Tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Luật sư đề nghị điều tra bổ sung
Các luật sư của chị Nguyễn Thị Bích Hường, nữ tiếp viên hàng không bị tài xế Mercedes tông, đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung các tình tiết liên quan.
Chiều 15/12, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Sau các phần tranh luận, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Phong mức án từ 6 - 7 năm tù về tội trên. VKS cũng đề nghị tòa buộc bị cáo thực hiện đầy đủ yêu cầu bồi thường dân sự cho 2 bị hại.
Tuy nhiên, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường, đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung các tình tiết liên quan, đồng thời, kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm dân sự liên đới của các bên liên quan.
Cụ thể, đối với chiếc xe Mercedes trong vụ tai nạn, Công ty Fumita đã vi phạm hợp đồng. Ông Võ Văn Phúc ký hợp đồng cho Công ty Fumita thuê xe, trong đó không có điều khoản cho phép Fumita cho Công ty Khang Gia tiếp tục thuê lại. Tuy nhiên, Công ty Khang Gia vẫn cho bị cáo Phong thuê xe mà không kiểm tra lại bằng lái.
Các luật sư cho rằng, hai công ty này có liên đới trách nhiệm với bị cáo và phải cùng bị cáo thực hiện trách nhiệm đền bù đối với các bị hại.
Các luật sư cũng đề nghị HĐXX hủy việc ký giấy chuyển nhượng nhà giữa Phong và mẹ vì đây là hành vi không đúng pháp luật trong quá trình bị cáo bị tạm giam, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bất lợi cho việc yêu cầu bồi thường của bị hại.
Ngoài ra, việc bị cáo rời khỏi hiện trường là không đúng với Điều 38 của Luật Giao thông đường bộ. Theo Điều 38 của luật này, lái xe được phép rời khỏi hiện trường khi bị thương, đưa người đi cấp cứu và đến cơ quan công an gần nhất để trình báo. Tuy nhiên bị cáo Phong không thực hiện hành động trên.
Vì vậy, các các luật sư cho rằng áp dụng tình tiết giảm nhẹ là không hợp lý. Trái lại, cần bổ sung tình tiết không cứu giúp người bị nạn, cố tình bỏ trốn của bị cáo.
“Tôi đề nghị xem xét lại phần truy tố của bị cáo. Tôi không đồng ý việc VKS không truy tố điểm c khoản 2 điều 260. Bởi bị cáo không giúp đỡ bị hại khi gây tai nạn, bỏ trốn”, luật sư của bị hại nói.
Song, đại diện VKS vẫn khẳng định bản truy tố bị cáo Phong là đúng người đúng tội và có căn cứ bởi bị cáo Phong có gọi xe cấp cứu và có camera ghi lại để chứng minh. Về việc bị cáo Phong gọi cấp cứu nhưng dùng sim khác và lấy tên giả, VKS cho rằng do bị cáo quá hoảng loạn nên có thể không giữ được sự tỉnh táo.
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Phong cho rằng, bị cáo còn trẻ, số tiền bồi thường vượt quá khả năng của gia đình nên đề nghị HĐXX xem xét lại. Luật sư cũng đề nghị mức hình phạt cho bị cáo tối đa 3 năm tù.
Về phía bị hại Nguyễn Thị Bích Hường, chị cho biết không đồng tình với lời luận tội của VKS và luật sư của bị cáo.