Taliban 'nêu gương' đàn ông nuôi râu, có 2-3 vợ
Từ trung tâm thương mại đến đường phố, sự xuất hiện của các đoàn giám sát là biểu hiện cho thái độ ngày càng hà khắc của Taliban đối với phụ nữ.
Trong những chiếc áo choàng dài màu trắng, thanh tra từ cơ quan có tên "Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu" của Taliban đang đóng vai trò "cảnh sát đạo đức". Họ đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng cái gọi là “bản sắc Hồi giáo” mới ở Afghanistan, phù hợp với quan điểm cứng rắn của Taliban.
Dẫn đầu đoàn thanh tra là Maulvi Mahmoud Fatih, 25 tuổi. Ông là người trẻ nhất trong đoàn. Trước đám đông các chủ cửa hàng là nam giới và người qua lại, Maulvi Fatih rao giảng về tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nuôi râu.
"Nuôi râu là noi theo gương của Nhà tiên tri Muhammad”, anh nói.
Chỉ vào những thanh tra viên của mình, Maulvi Fatih tự hào nói: “Những giáo sĩ này có 2 hoặc 3 người vợ. Đó là nguồn sức mạnh của họ”.
Fatih và các đồng nghiệp cũng đề nghị giúp giải quyết mọi khó khăn mà những người xung quanh gặp phải. Tuy nhiên, sắc lệnh mới nhất của Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu, nói về những gì phụ nữ nên mặc, mới là chủ đề thu hút sự chú ý và cả lời chỉ trích nhiều nhất, theo BBC.
"Sắc lệnh của thượng đế"
Đầu tháng 5, Taliban ban hành một sắc lệnh yêu cầu phụ nữ phải mặc áo trùm kín từ đầu đến chân ở nơi công cộng. Nếu một phụ nữ nhiều lần không tuân thủ, người thân là nam giới của họ có thể bị xét xử hoặc bỏ tù.
Maulvi Fatih nói với BBC: "Nếu một phụ nữ vượt quá giới hạn, ăn mặc khêu gợi hay không có mạng che, chúng tôi sẽ truy lùng giám hộ nam giới của cô ấy".
Khi được hỏi dựa vào đâu mà Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu có quyền quy định cách phụ nữ Afghanistan ăn mặc, Maulvi Fatih trả lời: "Đó không phải là sắc lệnh của bộ, đó là sắc lệnh của thượng đế”.
"Nguyên nhân thực sự của sự băng hoại đạo đức là từ khuôn mặt - nếu khuôn mặt không được che đậy, thì khăn trùm đầu có ích lợi gì?", Maulvi Fatih tuyên bố.
Thực thi lỏng lẻo
Afghanistan vốn là một đất nước bảo thủ. Nhiều phụ nữ đeo mạng hoặc các loại khăn khác để che mặt. Tuy nhiên, ở một số thành phố như Kabul, nhiều phụ nữ chỉ che đi mái tóc bằng khăn quàng cổ, một số người gần đây còn chỉ đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trong và ngoài nước đã phản ứng gay gắt với sắc lệnh mới. Họ cho rằng những tiến bộ mong manh về quyền phụ nữ trong nhiều năm qua đang bị đảo ngược.
Ở thời điểm hiện tại, việc thực thi các quy định mới về "khăn che mặt" có vẻ còn tương đối lỏng lẻo. Ở Kabul, người ta vẫn thấy cảnh phụ nữ không che mặt. Những người phụ nữ có mặt tại trung tâm mua sắm thậm chí không tỏ ra bối rối trước sự hiện diện của các thanh tra đến từ Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu.
Dẫu vậy, nhiều người lo lắng rằng Taliban sẽ sớm triển khai những biện pháp nghiêm ngặt hơn. Những người dẫn chương trình truyền hình nữ hiện bị yêu cầu đeo khăn che mặt khi lên sóng.
Một Afghanistan khác
Sau khi rời khỏi trung tâm thương mại, các thanh tra tiếp tục di chuyển đến một bến xe buýt.
Họ ra hiệu cho những phương tiện di chuyển trên đường dừng lại để kiểm tra xem liệu nam giới có ngồi quá gần hành khách nữ hay không, hoặc phụ nữ có bị buộc phải đứng lên thay vì được nhường ghế hay không.
Trước mặt phóng viên, các thanh tra lịch sự và hòa nhã với công chúng. Người dân sau đó cũng nói với BBC rằng họ không có phàn nàn gì về đội này.
Nhưng một số dấu hiệu cho thấy Taliban chưa thể xa rời chính sách hà khắc.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Leila Baseem đã ở trên chiếc xe buýt bị các thanh tra chặn lại.
Chị Baseem nói với BBC: “Tôi đã nói với người thanh tra rằng ở đây không ai là không có khăn trùm đầu”.
“Nhưng rồi mặt anh ta đỏ bừng lên vì tức giận. Không thèm nhìn vào mặt tôi, anh ta nói: 'Cô là một người phụ nữ trơ trẽn. Afghanistan không còn là một nước cộng hòa, Afghanistan giờ đây là một Tiểu vương quốc Hồi giáo. Cô không thể làm những gì cô muốn nữa'”.
Những tài xế khác nói rằng họ đã được cảnh báo không cho phép phụ nữ mặc quần bó sát lên xe.
Taliban không hề thay đổi?
Khi Taliban mới lên nắm quyền vào tháng 8/2021, nhóm chiến binh tỏ thái độ mềm mỏng hơn so với nhiều người từng lo sợ. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lập trường của Taliban rõ ràng đã trở nên cứng rắn hơn.
Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, ưu tiên của Taliban dường như là thắt chặt các hạn chế xã hội.
Các quy định khác do Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu ban hành bao gồm các ngày riêng biệt trong tuần cho nam giới và phụ nữ đến công viên và cấm phụ nữ đi đường dài một mình.
Nhiều người Afghanistan lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
"Họ bắt đầu bằng cách mềm mỏng, nhưng tôi chắc chắn cuối cùng họ sẽ trở nên giống hệt như những năm 1990", một doanh nhân nói với BBC, trong khi cân nhắc xem liệu ông và các con gái có nên ở lại Afghanistan hay không.
Chị Baseem thậm chí còn bi quan hơn. "Tôi chắc chắn rằng nếu phụ nữ chấp nhận việc che mặt, Taliban sẽ tiếp tục đưa ra luật mới và ra lệnh cho họ ở nhà".
“Các thanh tra của Bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng ngừa Thói xấu cho rằng họ đang loại bỏ sự băng hoại khỏi xã hội”.
“Nhưng băng hoại đạo đức là gì? Đó là khi bạn tước đi quyền của một nửa xã hội", Baseem đặt câu hỏi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/taliban-neu-guong-dan-ong-nuoi-rau-co-2-3-vo-post1320032.html