Taliban muốn trở mặt, phụ nữ Afghanistan phản kháng
Một số nhà hoạt động ở Afghanistan tổ chức biểu tình tại thủ đô Kabul hôm 3/9 nhằm kêu gọi quyền bình đẳng và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Bất chấp rủi ro, nhóm Mạng lưới Phụ nữ tham gia Chính trị đã tuần hành trên đường phố Kabul, ngay trước Bộ Tài chính Afghanistan, hô vang khẩu hiệu, yêu cầu được tham gia vào chính phủ Afghanistan, CNN đưa tin ngày 3/9.
Đoạn phim cho thấy cuộc đối đầu giữa một binh lính Taliban và một nhóm phụ nữ. Tay súng Taliban hét lên: “Biến đi”, trước khi khẩu hiệu của nhóm lại tiếp tục vang lên.
Cuộc biểu tình diễn ra tương đối nhỏ, chỉ với vài chục người tham gia. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện thách thức và mối lo ngại của công chúng trước sự cai trị của Taliban.
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Taliban đang thảo luận về việc thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, lực lượng này có dấu hiệu không giữ cam kết khi muốn những phụ nữ từng có công ăn việc làm nên ở nhà. Trong một số trường hợp, các tay súng còn ra lệnh phụ nữ rời khỏi nơi làm việc của họ, theo Guardian.
Phụ nữ không chịu khuất phục
Cuộc biểu tình ở Kabul diễn ra một ngày sau sự kiện tương tự ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan. Tại đây, nhóm phụ nữ cầm một tấm biển lớn với dòng chữ: “Không một chính phủ nào có thể tồn tại lâu dài nếu không có sự ủng hộ của phụ nữ. Yêu cầu của chúng tôi: Quyền được học hành và quyền được làm việc trong mọi lĩnh vực”.
Lina Haidari, người tham gia biểu tình tại Herat, cho biết “quyền và thành tựu của phụ nữ Afghanistan, những người đã làm việc và chiến đấu trong hơn 20 năm, không thể bị phớt lờ” sau khi Taliban lên nắm quyền.
"Tôi từng phải ở nhà vì ‘phạm tội’ trở thành một học sinh cách đây 20 năm”, Haidari nói. “Và giờ đây, tôi có tội vì là một giáo viên và là một phụ nữ”.
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về mặt an ninh. Một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Afghanistan cho biết cô không tham gia biểu tình tại Herat vì trực tiếp bị đe dọa. Cô yêu cầu CNN giấu tên bởi lo sợ việc mình bày tỏ quan tâm đến cuộc biểu tình có thể khiến cô bị trả thù.
Động thái thất hứa của Taliban
Khi mới nắm quyền kiểm soát Kabul, Taliban khẳng định phụ nữ sẽ đóng một vai trò nổi bật trong xã hội và được tiếp cận với giáo dục. Tuy nhiên, tuyên bố về cách diễn giải của nhóm đối với các giá trị đạo Hồi khiến nhiều người lo sợ Taliban sẽ tái áp dụng chính sách hà khắc cách đây hai thập niên. Vào thời điểm đó, phụ nữ không được phép đi làm cũng như đi học.
Taliban hiện yêu cầu hầu hết phụ nữ ở nhà với lý do an ninh.
Theo lời kể của một số phụ nữ Afghanistan, những động thái Taliban muốn hạn chế các quyền của họ đang dần xuất hiện trở lại, bao gồm yêu cầu phụ nữ xuất hiện tại không gian công cộng phải có người giám hộ nam đi cùng.
Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Taliban ra quy định mới về việc nữ giới và nam giới sẽ học tách biệt tại các trường đại học. Dù được quảng bá là “riêng biệt nhưng bình đẳng”, điều này thể hiện hệ thống phân biệt đối xử sẽ đẩy phụ nữ ra ngoài, hoặc nhận nền giáo dục có chất lượng thấp hơn.
Theo nguồn tin từ Guardian, Taliban cho biết cô giáo sẽ không bao giờ dạy học sinh nam, nhưng thầy giáo vẫn sẽ dạy học sinh nữ tùy trường hợp.
Hạn chế cứng rắn cũng thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác. Hình ảnh phụ nữ tại các thẩm mỹ viện bị bôi đen. Taliban cũng ra lệnh cấm âm nhạc, dù chưa rõ họ sẽ thực hiện kế hoạch nghiêm ngặt như thế nào.
“Chúng tôi đã nghe một số lời giải thích như vậy từ năm 1996 đến 2001, khi Taliban bảo các cô gái không thể đi học và phụ nữ không thể đi làm vì tình hình an ninh không tốt. Khi tình hình ổn định, họ sẽ được phép làm điều này”, Heather Barr - một chuyên gia về quyền phụ nữ - nói. “Tất nhiên khoảnh khắc đó không bao giờ đến”.
“Điều này chỉ ra rằng ngay cả ở những năm 1990, Taliban đã ngụy trang cho hành vi sai trái của mình. Vì vậy, những lời hứa hẹn mới đây của Taliban chỉ là chiêu truyền thông cũ kỹ. Và phụ nữ Afghanistan có thể thấy rõ điều đó”, bà nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/taliban-muon-tro-mat-phu-nu-afghanistan-phan-khang-post1258903.html