Mỹ đã bỏ ra tới 83 tỷ USD để xây dựng quân đội Afghanistan, trong đó phần phân bổ cho không quân chiếm số lượng lớn. Không quân Afghanistan sở hữu đa dạng chủng loại máy bay, từ vận tải cơ C-130, cường kích A-29, Su-22, AC-208B, trinh sát PC-12NG, trực thăng tấn công Mi-35, trực thăng vận tải UH-60, Mi-17...
Dù là lực lượng được đánh giá tạo ra ưu thế nhất định trước Taliban, tuy vậy ngay sau khi Mỹ rút đi, không quân Afghanistan gần như tê liệt.
Sau khi Taliban chiến thắng, một lượng không khỏ máy bay của không quân Afghanistan chạy qua Uzbekistan, ước tính con số lên tới 46 chiếc, nhưng số còn lại lên tới hàng trăm chiếc đã lọt vào tay Taliban.
Ngay sau khi chiếm được, các tay súng Taliban đã chụp ảnh bên cường kích A-29 Super Tucano và trực thăng đa năng MD-530 do Mỹ cung cấp tại sân bay ở thành phố Mazar-i-Sharif.
Với việc kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, vấn đề nhiều người quan tâm hiện giờ là Taliban sẽ làm gì với số máy bay này và quân đội Mỹ phản ứng thế nào?
Không quân Afghanistan vận hành tổng cộng 211 máy bay, trong số này 167 chiếc ở điều kiện sẵn sàng cất cánh tính tới 30/6.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố số máy bay nước này trang bị cho không quân Afghanistan rơi vào tay Taliban, trong đó bao nhiêu chiếc có thể hoạt động.
Được biết sau khi Mỹ rút đi, do thiếu kỹ sư vận hành việc bảo trì, nên nhiều chiếc máy bay của không quân Afghanistan không thể cất cánh.
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 16/8, thiếu tướng Hank Taylor cho biết, chưa có thông tin về biện pháp Mỹ có thể áp dụng để ngăn máy bay hay các thiết bị quân sự khác cấp cho Afghanistan rơi vào tay Taliban.
"Rõ ràng là họ chiếm được hàng trăm chiếc Humvee, pháo, các loại máy bay và các thiết bị khác", ông Bradley Bowman, cựu phi công trực thăng UH-60 tại Afghanistan, cho biết.
"Điều này sẽ gây ra nỗi khó chịu lớn cho Mỹ, không chỉ bởi chúng tôi tài trợ và cung cấp số khí tài này mà còn vì Taliban có thể hưởng lợi ra sao", ông Bowman cho biết thêm.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi ưu tiên lớn nhất là sơ tán công dân Mỹ và cộng sự người Afghanistan rời khỏi Kabul an toàn, sau đó mới tính chuyện phá hủy các thiết bị vũ khí còn lại tại quốc gia Trung Á này,
"Nếu chúng tôi làm điều đó lúc này, Taliban có thể thay đổi quan điểm với các hoạt động sơ tán ở Kabul. Do đó phải đưa toàn bộ công dân Mỹ và các đối tác Afghanistan rời khỏi đó. Một khi đã hoàn tất, tôi nghĩ chúng ta nên phá hủy các loại vũ khí đã cung cấp cho quân đội Afghanistan", ông Bowman nêu quan điểm.
Trong số các máy bay mà không quân Afghanistan vận hành có 23 cường kích A-29, 4 vận tải cơ C-130 và 33 Cassna 208 và AC-208B. Ngoài ra, còn khoảng 150 trực thăng gồm UH-60, MD-530 Mi-17 và Mi-35.
Trong số này loại máy bay tiên tiến nhất là cường kích A-29, mẫu cường kích hạng nhẹ do Brazil phát triển và được công ty quốc phòng Siera Nevada tích hợp các cảm biến và vũ khí do Mỹ sản xuất.
A-29 được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống phiến quân, đây được coi là một trong những cường kích giá rẻ hiệu quả nhất thế giới.
A-29 được phát triển để ngay cả các phi công tương đối thiếu kinh nghiệm vẫn có thể vận hành được và chúng có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt.
Đại tướng Mark Kelly, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ cho biết, với các đặc điểm này khiến A-29 phù hợp với không quân Afghanistan, tuy nhiên mẫu chiến đấu cơ này không sở hữu công nghệ có thể đe dọa Mỹ.
"Công nghệ của A-29 không phải loại tiên tiến, khi nhìn vào phạm vi, tốc độ, hệ thống điện tử và khả năng tải trọng vũ khí, đó không phải là điều khiến chúng tôi lo ngại", tướng Kelly nói.
Chuyên gia Richard Aboulafia nhận định dù Taliban có thể tìm cách bán số máy bay Mỹ cung cấp cho Afghanistan mà họ chiếm được, tuy nhiên sẽ không một chiếc nào chứa các công nghệ bay nhạy cảm mà Trung Quốc và Nga quan tâm.
Ngay cả trực thăng UH-60 Black Hawk mà cựu Tổng thống Trump lo ngại sẽ lọt vào tay Nga và Trung Quốc. Thực tế đây chỉ là phiên bản A được sản xuất từ thập niên 1980 và đã bị Mỹ thay thế bằng phiên bản M vào năm 2019.
Nếu Nga và Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc A-29 hay UH-60A đời đầu, điều này không quá khó. Chúng sở hữu công nghệ khá thấp", Aboulafia nói.
Trong trường hợp Mỹ không tìm cách phá hủy và Taliban muốn tận dụng số máy bay này để xây dựng không quân, họ sẽ đối mặt với loạt trở ngại lớn.
Taliban không có nhân viên kỹ thuật cao để bảo trì, họ cũng không có phi công kinh nghiệm. "Họ có thể cất cánh, nhưng sẽ mạo hiểm tính mạng của bản thân thay vì đe dọa những người dưới đất", ông Kelly nói.
Taliban có thể tìm được các phi công đủ khả năng vận hành máy bay, song "đó không phải mối đe dọa đáng kể" đối với khu vực, Kelly cho biết.
Mặt khác, trở ngại lớn hơn mà Taliban đối mặt là chi phí duy trì số máy bay này. Các vấn đề hậu cần liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng trước và sau khi bay, phụ tùng thay thế, nhân sự tay nghề cao, đây là những khoản chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Ông Bowman nhận định đây không phải vấn đề không thể giải quyết. "Họ có thể tìm thấy các cựu phi công của không quân Afghanistan và buộc họ làm việc, hoặc các quốc gia xung đột với Mỹ có thể giúp đỡ họ". Tuy vậy sẽ cần nhiều thời gian và các thỏa thuận đánh đổi.
Chuyên gia Aboulafia cho rằng, nếu Taliban dùng máy bay không quân Afghanistan bỏ lại để tấn công người dân nước này hoặc chống lại các quốc gia trong khu vực được coi là thảm họa dẫn tới sự sụp đổ.
"Càng sử dụng nhiều thiết bị quân sự chống lại dân thường, họ càng tự biến mình thành mục tiêu bị lên án, và có thể lại xếp họ vào khủng bố, điều đó hoàn toàn không có lợi", ông Aboulafia nói.
"Hiện chưa có nhiều cuộc phản kháng Taliban có tổ chức ở Afghanistan, vì thế Taliban sẽ không bằng mọi giá xây dựng không quân để trấn áp dân trong nước cũng như xung đột với các quốc gia trong khu vực. "Họ sẽ lĩnh hậu quả nếu muốn làm vậy", ông Aboulafia kết luận.
Việt Hùng