Tài xế dịch vụ 'lái xe hộ' vi phạm nồng độ cồn, giữ phương tiện của ai?
Công an tỉnh Kon Tum vừa phát hiện một tài xế cung cấp dịch vụ 'lái xe hộ' vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người băn khoăn, trong trường hợp này, cơ quan chức năng tạm giữ xe của ai?
Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị vừa lập biên bản vi phạm và tạm giữ phương tiện đối với một trường hợp cung cấp dịch vụ "lái xe hộ” do vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, khoảng 20h ngày 12/5, tại Km167 quốc lộ 24, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum phát hiện một trường hợp điều khiển mô tô mang BKS 82B1- 458.XX có biểu hiện nghi vấn đã sử dụng rượu, bia nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện anh L.C.Q. (36 tuổi, trú tại TP Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,028 mg/L khí thở. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm và tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, anh L.C.Q. là người cung cấp dịch vụ “lái xe hộ” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn, trong trường hợp tài xế cung cấp dịch vụ "lái xe hộ" đang điều khiển xe của khách hàng mà vi phạm nồng độ cồn thì tạm giữ phương tiện của ai?
Bạn đọc Đức Hùng (Hà Nội) bày tỏ, rõ ràng khách hàng chi tiền, sử dụng dịch vụ để được đảm bảo an toàn nhưng tài xế lại vi phạm thì thật bất bình.
Còn bạn đọc Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho rằng, nếu trường hợp khách hàng bị tạm giữ phương tiện vì tài xế cung cấp dịch vụ vi phạm thì rất thiệt thòi cho chủ xe.
Giải đáp chung về nội dung này, đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, với trường hợp tài xế cung cấp dịch vụ "lái xe hộ" đang điều khiển xe máy của khách mà vi phạm nồng độ cồn thì lực lượng CSGT sẽ xử phạt tài xế và tạm giữ phương tiện mà người này đang điều khiển.
"Ý nghĩa của việc tạm giữ phương tiện trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn là biện pháp ngăn chặn, đình chỉ ngay việc làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nên không phân biệt phương tiện là của ai", đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 giải thích.
Đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 cho rằng, dịch vụ chạy xe hộ cho người đã sử dụng rượu, bia là rất văn minh, góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát dịch vụ này để đảm bảo chất lượng.