'Tài xế say rượu gây tai nạn phải bị khép tội giết người'
Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế uống rượu bia, sử dụng chất kích thích gây ra, cử tri quận 1 cho rằng hình phạt dành cho người vi phạm còn quá nhẹ.
Chiều 6/5, đơn vị bầu cử số 1 (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) có buổi tiếp xúc cử tri ở quận 1 trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Dự buổi tiếp xúc có các đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; ông Lâm Đình Thắng, Phó bí thư quận Bình Thạnh và thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa giới thiệu một số dự án luật được thông qua tại kỳ họp này như Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc (sửa đổi), Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công…
Cần truy cứu tội giết người với tài xế uống rượu, bia
Là cử tri đầu tiên nêu ý kiến, bà Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đề cập con số đáng báo động của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong 2 dịp nghỉ lễ dài gần đây.
Theo đó, trong 3 ngày nghỉ của đợt Giỗ Tổ Hùng Vương có 68 người chết; 3 ngày đầu của ngày nghỉ 30/4 và 1/5 có 58 người chết. "Đây là con số rất đau lòng và tình trạng sử dụng ma túy, rượu bia dẫn đến tai nạn rất nhiều", bà Lợi nói.
Dẫn chứng Bộ luật Hình sự, bà Lợi cho rằng việc phạt tù 3-10 năm đối với những tài xế sử dụng rượu, bia, chất kích thích gây tai nạn chết 2 người trở lên là chưa tương xứng với hậu quả.
"Gần đây, dư luận đưa ra ý kiến tài xế sử dụng ma túy, rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn chết người thì phải bị khép tội giết người. Chúng tôi thấy dư luận có lý, Quốc hội và những người làm luật cần lắng nghe", cử tri Hoàng Thị Lợi nói.
Luật chưa coi trọng ngăn chặn hành vi
Ông Đặng Thanh Bình (cử tri phường Bến Nghé) cho rằng các quy định của pháp luật hiện hành coi trọng vấn đề giải quyết hậu quả, chưa chú trọng ngăn ngừa hành vi; vì vậy số lượng các vụ TNGT chưa giảm.
Theo báo cáo trật tự an toàn giao thông quý I/2019, tình hình an toàn giao thông vẫn diễn ra rất phức tạp, 19 địa phương còn có số người chết do TNGT tăng. Trong quý, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT làm chết 1.905 người.
"Nếu nhân 4 lần cho 4 quý, số vụ tai nạn giao thông là khủng khiếp", ông Bình nhẩm tính.
Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ngoài việc không tuân thủ, chấp hành luật giao thông còn có nhiều tài xế sử dụng ma túy, rượu bia làm chết, bị thương nhiều người, dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân.
Ông dẫn thống kê đáng lo ngại của Bộ Y tế vào năm 2018, lượng tiêu thụ rượu bia tại nước ta tăng 600 triệu lít so với năm 2017. Trung bình mỗi người trưởng thành tiêu thụ 45-46 lít/năm, con số này vào năm 2017 là 42 lít.
Cử tri phường Bến Nghé đánh giá con số trên đã ở mức báo động do tỷ lệ người trưởng thành điều khiển phương tiện tại Việt Nam cao.
Ông Bình cho rằng các nhà làm luật của Việt Nam cần tham khảo quy định các nước trên thế giới khi ngăn chặn việc tài xế sử dụng rượu bia với mức phạt hành chính rất nặng, tước bằng lái; xử lý hình sự thậm chí phạt tù giam khi lái xe có men rượu, kể cả khi chưa gây tai nạn.
"Qua những điều trên, tôi kiến nghị các đại biểu Quốc hội dùng quyền hạn của mình, đề nghị sửa luật, áp dụng các biện pháp phạt tù, hay quy vào tội giết người đối với những người gây tai nạn chết người. Ngoài ra, cần tịch thu xe, lao động công ích đối với những người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông", ông Đặng Thanh Bình phát biểu.
Đáp lại ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá tình hình tai nạn giao thông đang ở mức báo động không chỉ tại TP mà trên cả nước.
Ông đồng tình với ý kiến của các cử tri về việc cần tăng hình phạt để đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với những tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, trước khi xảy ra hậu quả.
"Tôi dự đoán trong kỳ họp lần này nhiều đoàn đại biểu trên toàn quốc sẽ đưa ra vấn đề trên để thảo luận. Đoàn đại biểu TP.HCM sẽ tổng hợp các ý kiến của cử tri rồi đề xuất Quốc hội sửa đổi luật cho phù hợp", ông Nhân nói.