Taliban không cho kéo dài thời hạn xuất quân, cảnh báo nguy hiểm
Taliban không chấp thuận kéo dài thời hạn sau ngày 31/8 để quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn hơn nữa các nỗ lực giải cứu đám đông còn mắc kẹt tại sân bay Kabul của nước này.
Taliban không đồng ý gia hạn thời hạn rút quân và cảnh báo nguy hiểm nếu Mỹ muốn kéo dài nỗ lực sơ tán sau ngày 31/8 - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Mỹ dùng máy bay thương mại vận chuyển người Afghanistan sơ tán
Afghanistan: Nhiều người chết vì chờ đợi sơ tán bên ngoài sân bay Kabul
Taliban muốn Nga làm trung gian cho thỏa thuận với quân chính phủ
Phát ngôn viên của Taliban cho biết, nếu các lực lượng nước ngoài không rời đi theo thời hạn đã thông báo trước đó của họ sẽ là một "sự vi phạm rõ ràng" và gây ra "hậu quả".
"Nếu Mỹ hoặc Anh tìm cách kéo dài thời gian để tiếp tục chiến dịch di tản, thì câu trả lời là không. Nếu làm ngược lại, họ sẽ hứng chịu hậu quả", Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban, nói. "Nó sẽ tạo ra sự bất tín và nếu họ cố tình tiếp tục hành vi chiếm đóng, điều đó sẽ kích hoạt phản ứng".
Các nỗ lực sơ tán công dân nước ngoài cũng như những người Afghanistan hỗ trợ lực lượng nước ngoài đã bị trì hoãn và nhiều nhà phân tích tin rằng kế hoạch có thể không hoàn thành vào ngày mục tiêu do sự hỗn loạn tại sân bay Kabul.
Taliban cáo buộc Mỹ không thể ổn định tình hình dù Afghanistan hoàn toàn yên ổn sau khi lực lượng này tiếp quản. Tuyên bố được Taliban đưa ra trong bối cảnh sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul chìm trong hỗn loạn một tuần sau khi lực lượng này nắm quyền lực ở Afghanistan. Sân bay này hiện do quân đội Mỹ kiểm soát và đảm bảo an ninh, trong nỗ lực sơ tán hàng chục nghìn người tìm cách rời khỏi đất nước.
Các quan chức NATO và Taliban cho hay ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong và xung quanh sân bay kể từ hôm 15/8. Một số người bị bắn và những người khác chết vì giẫm đạp. Bộ Quốc phòng Anh hôm 22/8 cho biết 7 người đã chết trong đám đông hỗn loạn ở sân bay Kabul, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
"Có những cuộc thảo luận đang diễn ra giữa chúng tôi và quân đội về việc mở rộng các hoạt động sơ tán”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm Chủ nhật (22/8).
Vương quốc Anh đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu vào hôm nay (24/8), để thảo luận về những thách thức gần đây ở Afghanistan. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ thúc giục Tổng thống Biden trì hoãn việc rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ, lực lượng có sự hiện diện rất quan trọng đối với các nỗ lực sơ tán bền vững.
"Hoa Kỳ có hơn 6.000 người tại sân bay Kabul", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết hôm thứ Hai (23/8). "Khi họ rút quân, điều đó sẽ lấy đi khuôn khổ đã cho phép chúng tôi rút lui và chúng tôi cũng sẽ phải đi".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Ngoại giao Lisa Nandy cũng bày tỏ hy vọng về sự gia hạn của Hoa Kỳ.
Hỗn loạn tiếp tục diễn ra xung quanh sân bay Kabul khi hàng nghìn người Afghanistan bị mắt kẹt trong nỗ lực tuyệt vọng rời khỏi đất nước. Mỹ lo ngại rằng các tay súng Nhà nước Hồi giáo IS có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Trong khi đó, Nhật Bản hôm thứ Hai (23/8) đã quyết định cử ba máy bay của Lực lượng Phòng vệ (SDF) để đưa đón các nhân viên Nhật Bản và địa phương làm việc tại đại sứ quán của họ và tại các tổ chức quốc tế ở Afghanistan tới các nước láng giềng.
Vài trăm thành viên SDF sẽ được cử đến để hỗ trợ các nỗ lực, thiết lập các trung tâm hoạt động tại sân bay Kabul và ở quốc gia láng giềng. Một máy bay vận tải C-2 đã khởi hành từ Nhật Bản hôm qua chất đầy hàng hóa cho sứ mệnh giải cứu. Hai chuyên cơ vận tải C-130, mỗi chiếc có thể chở khoảng 90 người, sẽ rời đi vào thứ Ba (24/8).
Những người Afghanistan làm việc cho Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản sẽ được tham gia giải cứu. "Nhân viên địa phương làm việc cho các tổ chức Nhật Bản ở Afghanistan là gia đình", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết. "Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho các đồng nghiệp của mình".