Tài xế taxi trả 'tiền âm phủ' cho khách Tây sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo luật sư, tài xế taxi thối lại 'tiền âm phủ' cho khách Tây là hành vi gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Chiều 21/7, lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ngày 17/7, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin kèm theo clip phản ánh việc 2 du khách người Pháp bị một người lái xe taxi trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ, sau khi thuê người này chở đi tham quan phố cổ với mức phí 600.000 đồng/giờ. Sự hiện đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Tài xế có mặt ở cơ quan công an.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VOV.VN, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.
Lợi dụng anh Miguel Fernandez Lamelas, sinh năm 1981 cùng bạn gái là Elena Blasco Hernandez, sinh năm 1981, cùng mang quốc tịch Tây Ban Nha không biết tiếng Việt và phân biệt tiền Việt Nam với tiền âm phủ (dùng trong thờ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc), đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ không có giá trị sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền thừa phải trả cho khách khi họ đưa 500.000 đồng. Lẽ ra, theo đúng cước phí thanh toán hết 37.000 đồng mà họ đưa 500.000 đồng thì lái xe phải trả lại tiền thừa là 463.000 đồng nhưng đối tượng đã đưa trả lại bằng 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng không có giá trị sử dụng.
Hành vi của đối tượng đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 02 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trường hợp chiếm đoạt số tiền dưới 02 triệu thì ngoài việc người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 vẫn có thể bị xử lý hình sự theo tình tiết định khung theo Điểm c, Khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm giảm uy tín, thiện cảm trong con mắt người nước ngoài khi đến Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có đủ sức răn đe, cảnh báo cho những đối tượng đã và đang có những hành vi đi ngược lại những giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của truyền thống văn hóa người Việt Nam.
Trường hợp, nếu Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo Điểm c, Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của mình luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, vụ việc này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy nhiên mức thiệt hại thì chưa tới ngưỡng xử lý hình sự.
“Đây là một tiền sự và chắc chắn sẽ phải trả tiền lại cho vị khách kia kèm theo phải xin lỗi người bị hại, nếu lần sau tái phạm dù mức thiệt hại trên hay dưới ngưỡng 2 triệu đồng thì người này sẽ bị xử lý hình sự”, luật sư Trương Anh Tú nói.
Trong khi đó luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định đây là hành vi gian dối, làm cho người khác nhầm lẫn, khép vào tội lừa đảo đoạt tài sản.
“Tuy nhiên mức thiệt hại như vậy thì chưa thể xử lý hình sự nhưng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính vì làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh du lịch”, luật sư Trần Thu Nam cho biết.
Theo luật sư Trần Thu Nam thì đây là vấn đề liên quan đến quản lý của TP. Hà Nội bởi vì xích lô là một loại hình phục vụ du lịch, nếu cứ tiếp tục làm như thế sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của cả nền du lịch Việt Nam, theo luật vẫn có thể cấm hành nghề đối với những người gây ảnh hưởng.
Theo vov