Tài xế 'xe ôm' vay nợ, rối lòng 'cầm cự' qua đại dịch

Số nợ đã lên đến cả chục triệu đồng, ông Nguyễn Hoàng Định (51 tuổi, Hà Nội) không khỏi lo lắng về những ngày sắp tới của gia đình mình.

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Định nằm trong ngõ nhỏ trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vợ chồng ông Định có 2 con, ông làm làm xe ôm và shipper chở hàng nhiều năm nay, vợ ở nhà nội trợ trông con. 4 người đều trông vào thu nhập của ông.

Ông Định kể, chưa có dịch bệnh, một ngày bình thường anh chạy được hơn trăm ngàn, vào thời vụ thì được nhiều hơn chút. Cả tháng cũng kiếm được 5 -6 triệu đồng, lo cho vợ con đủ ăn đủ mặc, không phải đói ăn.

Nhưng dịch bệnh kéo dài, không có tiền tích lũy, ông Định phải chạy khắp nơi vay mượn anh em, hàng xóm mỗi người một ít để lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Tiết kiệm, tằn tiện chi tiêu vì bữa ăn.

"Qua 4 đợt dịch, số nợ lên đến cả chục triệu đồng. Đối với gia đình tôi số tiền này rất lớn, hơn nữa lại nợ người thân xung quanh nên tôi cũng ngại lắm. Trước mặc dù gia đình không dư dả nhưng cũng không phải nợ nần ai. Bây giờ tôi chỉ mong được đi làm kiếm tiền trả nợ cho nhẹ lòng”, ông Định chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Định bần thần nghĩ về số tiền vay nợ. Ảnh: Mỵ Châu

Anh Nguyễn Hoàng Định bần thần nghĩ về số tiền vay nợ. Ảnh: Mỵ Châu

Nghe tin Chính phủ hỗ trợ tiền, gạo cho người lao động tự do, ông Định mừng lắm. Nếu nhận được tiền hỗ trợ, gia đình anh sẽ hà tiện, chắt chiu từng đồng quý giá. Thế nhưng, hiện gia đình ông chưa nhận được tiền cũng như gạo hỗ trợ.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai, nhưng ông Định cùng gia đình luôn chấp hành đúng quy định trong công tác phòng chống dịch: “Hàng ngày ở nhà xem tin vi, đọc báo, có việc thật cấp thiết mới ra ngoài để mua đồ ăn. Không dám chở khách và không dám làm sai. Vậy nên mong chính quyền địa phương sát sao, đi sâu từng ngõ ngách hơn. Quan tâm hỗ trợ kịp thời, đúng người đúng việc để người dân như tôi yên tâm ở nhà, chờ ngày cuộc sống yên bình trở lại”, ông Định nói.

Ông Trần Ngọc Nam, ở Chùa Láng, Hà Nội, đã hơn 60 tuổi những cũng làm nghề xe ôm. Vợ chồng ông không có lương hưu, các con có gia đình riêng nhiều việc để lo, nên ông đi xe ôm mong kiếm đồng ra đồng vào.

Ông Nam kể từ ngày giãn cách, sinh hoạt trong gia đình mặc dù chỉ có hai vợ chồng nhưng cũng phải tính toán, tiết kiệm hợp lý. “Không biết dịch bệnh còn kéo dài đến lúc nào, cứ chắt chiu, tiết kiệm trước cho yên tâm", ông Nam nói, rồi trầm giọng. "Nhưng từ ngày thực hiện giãn cách đến ngay cũng hơn 1 tháng ở nhà buồn, nhớ công việc chỉ mong nhanh hết dịch, lại chạy xe ôm được đồng nào hay đồng ấy. Những người già như chúng tôi hay thế lắm, sợ mình trở thành gánh nặng, sợ làm phiền đến con cái”.

Dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn nhưng đến giờ vẫn có nhiều hộ chưa được tiếp cận. Điển hình như gia đình anh Bùi Thanh Hải. Anh nói thủ tục để nhận hỗ trợ như thế nào, cần giấy tờ gì đến nay anh cũng chưa được biết.

Anh Hải chạy xe ôm còn vợ bán hàng. Từ ngày có dịch thu nhập của hai vợ chồng giảm đáng kể, theo lời anh, sắp tới không nhận được hỗ trợ thì “chết đói hẳn".

Chật vật "co kéo" cho đủ sinh hoạt gia đình nhưng vợ chồng anh Hải luôn động viên nhau cùng các con "nắm tay" vượt qua thời gian khó khăn này, vì "tiền sau này có thể kiếm lại được, sức khỏe vẫn là quan trọng nhất".

Anh Hải cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền địa phương giúp đỡ, quan tâm hơn. Ngay khi dịch bệnh ổn, được thành phố cho phép, anh sẽ quay trở lại công việc. “Là người đàn ông cũng là chỗ dựa cho vợ và các con, miệng thì vui vẻ cười nói mọi người cùng cố gắng nhưng trong lòng lo lắng nhiều điều lắm. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, quả thực tôi cũng không biết phải bấu víu vào đâu”, anh Hải buồn bã.

Mỵ Châu - Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tai-xe-xe-om-vay-no-roi-long-cam-cu-qua-dai-dich-post409036.html