Tại Việt Nam có thể quan sát nhật thực toàn phần không?
Nhật thực lần này diễn ra khi Mặt Trời gần đạt đỉnh của chu kỳ hoạt động 11 năm, điều kiện tạo ra một cảnh tượng kỳ vĩ.
Khi nhật thực toàn phần đi qua Bắc Mỹ vào ngày 8/4, các nhà khoa học sẽ có thể thu thập những dữ liệu quý giá - từ bầu khí quyển của Mặt Trời đến hành vi lạ thường của động vật, và thậm chí cả những tác động của hiện tượng này đối với con người.
Nhật thực lần này diễn ra khi Mặt Trời gần đạt đỉnh của chu kỳ hoạt động 11 năm, điều kiện tạo ra một cảnh tượng kỳ vĩ: Vành nhật hoa (corona) sẽ tỏa sáng rực rỡ quanh "Mặt trời Đen" - hình bóng của Mặt Trăng che khuất Thái Dương - dọc theo đường đi của nhật thực toàn phần, vốn kéo dài từ Mexico đến Mỹ và Canada.
Nhật thực toàn phần mang tới "những cơ hội khoa học phi thường", Phó Giám đốc NASA Pam Melroy nói trong một cuộc họp báo tuần này. NASA là một trong những tổ chức theo dõi sát sao nhật thực, với kế hoạch phóng các loại "tên lửa nghiên cứu" để khám phá những ảnh hưởng đối với thượng tầng khí quyển của Trái Đất.
Theo thông tin từ NASA, chỉ những người sống tại Mexico, khu vực Trung và Đông Bắc nước Mỹ, phía đông Canada mới có thể quan sát được nhật thực toàn phần vào ngày hôm nay 8/4. Các khu vực khác của Bắc và Trung Mỹ chỉ quan sát được nhật thực một phần.
Vì vậy, tại Việt Nam không thể quan sát hiện tượng này, dù chỉ là nhật thực một phần.
Dải nhật thực toàn phần sẽ bắt đầu từ thành phố Mazatlan, Mexico, vào lúc 10h50 giờ địa phương (22h50 ngày 8/4 giờ Việt Nam) và kết thúc tại tỉnh cực đông Newfoundland và Labrador của Canada vào lúc 14h48 giờ địa phương (rạng sáng 9/4 giờ Việt Nam).
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-viet-nam-co-the-quan-sat-nhat-thuc-toan-phan-khong/329288.html