Tài xế lao ô tô vào nhà dân, tông tử vong bé gái chịu trách nhiệm ra sao?
Công an TP Tuyên Quang xác định người điều khiển phương tiện trong vụ ô tô lao vào nhà dân khiến bé gái tử vong là nam. Luật sư Đặng Văn Cường đã đưa ra các tình huống pháp lý về vụ việc này.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin khoảng 17h ngày 21/12, tại tuyến đường thuộc phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một bé gái tử vong.
Theo đó, vào thời điểm trên, tài xế điều khiển ô tô BKS 22A-186.xx, đang di chuyển trên đường thì bất ngờ gặp xe máy do một người đàn ông đi chiều ngược lại đang sang đường.
Ban đầu người điều khiển phương tiện được xác định là nữ. Tuy nhiên, qua xác minh, Công an TP Tuyên Quang xác định người điều khiển phương tiện là anh N.K.D (SN 1994, trú tại Yên Sơn, Tuyên Quang).
Tại cơ quan công an, anh D khẳng định không có nồng độ cồn. Tuy nhiên, Công an TP Tuyên Quang đã gửi mẫu máu đi xét nghiệm và đang đợi kết quả.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định pháp luật, người điều khiển phương tiện giao thông phải cho phương tiện đi đúng làn đường, đúng phần đường, chú ý quan sát và làm chủ tốc độ.
Khi gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất và có thể dừng lại để tránh va chạm.
Trong tình huống diễn ra qua clip cho thấy ô tô và xe máy có nguy cơ va chạm nhau, tuy nhiên cả hai xe đều đánh lái khiến vụ va chạm thông xảy ra nhưng ô tô lao vào một cửa hàng bên đường khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong.
Clip cũng cho thấy khi người đàn ông điều khiển xe đi mô tô đi lấn làn, ô tô không những không giảm tốc độ mà còn có biểu hiện tăng tốc, đi nhanh hơn và chuyển hướng về bên phải, đâm vào nhà dân ven đường dẫn đến vụ tai nạn đau lòng.
"Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ lỗi của hai người điều khiển phương tiện để xác định trách nhiệm pháp lý. Hiện cơ quan chức năng cũng đang làm rõ ai là người điều khiển ô tô. Theo camera giám sát trong nhà, sau tai nạn một người đàn ông mở cửa xe ghế lái bước ra trước, sau đó đến một người phụ nữ", ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, nếu kết quả xác minh cho thấy người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ, có thể là đạp nhầm chân ga dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án để xử lý người này về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đối với người đi xe mô tô, việc chuyển hướng đi lấn làn như vậy là vi phạm giao thông đường bộ, tuy nhiên, nếu không mang yếu tố dẫn đến vụ tai nạn giao thông, có thể người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong tình huống gặp người đi xe mô tô đi ngược chiều, người điều khiển ô tô có thể giảm tốc độ đến mức thấp nhất, nếu va chạm xảy ra, lỗi hoàn toàn thuộc về người đi xe mô tô, việc chuyển hướng để tránh người đó chỉ được phép khi đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trong tình huống trên, người điều khiển ô tô đã đánh lái nhưng không giảm tốc độ dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra, nếu không có lỗi kỹ thuật, người này có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Còn trường hợp người điều khiển ô tô đã đạp phanh nhưng phanh mất tác dụng do lỗi kĩ thuật, tài xế không phải chịu trách nhiệm hình sự, khi đó sẽ xem xét các thông số kĩ thuật cũng như điều kiện đảm bảo an toàn của chiếc xe.
Luật sư Cường cho rằng, trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có lỗi kĩ thuật hay không, hay vụ tai nạn xảy ra do lỗi cá nhân khi thực hiện các thao tác điều khiển phương tiện.
"Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, việc cơ quan điều tra có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào các căn cứ xác định người điều khiển ô tô có lỗi hay không, nếu có lỗi, tất yếu phải xử lý hình sự", luật sư Cường nói.