Tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử

Ít ai biết, trong giờ phút nguy nan, khi mẹ Nhu ngã xuống để bảo vệ cán bộ đang che giấu, dưới hầm bí mật, trước chân dung Bác Hồ, các dũng sĩ Thanh Khê đã tuyên thệ quyết tử, chiến đấu đến cùng. Tượng đài Mẹ Nhu bao năm qua vẫn sừng sững nơi cửa ngõ vào thành phố…

Xuống hầm nghe kể chuyện mẹ Nhu

Đà Nẵng nắng chói, khu vườn nhà mẹ Nhu (tên thật Lê Thị Dãnh) nằm trong kiệt nhỏ ở đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) rợp bóng cây. Sinh thời, mẹ Dãnh được gọi theo tên của người con trai đầu là Phạm Văn Nhu. Căn nhà xưa của mẹ từ năm 2009 nay trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng con đường kiệt hẻm vào nơi đây bao năm vẫn chật chội.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhà mẹ Nhu

Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhà mẹ Nhu

Gần trưa, cất tiếng gọi, một ông lão hiền từ mở cửa đón khách. Ông là Phạm Phú Chí con trai thứ 5 của mẹ Nhu. Dẫn khách vào căn nhà chính nơi bàn thờ có di ảnh mẹ Nhu và con trai thứ 4 của mẹ - liệt sĩ Phạm Phú Long, ông Chí thắp nén nhang cho khách dâng hương rồi dẫn tham quan giới thiệu những hình ảnh hiện vật được trưng bày.

Trong hành trình thoát vòng vây của địch, do mái tóc dài vướng súng, bất tiện nên bà Tám nhờ anh Trung cắt gọn mái tóc của mình. Về chiến khu, câu chuyện của bà Tám và anh Trung được kể lại cho một phóng viên chiến trường. Lúc này, anh phóng viên đó đã bảo anh Trung tái hiện hành động cắt mái tóc của đồng đội. Hình ảnh đó, nay được bà Tám lưu giữ, phóng to bức hình treo trang trọng như để khắc dấu một thời dâng hiến thanh xuân cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Ở một góc nhà, bên dưới ảnh 7 dũng sĩ Thanh Khê là một phiến gạch lớn kèm chú thích “Nắp hầm bí mật”. Ông Chí kể, ngày xưa nhà tranh vách lá đơn sơ, nay đã được xây dựng tôn tạo thành Khu lưu niệm mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê. Nơi đây, năm 1967, mẹ Nhu đã đào hầm bí mật ngay trong nhà mình làm nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ cách mạng. Nhà mẹ trở thành đầu mối liên lạc, gặp gỡ trao đổi của cán bộ cách mạng quận Nhì (Đà Nẵng) lúc bấy giờ.

Trong khu vườn, ngay sa bàn tái hiện khu căn cứ ở Thanh Khê là căn hầm bí mật năm xưa của mẹ Nhu đã được phục dựng. Miệng hầm chỉ vừa một người lên xuống, sâu chừng 1,5m. Hầm dài khoảng 2m, rộng 1,5m, cao 1,3m. Người ở dưới hầm phải khom người mới có thể di chuyển, nếu 2 đến 3 người cùng lúc thì chỉ có thể ngồi trong tư thế thu chân.

Xuống hầm trong chốc lát, khách đã vã mồ hôi, lưng ướt đẫm. Ông Chí bảo: Thế mới biết, năm xưa các chiến sĩ biệt động của ta hoạt động vất vả, gian khổ thế nào. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần khi có ám hiệu của mẹ, của anh Long là anh em xuống hầm ẩn, có khi kéo dài nhiều ngày liền.

Hình ảnh 7 dũng sĩ Thanh Khê bên trong Khu lưu niệm ở di tích nhà mẹ Nhu. Ảnh: Nguyễn Thành

Hình ảnh 7 dũng sĩ Thanh Khê bên trong Khu lưu niệm ở di tích nhà mẹ Nhu. Ảnh: Nguyễn Thành

Thà hy sinh quyết không để bị bắt

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám là một trong số “7 dũng sĩ Thanh Khê” năm nào còn sống. Căn nhà bà Tám trên đường Phan Thanh nơi trang trọng nhất, bên cạnh tấm bằng phong tặng danh hiệu anh hùng là những bức ảnh một thời thanh xuân cống hiến cho cách mạng và được gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Sinh ra ở Điện Bàn (Quảng Nam) trong gia đình có truyền thống cách mạng, 14 tuổi bà Tám đã tham gia hoạt động, vận chuyển tài liệu, truyền đơn đến các cơ sở ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 16 tuổi, bà được phân công ra Đà Nẵng tham gia tổ biệt động Thanh Khê trong vai người đi ở đợ. Tại đây, cô thiếu nữ được giao làm nhiệm vụ giao liên bí mật, để gây dựng phong trào, vận chuyển tài liệu, vũ khí cho cách mạng. Đến khi bị lộ, bà Tám buộc phải rút vào hoạt động bí mật ở nhà mẹ Nhu.

“Trong hầm, dưới ánh sáng lập lòe của ngọn đèn dầu, tôi dán ảnh Bác Hồ lên tường. Trước ảnh Bác, cả ba chúng tôi cùng giơ tay hô to: “Chúng con xin thề với Bác chiến đấu đến cùng, quyết không đầu hàng, không để lọt vào tay quân địch”.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám

Bà Tám kể lại, trú ẩn tại nhà mẹ Nhu ngoài bà và anh Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung còn có Lữ Hùng (lúc bấy giờ là Quận Đội phó quận Nhì). Một tổ khác gồm các anh Chi, Mười, Năm, Phương trú ẩn ở nhà mẹ Hiền cách nhà mẹ Nhu 300m. Nhiệm vụ của đội biệt động là diệt ác, phá kìm, tiêu hao sinh lực của địch. Đồng thời, tổ chức đánh địch bằng mọi cách để gây tiếng vang, tiến lên làm chủ từng khu vực, từng phường, gây thanh thế cách mạng trong quần chúng, chuẩn bị thời cơ nổi dậy.

Bà Tám nhớ lại, đêm 23/12/1968 tổ của bà đánh đồn địch ở Phú Lộc nên hôm sau anh em được nghỉ ngơi trong hầm. Nhưng đến tối 25/12, bất ngờ Lữ Hùng bảo với anh em sẽ đi một mình qua tổ ở nhà mẹ Hiền để bàn công chuyện. Nhưng không ngờ tên phản bội này đã ra ngã ba Thanh Khê để chiêu hồi, chỉ điểm cho địch.

Để rồi sáng ngày 26/12/1968 địch tổ chức cuộc vây ráp quy mô với máy bay và lính bộ quần thảo khu vực Thanh Khê. Do được chỉ điểm, nên địch đã tổ chức tấn công vào hai địa điểm nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền ác liệt hòng bắt gọn, tiêu diệt lực lượng của ta.

“Lúc đó khoảng 8h sáng, từ dưới hầm anh em nghe rõ từng câu thoại của mẹ Nhu và những tiếng kêu đầy đau đớn của mẹ trước những đòn tra tấn dã man của địch bằng báng súng. Khi địch hỏi nơi giấu cán bộ, mẹ Nhu đã chửi thẳng bọn chúng: “Tau ở trong lòng thành phố này mà nuôi cộng sản thì tụi bay là đồ ăn hại”. Tên chỉ huy của địch tức giận hét lớn ra lệnh nổ súng. Loạt tiếng súng vang lên, mẹ Nhu hy sinh để bảo vệ anh em chúng tôi đến hơi thở cuối cùng”, bà Tám xúc động kể.

Bà Tám nhớ lại, dưới hầm anh em biết cơ sở đã bị lộ. Ai cũng thương mẹ Nhu cố nghĩ cách để bảo vệ được mẹ, nhưng tình thế lúc ấy đã không thể bảo vệ cho mẹ được nữa. Anh em bàn nhau chỉ có 2 hướng là tự thủ tiêu chiến đấu hoặc tung hầm lên đánh một phen cuối cùng. “Anh em nắm tay nhau, nhắc lại lời thề là dù hy sinh cũng không để bị bắt. Anh em quyết định tung hầm lên đánh lần cuối”, bà Tám nhớ lại.

Trong những giây phút căng thẳng đó, nữ biệt động thành Nguyễn Thị Tám đã lấy tấm ảnh chân dung Bác Hồ trước đó bà được một chiến sĩ đặc công tặng khi hoạt động ở vùng an toàn. Tấm ảnh Bác Hồ kích thức 4x6, nằm trong lòng bàn tay được bà giấu cẩn thận và là món quà quý giá mà bà luôn mang theo bên mình.

Cả ba giơ tay thề quyết tử trước ảnh Bác vừa xong, cũng là lúc địch phát hiện ra lỗ thông hơi của hầm. Không chờ địch tấn công, trong tích tắc anh Huề tung nắp hầm, ném ngay 2 quả lựu đạn, diệt được một số quân địch. Cả ba người cùng xông lên bắn trả, chiến đấu để thoát vòng vây.

Lúc này trực thăng địch xối xả bắn xuống, bụi bay mù trời, cả 3 nhảy rào thoát được ra bên ngoài. Lúc này, anh Huề bị thương, bà Tám vừa cầm súng vừa dìu đồng đội. Đi được một đoạn thì anh Huề ngã xuống và hét lớn bảo đồng đội đi đi, để anh ở lại cản đường địch. Lúc lính Mỹ kéo đến, anh Huề đã tung lựu đạn và anh dũng hy sinh.

Đến khoảng 3h sáng ngày 27/12, bà Tám và anh Trung đi đến được khu vực Ngã ba Huế thì gặp được anh Năm Dừa (Bí thư quận Nhì) đang dẫn đội quân 10 người đi giải vây. Anh em ôm nhau khóc không ra tiếng vì tất cả đều nghĩ mọi người đã chết rồi. Riêng 4 chiến sĩ biệt động thành ở nhà mẹ Hiền sau này bà Tám nghe kể lại: Cả 4 chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường thoát vòng vây, khi quay lại nhà mẹ Nhu thì xót xa thấy cảnh mẹ Nhu bị bắn chết, nhà cửa bị phá tan hoang.

Cả 4 di chuyển về hướng Thanh Khê Tây rồi tản ra. Hai người là dân địa phương nên đã tìm đồ lính ngụy để cải trang rồi đi lên vùng chiến khu. Trong khi 2 người còn lại lẩn trốn đến ngày 1/1/1969 thì bị địch bắt và dẫn về khu vực Non Nước, người bị bắt đi lính, người bị đày ra Côn Đảo.

NGUYỄN THÀNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-anh-bac-ho-va-loi-the-quyet-tu-post1666595.tpo