Tài xế 'thông chốt', đâm bị thương cảnh sát có thể bị xử lý tội danh gì?
Trong vụ việc này, tài xế có hành vi chống người thi hành công vụ và có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của đối tượng có thể bị xử lý bởi một trong các tội danh…
Công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Huân, SN 1991, trú tại xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, khoảng 19h35, ngày 15/11, Nguyễn Văn Huân sau khi uống bia đã điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 14P2 - 6174 đi theo hướng từ TP Thái Bình về thị trấn Đông Hưng. Khi đến Km 74+800, Quốc lộ 10, thuộc địa phận xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, Huân gặp Tổ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông Công an tỉnh Thái Bình đang làm nhiệm vụ.
Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, tuy nhiên Huân không chấp hành mà tăng tốc bỏ chạy, điều khiển xe mô tô tông thẳng vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông, khiến 1 chiến sĩ CSGT bị hất văng xuống đường phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Huân đã điều khiển xe mô tô bỏ trốn khỏi hiện trường. Qua xác minh, truy xét, cơ quan Công an đã làm rõ người đã không chấp hành hiệu lệnh, đâm xe bị thương cảnh sát giao thông rồi bỏ chạy là Nguyễn Văn Huân. Hiện, CQĐT Công an huyện Đông Hưng đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Huân là rất liều lĩnh, làm một chiến sĩ CSGT bị thương. Hành vi này đã cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”, theo Điều 330, BLHS năm 2015.
Cụ thể, Điều 330 Bộ luật này quy định về tội “Chống người thi hành công vụ” như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác; cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...
Cũng theo luật sư Nguyên, hành vi trên còn có thể bị áp dụng đối với tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134, BLHS năm 2015. Dấu hiệu của tội phạm này được quy định như sau: hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi trái pháp luật, tác động đến thân thể của người khác; hậu quả gây ra bởi hành vi là nguy hiểm cho xã hội, để lại thương tích cho nạn nhân gây suy giảm sức khỏe cho họ được thể hiện ở tỷ lệ thương tật (tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân; đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính của định tội. Hậu quả xảy ra gây thiệt hại về sức khỏe của người bị xâm hại, làm cho nạn nhân bị tổn hại cơ thể với mức tổn thương là từ 11% trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134, BLHS năm 2015.
Theo luật sư Nguyên, trong trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy, đối tượng Nguyễn Văn Huân nhận thức được rằng hành vi của mình có thể gây ra thương tích, thậm chí thiệt mạng cho người tuần tra, kiểm soát giao thông nhưng vẫn cố ý lao xe vào tổ tuần tra đang thực hiện nhiệm vụ, bỏ mặc hậu quả thương tích, thậm chí thiệt mạng có thể xảy ra thì đây là lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chết người có thể xảy ra.
Trường hợp nạn nhân không chết thì vẫn có thể xử lý hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123, BLHS năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. "Do đó, nếu kết luận của CQĐT có đủ căn cứ xác minh hành vi của lái xe cấu thành tội “Giết người” thì có thể tài xế Nguyễn Văn Huân sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm" - luật sư Nguyên nêu quan điểm.
Trường hợp nạn nhân không chết thì đây được xác định là hành vi phạm tội chưa đạt, người phạm tội chưa đạt sẽ phải chịu mức án phạt là phạt tù có thời hạn theo quy tại Điều 57, BLHS năm 2015.
Trường hợp, đối tượng lao xe vào tổ công tác là do luống cuống, không làm chủ tốc độ khiến hậu quả người thi hành công vụ bị thương tích. Trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không cố ý lao xe vào tổ công tác thì chỉ là lỗi vô ý đối với hậu quả, sẽ không bị xử lý về tội “Giết người” nhưng có thể xem xét về hành vi vô ý gây thương tích.
"Bởi vậy, trong vụ việc này vấn đề nhận thức của người điều khiển phương tiện là rất quan trọng, người này có chủ đích đâm xe vào tổ công tác để bỏ chạy hay không sẽ quyết định đến việc xử lý về tội “Giết người” hay tội danh khác" - luật sư Nguyên nói.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” hoặc tội “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích” thì đối tượng Nguyễn Văn Huân phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân.