Tài xế đột quỵ khi đang lái xe, phát hiện và xử trí như thế nào?
Liên quan sự việc một tài xế bị đột quỵ khi đang lái xe chở khách, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 - về vấn đề này.
* Phóng viên: Mới đây, một tài xế xe khách tuyến TP HCM - Bình Thuận đã bị đột quỵ khi đang lái xe. Bác sĩ nhận định như thế nào về trường hợp này?
- PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Sự việc được đăng tải trên mạng xã hội vào sáng 3-9.Qua hình ảnh clip, có thể thấy tài xế khởi phát cơn co giật nửa người bên trái. Trước khi mất ý thức, tài xế vẫn có thể kịp thắng xe và tấp vô lề để không gây tai nạn.
Thời gian sự việc diễn ra rất nhanh, khoảng 1 phút. Từ đó, có thể thấy tài xế đã tổn thương não rất nghiêm trọng, gây ra cơn co giật và chỉ có bị xuất huyết não mới nhanh như vậy.
Đã gọi là đột quỵ thì không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ xảy ra với tài xế là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người (cùng trên xe, đang giao thông trên đường). Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy tỉ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%. Trong số này, 16% trường hợp gây ra tai nạn giao thông sau đó.
Từ trường hợp nêu trên, những người chọn nghề tài xế, đặc biệt là xe chở khách, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên ít nhất 6 tháng - 1 năm/ lần.
* Tài xế nêu trên sau khi bị đột quỵ, dù được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Vậy khi gặp người đột quỵ, cần xử trí ban đầu như thế nào?
- Để sơ cứu một ca co giật do đột quỵ cũng đơn giản. Bởi lẽ, bình thường cơn co giật cũng tự hết chứ không ai co giật liên tục, hiếm khi co giật kéo dài. Những cơn co giật kéo dài thường khoảng 1-2 phút.
Trong khoảng thời gian này, phải để bệnh nhân nằm ở nơi thông thoáng, tránh bị ức chế đường thở bằng cách cởi nút áo, quần. Nếu bệnh nhân có cơn cắn răng thì lấy khăn mềm chèn vào miệng để không cắn lưỡi. Tuyệt đối không được bỏ vật cứng hay đưa tay vào miệng bệnh nhân.
Lưu ý, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng để đàm nhớt chảy ra ngoài và giúp dễ thở. Sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
* Người đột quỵ thường rơi vào độ tuổi nào và cách phòng ngừa đột quỵ ra sao, thưa bác sĩ?
- Độ tuổi bị đột quỵ sớm là dưới 40, còn lúc trên 50 tuổi thì bắt đầu ở ngưỡng có nguy cơ. Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là tài xế bị đột quỵ. Nguyên nhân là do tài xế đường dài thường phải thức khuya; để tỉnh táo, họ phải dùng thuốc hoặc chất kích thích. Nếu tài xế bị huyết áp cao sẽ rất nguy hiểm.
Để phòng ngừa, các tài xế cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Không chỉ kiểm tra các bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường mà còn kiểm tra thính lực, thị lực. Đặc biệt, cần tìm hiểu có động kinh, co giật hay không để tầm soát. Lưu ý, nếu ai có tiền sử co giật, động kinh thì không thể nào làm tài xế.
Phòng ngừa đột quỵ chung là cần kiểm soát yếu tố nguy cơ. Người cao huyết áp phải kiểm soát chặt, để huyết áp ổn định. Kiểm soát không có nghĩa chỉ là uống thuốc mà phải đạt mục tiêu cần đề ra.
Ví dụ, người có huyết áp cao 160 sau khi uống thuốc chỉ còn 140-150 thì không có ý nghĩa gì. Do đó, về việc kiểm soát huyết áp, yếu tố nguy cơ là quan trọng.
Tuy nhiên, cầu lưu ý là nhiều trường hợp khi nhập viện không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nên không đạt được các mục tiêu điều trị. Nếu kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chặt chẽ thì giảm được khoảng 60 - 70% nguy cơ đột quỵ.
Tối 3-9, cơ quan chức năng thị xã La Gi, tình Bình Thuận xác nhận anh N.T.B, tài xế xe khách tuyến TP HCM - Bình Thuận bị đột quỵ, đã qua đời và được đưa về nhà an táng.
Trước đó, camera hành trình của nhà xe ghi lại cảnh tài xế N.T.B khi đang lái xe chở khách từ TP HCM đi thị xã La Gi thì bị đột quỵ. Dù vậy, anh B. vẫn cố gắng dừng xe an toàn. Nam hành khách ngồi cạnh tài xế cùng nhiều hành khách lúng túng, không biết cách sơ cứu nên đã gọi cấp cứu, sau đó đưa anh B. vào một bệnh viện ở TP HCM.
Rất nhiều người chia sẻ lại đoạn video đã cảm ơn tài xế B. vì cố gắng bảo đảm an toàn cho hành khách trên xe cũng như người đi đường.