Taliban lộ rõ chân tướng
Taliban từng hứa sẽ ôn hòa hơn trong đường lối lãnh đạo, bao gồm đảm bảo quyền phụ nữ và bảo vệ nhóm thiểu số. Tuy vậy, hành động của lực lượng này đã chứng minh điều ngược lại.
"Phụ nữ nên mặc áo chadori (áo khoác trùm từ đầu đến chân) vì đó là truyền thống và thể hiện sự tôn trọng", theo sắc lệnh do thủ lĩnh Taliban Hibatullah Akhundzada ban hành được chính quyền Taliban công bố ngày 7/5.
"Những phụ nữ không quá già hoặc trẻ tuổi phải che mặt, ngoại trừ mắt, theo luật Sharia, để tránh gây cảm giác khiêu khích khi gặp những người đàn ông không phải là mahram (họ hàng là nam giới trưởng thành)", AFP dẫn sắc lệnh này cho hay.
Ông Akhundzada cũng nói thêm rằng nếu phụ nữ không có “công việc quan trọng” bên ngoài thì "tốt nhất là nên ở nhà". Sắc lệnh cảnh báo cha hoặc họ hàng gần nhất là nam giới của nữ giới không che mặt nơi công cộng có thể bị tống giam hoặc sa thải khỏi cơ quan chính phủ.
Đây chỉ là một trong những biện pháp kiểm soát khắc nghiệt mới nhất được áp đặt đối với cuộc sống của phụ nữ kể từ khi lực lượng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền.
Trước đó, cơ quan phụ trách tuyên truyền đạo đức và ngăn chặn hành vi xấu đã ban hành một số "hướng dẫn" về những gì phụ nữ nên mặc, nhưng sắc lệnh hôm 7/5 là lần đưa ra sắc lệnh toàn quốc đầu tiên.
Khi mới lên nắm quyền, Taliban từng hứa hẹn sẽ đưa ra các quy định mới ôn hòa hơn so với giai đoạn cai trị trước đây, bao gồm cả việc đảm bảo quyền của phụ nữ. Tổ chức này cũng cam kết về một chính phủ “toàn diện”, gồm đại diện các thành phần dân tộc Afghanistan.
Tuy nhiên, loạt động thái gần đây chính quyền Taliban gây ra nhiều lo ngại. Họ ngày càng hạn chế quyền của người Afghanistan, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ - những người bị ngăn cản trở lại trường học và tham gia công việc của chính phủ.
Hà khắc với phụ nữ và trẻ em gái
Mỗi ngày, Nasima, 16 tuổi và Shakila, 17 tuổi, đều háo hức chờ đợi tin tức trường học ở Kabul sẽ mở cửa trở lại để tiếp tục con đường học vấn.
Sáng 23/3, hơn một triệu nữ sinh ở độ tuổi của Nasima và Shakila đã có mặt tại các trường học trên khắp Afghanistan lần đầu tiên kể từ khi Taliban nắm quyền. Tuy nhiên, những gì các em nhận lại chỉ là sự từ chối ngay tại cổng trường.
“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (tên Taliban tự xưng), trường học dành cho bé gái từ lớp 6 trở lên đóng cửa cho đến khi có thông báo mới”, trích báo cáo của cơ quan thông tấn ủng hộ Taliban Bakhtar.
Sự chờ đợi này đã kéo dài hơn một tháng nay kể từ khi Taliban đột ngột đóng cửa các trường học dành cho nữ sinh. Điều này trái ngược hoàn toàn với lời hứa trước đó là đồng ý cho nữ sinh tiếp cận giáo dục.
Tháng trước, người phụ trách mảng giáo dục của Taliban cho biết họ đang xây dựng chính sách mới nhằm mang lại cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người, nhưng “cần thời gian” để thực hiện.
Taliban nói rằng việc giáo dục nữ sinh phải tuân theo “nguyên tắc Hồi giáo”.
Theo Daisy Khan - người sáng lập Sáng kiến Hồi giáo về Tinh thần và Bình đẳng cho phụ nữ, ông không biết có lý do gì để biện minh cho quyết định cấm bé gái đi học của Taliban.
“Trong Hồi giáo, theo đuổi kiến thức là nghĩa vụ đối với tất cả ai theo đạo Hồi. Nhà tiên tri Muhammad không phân biệt giáo dục của trẻ em trai và trẻ em gái”, ông khẳng định.
Những thông điệp mâu thuẫn từ các quan chức cấp cao có thể là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ về cách điều hành giữa đường lối cứng rắn và ôn hòa trong hàng ngũ Taliban, theo Arab News. Một số quan chức Taliban cho biết lệnh cấm mở lại trường học cũng được ban hành bởi ông Akhundzada.
Theo một số báo cáo, nhà lãnh đạo Akhundzada đã phớt lờ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại, thậm chí từ nhiều giáo sĩ, để đảo ngược quyết định về giáo dục trung học cho trẻ em gái.
Trong lúc đó, những quy định cực đoan cho nữ giới vẫn tiếp tục được ban hành.
Chỉ một tháng sau khi nắm quyền, Taliban đã cấm phụ nữ làm việc trong văn phòng chính phủ, ngân hàng, công ty truyền thông,... Waheedullah Hashimi - nhân vật cấp cao của Taliban - nói rằng phụ nữ "không nên" làm việc cùng nam giới.
Vào tháng 12/2021, Taliban ra phán quyết rằng phụ nữ muốn sử dụng chung phương tiện để đi quãng đường dài (xa hơn 72 km) cần có người thân là nam giới đi cùng. Ngoài ra, tổ chức này cũng "kêu gọi chủ phương tiện chỉ đồng ý khi phụ nữ đeo khăn trùm đầu lên xe".
Trước đó, Taliban cũng yêu cầu các kênh truyền hình của Afghanistan "ngừng chiếu phim và vở kịch có diễn viên nữ", theo Hindustan Times.
Hôm 27/3, họ đã ra lệnh cho các hãng hàng không Afghanistan cấm phụ nữ lên máy bay mà không có nam giám hộ. Một sắc lệnh khác ban hành yêu cầu phụ nữ chỉ sử dụng công viên vào chủ nhật, thứ 2 và thứ 3, trong khi những ngày còn lại dành cho nam giới.
Trong khi đó, ở thành phố Herat ở phía tây bắc - nơi được coi là tiến bộ nhất trong Afghanistan, các quan chức Taliban yêu cầu giáo viên dạy lái xe ngừng cấp bằng lái cho phụ nữ.
Jan Agha Achakzai - người đứng đầu Viện Quản lý Giao thông Herat giám sát các trường dạy lái xe - cho biết: “Chúng tôi nhận chỉ thị bằng lời nói rằng ngừng cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ, nhưng không ngăn họ lái xe trong thành phố".
Taliban hạn chế ban hành sắc lệnh quốc gia bằng văn bản, thay vào đó cho phép chính quyền địa phương tự đưa ra sắc lệnh riêng, đôi khi bằng lời nói, theo Arab News.
Adila Adeel - phụ nữ 29 tuổi, chủ học viện đào tạo lái xe - cho biết Taliban muốn đảm bảo thế hệ sau sẽ không được tiếp cận cơ hội như mẹ của họ. “Chúng tôi được yêu cầu không cung cấp bài học lái xe và bằng lái”, cô nói.
Theo AFP, một số phụ nữ Afghanistan ban đầu đã chống trả mạnh mẽ, tổ chức các cuộc biểu tình quy mô nhỏ đòi quyền được học hành và làm việc. Tuy nhiên, Taliban đã thẳng tay đàn áp và giam giữ một số người được cho là lãnh đạo biểu tình. Tổ chức này vẫn phủ nhận hành động đàn áp này.
Lời nói "dối trá và rỗng tuếch"
Không chỉ có về những lời hứa đối xử công bằng và ôn hòa hơn với phụ nữ, Taliban khi mới nắm quyền trở lại cũng hứa hẹn về việc đảm bảo an ninh cho các nhóm thiểu số và nhân từ đối với những người từng chống đối họ.
Lực lượng này tuyên bố tổng ân xá cho người từng là nhân viên chính phủ cũ và thành viên lực lượng an ninh quốc gia. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi kiểm soát Afghanistan, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết sẽ “đảm bảo an toàn của những người đã làm việc với Mỹ và đồng minh".
Tuy nhiên, trong cuộc điều tra kéo dài 9 tháng của New York Times đăng tải hồi tháng 4 vừa qua, gần 500 người đã bị giết hoặc mất tích trong sáu tháng đầu tiên Taliban nắm quyền. Sau khi Mỹ rút quân, những người này đã bị săn lùng, sau đó bị tra tấn và hành quyết bởi Taliban.
New York Times gọi lời hứa này là “dối trá” và "rỗng tuếch" khi các vụ giết người trả thù rất phổ biến và diễn ra ở mọi vùng miền của Afghanistan.
Sau khi phủ nhận, giới lãnh đạo Taliban đã thừa nhận có một vài vụ như vậy, nhưng khẳng định đó là hành động của các cá nhân chứ không phải do chiến dịch.
Trong khi đó, chính quyền Taliban còn không thể hoặc không nỗ lực bảo vệ các nhóm thiểu số trước sự tấn công của những lực lượng cực đoan khác như ISIS-K, theo Asfandyar Mir, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Hòa bình Mỹ.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Taliban đứng sau cái chết của hàng chục người Hazara trong vòng 8 tháng qua, cũng như cưỡng ép trục xuất người Hazara ra khỏi nơi ở trên diện rộng.
Trong lịch sử Afghanistan, các nhóm thiểu số như người Hazara, nhóm thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shia - bị Taliban coi là "phần tử bội giáo" - từ lâu đã bị đẩy ra rìa xã hội với rất ít cơ hội được học tập hoặc làm việc.
“Sự thật là quan điểm của Taliban về quyền phụ nữ, nhân quyền và tự do cá nhân không thay đổi trong 20 năm qua”, Nilofar Akrami - giảng viên đại học 30 tuổi dạy nữ giới tại Đại học Kabul - nói với Arab News.
Đối với cô Akrami, bất kỳ hy vọng nào về việc trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan đã tiêu tan từ lâu. “Taliban vẫn tàn bạo như những năm 1990, và đối với phụ nữ, họ còn đối xử tồi tệ hơn. Họ học cách đeo ‘một chiếc mặt nạ’ để đánh lừa thế giới”, cô nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/taliban-lo-ro-chan-tuong-post1315206.html