Taliban công bố danh sách các bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ Afghanistan mới

Taliban chính thức công bố danh sách các thành viên trong chính phủ Afghanistan mới, đồng thời tuyên bố sẵn sàng nối lại quan hệ với tất cả nước, ngoại trừ Israel.

Hãng tin Reuters cho hay Taliban hôm 7-9 đã công bố tên những người sẽ giữ các chức vụ bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới ở Afghanistan sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15-8.

“Danh sách này hiện tại chỉ là tạm thời và có thể sẽ còn thay đổi nữa” - phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid cho biết.

Nội các mới của Afghanistan

Ông Mullah Mohammad Hasan Akhund, người từng giữ chức phó thủ tướng trong chính phủ Taliban vào những năm 1990 trước khi quân đội Mỹ can thiệp, sẽ trở thành Thủ tướng mới trong bộ máy chính quyền lần này.

Trong khi đó, ông Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ giữ vị trí quyền Phó thủ tướng, cùng với ông Mohammad Yaqoob, phó thủ lĩnh Taliban, nhận chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Vị trí Phó thủ tướng thứ hai thuộc về ông Abdul Salam Hanafi, còn ông Amir Khan Muttaq trở thành quyền Bộ trưởng Ngoại giao mới của Afghanistan.

Lực lượng Taliban tuần tra các tuyến đường ở thủ đô Kabul. Ảnh: AP

Lực lượng Taliban tuần tra các tuyến đường ở thủ đô Kabul. Ảnh: AP

Ông Sirajuddin Haqqani, người bị tình nghi tổ chức một loạt vụ đánh bom ở Kabul vào năm 2008 và âm mưu ám sát Tổng thống Afghanistan khi đó là Hamid Karzai, đã được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Nội vụ nước này. Ông Haqqani còn bị chính quyền Mỹ truy nã về vụ đánh bom tháng 1-2008 khiến một công dân Mỹ thiệt mạng.

Taliban cũng tiết lộ người đảm nhiệm vị trí quyền Bộ trưởng Kinh tế là ông Qari Din Mohammad Hanif, trong khi ông Mohammad Idris sẽ là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Afghanistan và ông Hedayatullah Badri là quyền Bộ trưởng Tài chính.

Vị trí quyền Bộ trưởng Tư Pháp thuộc về ông Mawlawi Abdul Hakim Sharie, còn ông Abdul Haq Wasiq giữ chức vụ quyền Giám đốc cơ quan tình báo Afghanistan.

Bên cạnh đó, còn có ông Sheikh Mawlawi Noorullah được trao chức vụ quyền Bộ trưởng Giáo dục, ông Mullah Khairullah Khairkhah giữ vị trí quyền Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa Afghanistan, ông Mawlawi Noor Mohammad Saqib phụ trách quản lý các vấn đề tôn giáo, ông Mullah Noorullah Noori sẽ giải quyết các vấn đề về biên giới và bộ lạc, còn ông Khalilurahman Haqqani được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng về vấn đề người tị nạn.

Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kabul. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kabul. Ảnh: REUTERS

Áp dụng trở lại luật Sharia

Cùng ngày, lãnh đạo Haibatullah Akhundzada của Taliban thông báo chính quyền mới sẽ áp dụng trở lại luật Sharia ở Afghanistan: "Trong tương lai, tất cả các vấn đề về quản trị và cuộc sống ở Afghanistan sẽ được điều chỉnh theo luật Sharia".

Ông Akhundzada lưu ý các nhà chức trách Afghanistan sẽ thực hiện các bước nghiêm túc để bảo vệ quyền con người và cộng đồng dân tộc thiểu số "trong khuôn khổ của các điều luật Hồi giáo", thêm rằng chính phủ mới cũng sẽ tạo cơ hội cho nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Sharia là một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo. Luật sharia dựa trên sự kết hợp của Kinh Quran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad, theo hãng tin Sputnik.

"Chính quyền Afghanistan mới sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực của mình để tập trung đầu tư sức mạnh kinh tế, sự thịnh vượng và phát triển của đất nước, bên cạnh việc tăng cường an ninh. Chúng tôi sẽ quản lý nguồn thu nội địa một cách thích hợp và minh bạch, tạo cơ hội đặc biệt cho đầu tư quốc tế và các lĩnh vực thương mại khác nhau, đồng thời chống nạn thất nghiệp một cách hiệu quả” - ông Akhundzada tuyên bố.

Các nữ sinh Afghanistan tham gia lớp học ở Herat vào ngày 17-8, sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Ảnh: AFP

Các nữ sinh Afghanistan tham gia lớp học ở Herat vào ngày 17-8, sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Ảnh: AFP

Theo ông, mục tiêu cuối cùng của chính phủ mới sẽ là "đưa đất nước đứng lên càng sớm càng tốt" và xây dựng lại nó, đồng thời cam kết tuân thủ tất cả các thỏa thuận quốc tế, không làm trái luật của đạo Hồi và các giá trị quốc gia.

"Chúng tôi muốn quan hệ bền vững và lành mạnh với các nước láng giềng và các quốc gia khác dựa trên sự tôn trọng và hợp tác. Quan hệ của chúng tôi với các quốc gia sẽ dựa trên lợi ích và quyền lợi của Afghanistan. Chúng tôi cam kết tuân thủ tất cả các luật lệ và thỏa thuận, nghị quyết và nghĩa vụ quốc tế” - lãnh đạo Taliban nói.

Ông Akhundzada cũng khẳng định rằng các nhà ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán, tổ chức nhân đạo và nhà đầu tư ở Afghanistan sẽ không gặp vấn đề gì và có thể an toàn làm việc tại đất nước này.

Sẵn sàng nối lại quan hệ với tất cả các quốc gia, trừ Israel

Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen khẳng định chính quyền mới sẵn sàng nối lại quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh sự tham gia của Mỹ vào công cuộc tái thiết đất nước.

"Vâng, tất nhiên, trong một chương mới này, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng nếu Mỹ muốn có quan hệ với chúng tôi, vì lợi ích của cả hai quốc gia và cả hai dân tộc, và nếu họ muốn tham gia vào công cuộc tái thiết Afghanistan, họ được hoan nghênh" - ông Shaheen nói.

Người dân Afghanistan trong một cuộc biểu tình phản đối Taliban ở Kabul. Ảnh: REUTERS

Người dân Afghanistan trong một cuộc biểu tình phản đối Taliban ở Kabul. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, ông tuyên bố Taliban sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel, nhưng vẫn muốn duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng trong khu vực.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không có bất kỳ mối quan hệ nào với Israel. Chúng tôi muốn có quan hệ với các nước khác, và Israel không nằm trong số các quốc gia này. Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với tất cả các nước trong khu vực và các nước láng giềng cũng như các nước châu Á" - ông Shaheen nói thêm.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Sau khi Taliban công bố danh sách các bộ trưởng mới của Afghanistan, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden không có gì phải vội trong việc công nhận chính phủ mới được công bố do Taliban thành lập.

"Không có gì vội vàng để công nhận họ. Điều này sẽ phụ thuộc vào những bước đi đầu tiên, những hành vi tiếp theo của Taliban. Thế giới sẽ theo dõi, bao gồm cả Mỹ" - bà Psaki nói trong một cuộc họp báo cùng ngày.

Một thành viên của Taliban đứng gác bên cạnh một chiếc máy bay đến từ Kandahar tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 5-9. Ảnh: REUTERS

Một thành viên của Taliban đứng gác bên cạnh một chiếc máy bay đến từ Kandahar tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 5-9. Ảnh: REUTERS

Về phía Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào về việc công nhận Taliban. Ngoài ra, chúng tôi đang theo dõi rất cẩn thận mọi thứ đang diễn ra ở đó, và quan trọng nhất, chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu về những lời hứa của họ, các tuyên bố của họ, liệu sẽ tương quan với các hành động trong tương lai của họ hay không".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ "quyết định vội vàng" nào về việc công nhận chính quyền mới của Taliban và yêu cầu theo dõi thêm tình hình ở nước này trước nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến ở Afghanistan.

Đại sứ Afghanistan tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Ghulam Ishaqzai cho biết ông không biết chính quyền mới sẽ có động thái gì với ông, Sputnik đưa tin.

Theo đó, LHQ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Taliban để thay thế ông Ishaqzai và không rõ liệu tổ chức này có đáp ứng yêu cầu như vậy từ một chính phủ không được quốc tế công nhận hay không.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/taliban-cong-bo-danh-sach-cac-bo-truong-chu-chot-trong-chinh-phu-afghanistan-moi-1013876.html