Tài xế nên nắm rõ quy định này để không bị phạt nặng nếu dừng, đỗ xe trên cao tốc
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe cơ giới di chuyển trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp vi phạm có thể bị phạt nặng.
Bị phạt 11 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng vì dừng xe sai quy định trên cao tốc
Mới đây, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Đội 1, Cục CSGT) đã mời tài xế có hành vi dừng xe sai quy định trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên làm việc.
Theo VietnamNet, qua phản ánh của người dân, vào hồi 11h17 ngày 3/9, ô tô mang BKS 98A-587.XX bất ngờ đi từ dải phân cách giữa của tuyến cao tốc rồi nhập làn bên trái của đường với tốc độ chậm gây nguy hiểm cho các phương tiện đi cùng chiều.
Qua xác minh sự việc, chiều ngày 5/9, cơ quan chức năng đã mời được tài xế L.Q.Đ (SN 1982, trú tại Thanh Hà, Hải Dương) - là người điều khiển phương tiện nói trên đến trụ sở Đội 1.
Tại cơ quan công an, tài xế Đ thừa nhận hành vi vi phạm và xin rút kinh nghiệm. Tổ công tác của Đội 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính với tài xế Đ với lỗi "dừng xe trên cao tốc không đúng nơi quy định". Với lỗi trên, tài xế Đ bị xử phạt số tiền 11 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 3 tháng.
Tại sao không được dừng xe hoặc đi ngược chiều trên cao tốc?
Theo Điểm 3, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe cơ giới di chuyển trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định.
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc".
Theo quy định trên người điều khiển xe máy chuyên dụng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
Chỉ được dừng, đỗ xe đúng nơi quy định. Nếu trường hợp buộc phải dừng xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Do đó, dừng xe trên cao tốc không đúng nơi theo quy định theo trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi dừng xe trên đường cao tốc bị xử phạt thế nào?
Tại Khoản 7, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bổ sung bởi Điểm d, Khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt khi vi phạm dừng xe trên đường cao tốc không có báo hiệu được quy định:
"Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 8 Điều này.
b) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường.
c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h.
d) Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc".
Ngoài ra, tại Khoản 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
"Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm c, Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Khoản 6; Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng: Điểm a, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 1; Điểm b, Điểm d, Điểm g Khoản 2; Điểm b, Điểm g, Điểm h, Điểm m, Điểm n, Điểm r, Điểm s Khoản 3; Điểm a, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Điểm a, Điểm b, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 5 Điều này".
Theo đó, trường hợp dừng xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định nhưng không có báo hiệu để người lái xe khác biết sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Được dừng đỗ xe trên đường cao tốc trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 26, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định, những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông được phép dừng, đỗ xe khi đang lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm:
– Xe bị hư hỏng, gặp phải sự cố: Khi đó người lái xe cần lái xe về tay phải khỏi phần đường dành cho xe di chuyển hoặc nếu xe không thể di chuyển thì người điều khiển phương tiện cần đặt các vật dụng, cành cây trên đường để báo hiệu cho phương tiện khác biết và tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội cứu hộ giao thông.
– Trên xe có người cần được cứu hộ y tế khẩn cấp: Có thể người lái xe có vấn đề về sức khỏe, cần được cấp cứu gấp khi đó người lái xe cần dừng xe về tay phải của cao tốc, đưa ra các dấu hiệu thông báo cho xe khác và gọi cho bác sĩ hoặc xe cấp cứu đến để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác.
Như vậy, chỉ khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, tài xế mới được dừng xe trên đường cao tốc. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình dừng xe trên đường cao tốc mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cảnh sát giao thông có được dừng xe trên cao tốc?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, cảnh sát giao thông được quyền dừng xe trên cao tốc để kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đâu:
- Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm xảy ra trên cao tốc.
- Cảnh sát giao thông thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt. Cụ thể ở đây là kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc.
- Cảnh sát giao thông thực hiện theo văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; cơ quan chức năng về dừng phương tiện trên cao tốc để kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Cảnh sát giao thông nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hành vi vi phạm của người và phương tiện giao thông trên cao tốc.
Cảnh sát giao thôngđược dừng xe tại vị trí nào trên cao tốc?
Căn cứ Khoản 2, Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông khi dừng xe trên cao tốc phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Khi kiểm soát tại một điểm trên cao tốc, cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc hoặc ở làn dừng khẩn cấp đối với một số trường hợp đặc biệt.
Các trường hợp đặc biệt đó là khi phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ trên cao tốc không đúng quy định.
Khi dừng, kiểm soát trên cao tốc, Cảnh sát giao thông cũng cần lưu ý phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc.
Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a "Đi chậm" hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới.
Cảnh sát giao thông thường bắt lỗi nào trên cao tốc?
Người tham gia giao thông khi đi vào cao tốc, nếu không để ý rất dễ bị cảnh sát giao thông bắt lỗi. Một số lỗi như:
- Lỗi ô tô không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc: Phạt 04 - 06 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (theo Điểm g, Khoản 5 và Điểm b, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Lỗi ô tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước: Phạt 4 - 6 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (theo Điểm g, Khoản 5 và Điểm b, Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Ô tô dừng, đỗ trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc: Phạt 10 - 12 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (theo Điểm d, Khoản 7 và Điểm b, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Lỗi ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc: Phạt 16 - 18 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng (theo Điểm a, Khoản 8 và Điểm đ, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Lỗi xe máy đi vào đường cao tốc: Phạt 2 - 3 triệu đồng + Tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng (theo Điểm b, Khoản 6 và Điểm d, Khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).