Tài xế vi phạm nồng độ cồn không biết chữ nhưng có GPLX: Sẽ xử lý thế nào?
Luật sư cho rằng, cần xác minh lại tài xế vi phạm nồng độ cồn không biết chữ nhưng có GPLX có thuộc trường hợp đặc thù hay không.
Liên quan trường hợp tài xế N.U.H. (SN 1982, ngụ khóm 2, phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn không biết chữ, nhưng có giấy phép lái xe (GPLX), Tổ công tác tuần tra, kiểm soát thuộc Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện hôm 2/4.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng cho biết, căn cứ khoản 4 Điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy định việc đào tạo, sát hạch cho những trường hợp đặc thù.
"Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không biết đọc, viết tiếng Việt: Sở GTVT xây dựng, trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương” ông Thăng trích dẫn.
Cũng theo luật sư Thăng, tại khoản 4 Điều 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT cũng quy định về việc sát hạch lái xe để lấy GPLX. Trong đó, quy định: “Sát hạch để cấp GPLX mô tô hạng A1, hạng A4 cho đồng bào DTTS không biết đọc, viết tiếng Việt do Sở GTVT căn cứ nội dung và quy trình sát hạch đã được ban hành, xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch phù hợp, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định”.
Từ những căn cứ trên, luật sư Thăng cho rằng: “Có thể khẳng định, chỉ những người là đồng bào DTTS không biết đọc, viết tiếng Việt mới có thể được thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp do Sở GTVT trình UBND cấp tỉnh quyết định. Còn lại, những trường hợp không phải đồng bào DTTS không biết chữ sẽ không thi bằng lái, vì không thể vượt qua vòng thi lý thuyết”.
Cũng theo luật sư Thăng, đối với trường hợp Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cấp GPLX cho ông N.U.H. (SN 1982, ngụ phường 7, TP Bạc Liêu) trong khi ông này không biết chữ thì cần phải xác minh lại xem ông H. có thuộc trường hợp là đồng bào DTTS không biết đọc, viết tiếng Việt hay không? Việc khai báo của ông H. có trung thực hay không?.
“Nếu không đúng, thì phải tiến hành thu hồi và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm được quy định tại khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi điểm b khoản 19 Điều 1 của Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT quy định về việc sử dụng và quản lý GPLX”, luật sư Thăng lý giải thêm.
Trước đó, qua tìm hiểu, vào ngày 28/3/2004, tài xế H. có tham gia khóa thi sát hạch và cấp GPLX hạng A1 (khóa 10/2004) - khóa thi dành cho thí sinh mù chữ.
Tại khóa thi này, ông H. cùng với 136 thí sinh khác đều thi đạt. Sau đó, các thí sinh này được Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu công nhận và cấp GPLX mô tô hạng A1 tại Quyết định số 15/QĐ-GTVT ngày 2/4/2004.
Đến tháng 9/2018, ông H. thực hiện đổi GPLX sang vật liệu PET tại Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào tối 2/4, Tổ công tác tuần tra, kiểm soát của Đội CSGT số 2 (thuộc Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu) thực hiện kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường Trần Phú (phường 7, TP Bạc Liêu).
Tại đây, Tổ công tác phát hiện ông H. điều khiển xe máy có dấu hiệu say xỉn, nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra nồng độ cồn, ông H. có nồng độ cồn là 1,034mg/l (vượt quá mức 0,4mg/l).
Với nồng độ cồn vượt hơn 0,4mg/l, theo quy định ông H. sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng.
Kiểm tra hành chính đối với ông H., lực lượng chức năng phát hiện ông H. có GPLX hạng A1, nhưng khai nhận mình không biết chữ và lăn tay vào biên bản vi phạm hành chính. Tổ công tác tạm giữ phương tiện của ông H.