất các nạn nhân có được. Tuy nhiên, một khi tội ác chưa được khẳng định bằng bản án trước tòa, không khó để những kẻ từng một thời từng bị công chúng xua đuổi tẩy trắng danh tiếng. Đây là thực trạng đã xảy ra tại Hollywood suốt những thập kỷ qua.