Tài xế ở Nghệ An đưa ô tô lên ghế đá tránh bị ngập nước mưa như thế nào?
Loạt ảnh ô tô màu đỏ được chèn gạch dưới 4 bánh và đặt trên ghế đá để tránh bị ngập nước mưa trong sân nhà ở Nghệ An khiến dân mạng bàn tàn xôn xao.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ tối 15.10 đến 16.10, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) có mưa rất lớn, lên đến 646 mm, vượt lượng mưa ngày kỷ lục trước đó vào năm 1989.
Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường ở TP Vinh ngập sâu, giao thông nhiều khu vực tê liệt, học sinh phải nghỉ học.
Các tuyến đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Thái Thân, Phan Bội Châu, Đinh Công Tráng, Lê Nin, Nguyễn Văn Cừ... ngập sâu hơn nửa mét, có nơi ngập đến 1m.
Tính đến đến tối 16.10, trên toàn tỉnh Nghệ An đã có 5.250 nhà dân và 2.819ha rau màu bị ngập, 3 người thiệt mạng trong đợt mưa lớn này. Lực lượng chức năng đã phải sơ tán 700 hộ dân ở Vinh trước nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, sập nhà.
Trong ngày 16.10, hàng trăm xe máy, ô tô bị chết máy ngâm trong nước. Lực lượng CSGT và bộ đội phải sử dụng ô tô có gầm máy cao và xuồng máy để đưa người dân di chuyển ra khỏi nơi bị ngập sâu.
Hôm nay, dân mạng xôn xao vì loạt ảnh ô tô màu đỏ biển số 37A-371.54 được chèn gạch dưới 4 bánh và đặt trên ghế đá trong sân nhà ở TP Vinh để tránh bị ngập nước mưa.
Nhiều người thắc mắc tài xế đã đưa ô tô lên ghế đá như thế nào? Việc nâng ô tô lên ghế đá được thực hiện nhờ thiết bị kích lốp xe (kích thủy lực ô tô). Để nâng cả ô tô, mỗi bánh cần tới hai kích cho lốp nhấc bổng lên cao, chèn vật đỡ (gạch) rồi làm tương tự cho những lốp còn lại.
Giá thiết bị kích lốp ô tô 2 tấn từ 540.000 đồng.
Nếu bị ngập nước, ô tô sẽ rất dễ hư hại nội thất và khoang máy. Theo Autozone, nước đã đến nắp capo thì động cơ, hút gió cũng bị ngập. Khi đó, nước lọt vào trong các xy-lanh, thông qua hốc gió, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó.
Cho dù đưa ô tô đến xưởng để xử lý, nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh thì vẫn có nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Nếu ô tô bị thủy kích thì nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên, còn nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ.
Trường hợp không bị thủy kích nhưng nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, cũng sẽ làm cho lòng xy-lanh có thể bị gỉ. Như vậy, động cơ sẽ “uống xăng như uống nước” và hoạt động không ổn định.
Ngoài động cơ, các bộ phận khác cũng thiệt hại vô cùng lớn. Nước sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của ô tô. Hệ thống dây điện chạy quanh thân xe, các đầu nối sẽ bị nước thâm nhập, đặc biệt ở khu vực bệ trung tâm, để lại nhiều hậu quả sau này.
Bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại, túi khí,… khi bị ngập nước sẽ dẫn đến các hậu quả lâu dài như hoạt động trục trặc, tín hiệu không chính xác, dễ bị chập cháy.
Các bộ phận điều khiển bị ngập sớm nhất chính là những công tắc điều khiển ghế. Nước thâm nhập sẽ làm hỏng các mô-tơ, làm tê liệt bộ phận điều khiển ghế ngồi với xe có ghế ngồi điều chỉnh điện.
Cánh cửa xe bị ngập nước sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hệ thống loa và dây dẫn. Hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cho dù có hút sạch nước và sấy khô, khả năng xảy ra các rủi ro sau này như đường dây bị chập cháy, hở, bị ăn mòn tại các tiếp điểm là khó tránh khỏi.
Với nhiều dòng xe, đặc biệt là xe Nhật, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, hệ thống truyền động cũng bị ảnh hưởng, bị nước làm gỉ sét dẫn đến hoạt động thiếu ổn định. Cùng với đó toàn bộ nội thất như ghế xe, trần, các tấm ốp đều phải dỡ ra, tháo tung sấy khô, cái nào hỏng phải bỏ và thay mới…
Sau khi khắc phục, những ô tô này hoạt động không ổn định, bán rất khó dù giá rẻ.
Nhân Hoàng (tổng hợp)