Taliban đối mặt khủng hoảng tài chính khi bị đóng băng mọi nguồn dự trữ, viện trợ
Chiếm được chính quyền nhưng Taliban có thể lập tức đối mặt với khủng hoảng tài chính khi không có khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ và các khoản viện trợ.
Theo tờ Guardian, khi Mỹ đóng băng các nguồn dự trữ của Afghanistan, EU và Đức ngừng viện trợ, các nhà cầm quyền mới có thể nhận ra họ còn thiếu những gì cần thiết để cai trị đất nước.
Các nhà cầm quyền Taliban mới của Afghanistan nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hơn nhanh chóng, với phần lớn dự trữ ngoại tệ không thể tiếp cận được và các nhà tài trợ phương Tây - những người tài trợ cho các tổ chức của Afghanistan khoảng 75% kinh phí- đã cắt hoặc đe dọa cắt các khoản chi.
Mặc dù nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa cứng rắn này đã chuyển sang hoạt động độc lập hơn với những người ủng hộ tài chính từ bên ngoài bao gồm Iran, Pakistan và các nhà tài trợ giàu có ở Vùng Vịnh trong những năm gần đây, dòng tài chính của nhóm này - lên tới 1,6 tỷ USD vào năm ngoái - vẫn còn thiếu nhiều so với những gì họ cần để lãnh đạo đất nước.
Hôm 18/8, Thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan, Ajmal Ahmady tiết lộ rằng đất nước có 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng không phải bằng tiền mặt ở trong nước. Thông báo này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 15/8 ra lệnh đóng băng toàn bộ dự trữ của chính phủ Afghanistan trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ.
Ông Ahmady viết trên Twitter rằng phần lớn trong khoản dự trữ đó - khoảng 7 tỷ USD - đang được lưu trữ bằng trái phiếu, tài sản và vàng tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Quan chức này nói thêm rằng lượng USD mà Ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ "gần như bằng 0" vì quốc gia này không nhận được khoản tiền mặt được chuyển theo kế hoạch do chiến dịch tấn công dồn dập của Taliban vào tuần trước.
“Khoản tiền tiếp theo không bao giờ đến,” ông Ahmady viết, "Có vẻ như các đối tác của chúng ta nắm rõ thông tin về những gì sắp xảy ra”.
Ông Thống đốc Ahmady lưu ý rằng việc thiếu đô-la Mỹ có thể sẽ khiến đồng afghani mất giá và lạm phát gia tăng, gây tổn hại cho người nghèo. Việc tiếp cận những nguồn dự trữ đó có thể sẽ rất phức tạp bởi chính phủ Mỹ đang cân nhắc coi Taliban là một nhóm khủng bố bị trừng phạt.
“Taliban đã thắng về mặt quân sự - nhưng bây giờ là lúc họ phải lãnh đạo đất nước. Điều đó không dễ” – ông Ahmady bình luận.
Đồng loạt cắt viện trợ, đóng băng tài chính
Ngoài quyết định của chính phủ Mỹ đóng băng các nguồn dự trữ tài chính và viện trợ cho Afghanistan, Đức - một trong những nhà tài trợ hàng đầu - cũng cho biết họ đang ngừng viện trợ phát triển. Berlin dự kiến cung cấp khoản viện trợ 430 triệu euro cho Afghanistan trong năm nay.
Hôm 17/8, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố đã ngừng viện trợ phát triển cho Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Quan chức phụ trách đối ngoại của EU, Josep Borrell xác nhận: “Không có khoản chi nào cho Afghanistan lúc này. Không khoản chi nào cho hỗ trợ phát triển cho đến khi chúng tôi làm rõ tình hình. Chúng tôi trước hết phải nhìn thấy kiểu chính phủ mà Taliban sẽ tổ chức là gì”.
Tháng 11 năm ngoái, EU cam kết sẽ tài trợ 1,2 tỉ euro (1,4 tỉ USD) trong vòng 4 năm tới cho các chương trình hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn. Những quỹ này có điều kiện là các nhà cầm quyền Afghanistan phải duy trì thể chế đa nguyên dân chủ, pháp quyền và nhân quyền.
Cũng trong năm ngoái, Đức cam kết tài trợ dân sự 430 triệu euro từ 2021-2024 trên cơ sở một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến được thực hiện. Mỹ cũng cam kết chi 600 triệu USD viện trợ cho Afghanistan trong năm 2021.
Dưới sức ép của chính quyền Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/8 cũng thông báo sẽ không giải ngân 450 triệu USD từ các quỹ đã có kế hoạch chuyển cho Afghanistan trong tuần tới.
Thách thức tài chính sau thắng lợi quân sự
Hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế từ lâu, trong 5 năm qua, Taliban đã phụ thuộc rất nhiều vào việc gia tăng đáng kể hoạt động buôn bán thuốc phiện, mà theo các chuyên gia, bao gồm cả việc đưa vào trồng một loại thuốc phiện mới có thể thu hoạch ba lần một năm thay vì hai lần.
Một báo cáo mật do NATO soạn thảo cách đây hai năm đã vẽ nên bức tranh về một phong trào đã “đạt được hoặc gần đạt được sự độc lập về tài chính và quân sự”, cho phép “Taliban tự lo tài chính cho cuộc nổi dậy của mình mà không cần sự hỗ trợ từ các chính phủ hoặc công dân của các quốc gia khác”.
Nhưng nếu điều đó giúp giải thích những thắng lợi gần đây của Taliban, thì sự chênh lệch lớn giữa số tiền mà Taliban có sẵn để tài trợ cho chiến dịch quân sự vừa qua với những gì họ sẽ cần để cai trị đất nước là yếu tố hàng đầu khiến lực lượng này cần phải thể hiện một thái độ mềm mại hơn với thế giới để tìm kiếm sự ủng hộ.
Phát biểu tại một sự kiện trong năm nay, Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan, John Sopko cho biết: “Có vẻ như ngay cả Taliban cũng hiểu được nhu cầu hỗ trợ từ nước ngoài của Afghanistan”.
Bất chấp đại diện Taliban đã cam kết đưa xuất khẩu ma túy từ Afghanistan "về 0" tại cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul hôm 18/8, theo Báo cáo Ma túy Thế giới của Liên hợp quốc (LHQ), quốc gia này chiếm tới 84% sản lượng thuốc phiện toàn cầu vào năm 2020. Hầu hết hoạt động sản xuất đó diễn ra ở các khu vực do Taliban kiểm soát và mang lại lợi ích cho nhóm này thông qua mức thuế sản xuất 10%.
Ba trong bốn năm qua đã chứng kiến sản lượng thuốc phiện cao kỷ lục ở Afghanistan, với mức tăng vọt 37% chỉ tính riêng trong năm ngoái.
Theo các báo cáo được chuẩn bị cho LHQ, NATO và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, một thành phần chính khác trong nguồn tiền của Taliban là đánh thuế xuất khẩu khoáng sản - mang lại gần 1/3 thu nhập cho nhóm, chưa kể tiền thuế mà Taliban đánh lên người dân ở khu vực họ kiểm soát.
Trên hết, các phân tích tiết lộ, Taliban tiếp tục là kẻ hưởng lợi lớn từ các khoản quyên góp từ thiện từ các cá nhân giàu có ở Vùng Vịnh với số tiền lên tới 240 triệu USD. Họ cũng được cho là nhận sự hỗ trợ từ Iran.
Vấn đề phức tạp đối với Taliban là mối đe dọa đối với các dòng viện trợ lâu nay duy trì hoạt động của chính phủ Afghanistan - chiếm tới 42,9% GDP.
Số liệu từ cơ quan điều phối viện trợ nhân đạo LHQ cho biết, ngay cả trước khi Taliban giành những bước tiến quân sự, khoảng 18,4 triệu người ở Afghanistan đã cần hỗ trợ nhân đạo.
Arsla Jawaid, nhà phân tích tại công ty tư vấn Control Risks, nói với CNBC hôm 17/8 rằng Taliban nhiều khả năng sẽ thành lập một chính phủ gồm cả các thành viên không thuộc Taliban trong nỗ lực duy trì các dòng viện trợ nước ngoài.