Tài xế mang giày cao gót gây tai nạn bị phạt nặng ở nhiều nước
Việc mang giày cao gót khi lái xe có thể bị phạt tiền từ 100-5.000 bảng ở Anh, trong khi phải đối mặt với án tù tại Thụy Sĩ.
Liên quan vụ Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn ở cầu Hòa Mục, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi) khai đi giày cao gót nên đạp nhầm chân ga trong lúc mất bình tĩnh.
Tai nạn khiến một cô gái chưa rõ danh tính tử vong tại chỗ, ôtô Mercedes và 3 xe máy cháy rụi.
Tháng 10/2018, vụ việc nữ tài xế lái BMW đâm liên hoàn khiến một người chết, nhiều người bị thương tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) từng gây xôn xao dư luận.
Người gây tai nạn cũng thừa nhận do giày cao gót vướng vào chân ga nên mất lái.
Sau những vụ việc trên, không ít người cho rằng việc mang giày cao gót khi điều khiển các phương tiện giao thông là quá nguy hiểm và để hạn chế tai nạn đáng tiếc cần cấm tài xế mang loại giày này khi ngồi sau vô lăng.
Trên thực tế, chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về trang phục của tài xế. Hầu hết luật về an toàn đường bộ của nhiều nước trên thế giới đều yêu cầu tài xế cần đảm bảo “quần áo, trang phục không cản trở việc lái xe an toàn”.
Theo đó, giày cao gót không phải là loại trang phục được khuyến khích.
Gót giày tử thần
Cuối tháng 7 vừa qua, Soraja Vucelic, người mẫu nóng bỏng của tạp chí Playboy đồng thời là tình cũ của siêu sao bóng đá người Brazil Neymar Jr - đã gặp phải tai nạn hy hữu khi đang nghỉ mát tại Cannes (Pháp).
Khi lái chiếc siêu xe Lamborghini Huracan Spyder đắt đỏ, cô nàng mất lái và để cả người và xe lao thẳng xuống hồ bơi. Sau đó, người đẹp Serbia đăng đoạn video trục vớt siêu xe trên trang cá nhân với dòng chú thích: "Khi giày cao gót của bạn trượt khỏi phanh và cái kết siêu xe Lamborghini tắm hồ bơi".
Với thái độ có phần bình thản, bất cần sau vụ việc, Vucelic bị dân mạng “ném đá” nặng nề. Nhiều người cho rằng dù may mắn không có bất kỳ thương vong nào, tình cũ của Neymar cần bị xử phạt để cảm thấy ăn năn hơn về hành động lái xe bất cẩn của mình.
Ở nhiều nước, giày cao gót không bị cấm, nhưng được khuyến cáo không nên sử dụng khi điều khiển các phương tiện.
Theo quy định thứ 97 của Luật Giao thông ở Anh, người lái xe nên mặc “quần áo và giày dép không cản trở việc điều khiến phương tiện giao thông đúng luật”.
Mặc dù mang giày cao gót khi điều khiển phương tiện không vi phạm pháp luật, việc làm này có thể khiến tài xế bị buộc tội lái xe bất cẩn.
Với tội lái xe bất cẩn, người vi phạm có thể bị xử phạt 100 bảng (129 USD) và 3 dấu phạt trên bằng lái. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, khoản tiền phạt tối đa là 5.000 bảng (6.450 USD) và 9 dấu phạt, thậm chí tịch thu bằng lái xe.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra vì tài xế mang giày cao gót và đạp nhầm chân ga và phanh. Ngoài ra, giày cao gót còn khiến tài xế gặp khó khăn vì dễ vị vướng chân vào thảm, không đủ linh hoạt để xử lý những tình huống bất ngờ.
Rebecca Ashton, một chuyên gia thuộc tổ chức an toàn giao thông IAM RoadSmart, cho rằng việc lựa chọn giày dép phù hợp khi tham gia giao thông sẽ hạn chế được nhiều tai nạn đáng tiếc.
"Vấn đề lớn nhất của giày cao gót chính là vị trí bàn chân của người lái xe. Nó khiến họ khó đo được lực cần phải sử dụng, khiến gót chân của mình có thể bị kẹt trên thảm và không kịp xử lý tình huống bất ngờ", bà Ashton nói.
Từ phạt tiền đến phạt tù
Tương tự Anh quốc, Australia không có quy định cấm mang giày cao gót khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, các tài xế được khuyến khích không sử dụng loại giày này để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Các tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có quyền kiểm soát phương tiện và phải đảm bảo tài xế "có đủ khả năng để lái xe một cách an toàn".
Nếu bạn muốn biết liệu mình có thể vượt bài kiểm tra của cảnh sát hay không, hãy trả lời câu hỏi: "Nếu một đứa trẻ chạy ra trước mặt tôi, tôi có thể đạp phanh không?".
Các chuyên gia lái xe an toàn cho rằng giày cao gót sẽ khiến bạn không kịp xoay xở trong những tình huống khẩn cấp như thế này.
Không có quy định cụ thể chống lại việc mang giày cao gót khi lái xe không có nghĩa là cảnh sát không thể xử phạt. Nếu cảm thấy tài xế không hoàn toàn kiểm soát phương tiện của mình, cảnh sát có thể xử phạt theo luật an toàn đường bộ.
Cuối năm 2013, The Sunday Times đưa tin Thụy Sĩ đưa ra dự luật cấm tài xế đi giày cao gót và nhiều loại giày khác sau volant.
Cảnh sát đã vận động hành lang cho dự luật này sau khi nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến giày dép không phù hợp, bao gồm giày cao gót, giày trượt tuyết, chân trần…
Theo dự luật này, các tài xế vi phạm có thể bị tịch thu giấy phép và phạt tù tối đa 3 tháng.