Tấm ảnh cũ
Hiệu ảnh có tên 'Hưng còm' của tôi thực ra chỉ là cái gầm cầu thang của cửa hàng lương thực cũ. Đêm, tôi bận mò mẫm rửa ảnh nên sáng ra có ai gọi cửa thì phải là khách quen mới dám, kiểu như: 'Anh lấy ảnh để làm hồ sơ kịp chuyển vùng'. Nhiều khi nhìn khuôn mặt người trong ảnh vừa khô thuốc thì mặt người đến lấy ảnh còn mượt mát mồ hôi.
Đẩy mãi cái cửa xếp kẹt rỉ sang một bên, mắt vẫn còn bưng kín bởi cơn buồn ngủ thì một cô gái trẻ hiện ra, khuôn mặt hốc hác, gày guộc, đôi mắt u buồn, tóc tai bơ phờ. Thú thật, nếu lúc ấy phố không sáng bảnh, ngoài gốc bàng không có cái bếp lò của bà Tam thì tôi đã ngỡ là vong nào hiện ra, đến bủn rủn chân tay. Hỏi đến câu thứ hai tôi mới hiểu: Trước cha cô chụp ảnh và rửa ở hiệu của tôi nhưng quên chưa cầm phim về, nay ông vừa mất, nhà cô muốn nhờ tôi lục tìm và rửa để làm ảnh thờ… Dĩ nhiên, chẳng dễ dàng gì để tìm một cái phim cũ bằng đôi mắt ngái ngủ, rửa xong chả đáng tiền. Tôi từ chối phắt bằng một vài lời rồi kéo cửa ngủ tiếp. Hăm lăm tuổi, tỉnh giấc chậm nhưng giấc ngủ đến rất nhanh.
Mười lăm năm sau, tôi đã có một tiệm ảnh vào loại “máu mặt” ở thành phố. Nghĩa là, thợ cứ làm, máy cứ chạy, khách đến đặt ảnh cưới, in ảnh hồ sơ, mua thiết bị vật tư về ảnh… tiền cứ tự động vào túi. Thi thoảng tôi rủ vài người bạn đi ngao du chụp phong cảnh, cuộc sống nhàn đến mức sáng nào thức dậy cũng phải cố nặn ra một cái gì để nghĩ…
Sáng hôm ấy, cũng một sáng cuối xuân, đang ngồi cà phê sáng ở quán đối diện cửa tiệm, tôi thấy một chiếc xe láng coóng bước vào. Chỉ cần nhìn con Audi Q3 tôi cũng biết sẽ có một người quý phái bước ra. Nhưng cô ta đẹp hơn tôi tưởng. Ở cái tuổi mà gia đình, tiền bạc đã đủ đầy, phụ nữ đẹp một cách dữ dội, đến mức đứng trước mặt họ, có phải bới cả núi cát lên để tìm cho họ cây kim có khi cánh đàn ông chúng tôi cũng tranh nhau làm, miễn là…
Người phụ nữ quý phái ấy muốn tôi phục chế một bức ảnh đã cũ.
- Muốn chính tay anh giúp…
Câu nói như bàn tay nần nẫn kia đang ve vuốt sống lưng. Thú thật, từ lúc làm ăn khá giả, tôi đã không còn là một anh thợ ảnh có bàn tay hái ra tiền mà giờ chỉ nghĩ làm sao đám thợ và máy móc kia nhè ra cho tôi những xấp tiền ngày một nhiều hơn. Nhưng mà lần này là một ân huệ. Tôi loay hoay với phần mềm photoshop lâu không sử dụng nhưng đầu óc chỉ nghĩ đến khuôn mặt đẹp, cái cổ trắng ngần, thân hình vừa đủ mềm mại, mặn mà kia. Trước mặt tôi là bức ảnh chụp lại từ giấy lụa đã cũ cảnh một gia đình đang đứng trước một ngôi nhà ngói nhỏ. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như khác với các thành viên trong gia đình, khuôn mặt người đàn ông bị ố, vết ố kéo từ toàn bộ phần đầu xuống đến ngực. Chỉ có thể nhận ra dáng dấp ông qua hai túi áo kiểu sơ mi thời trước, cái thắt lưng và quần, đôi dép nhựa Tiền Phong…
Bẵng đi hai hôm, người phụ nữ có mùi nước hoa thơm lại đem mùi hương tới. Lần này cô mặc một chiếc váy đỏ ôm lấy thân hình nhưng kín đáo, khuôn mặt vẫn thân thiện, thoáng nét lo lắng:
- Khó lắm phải không anh, anh cố giúp em nhé.
Mấy ngày nay, tôi cũng nghe thấy đám thợ bóng gió kiểu: “Chú cứ làm thật lâu lâu vào để cô ấy phải quay lại”, “Cô ấy đẹp thế chú phải phục chế kỹ kỹ”. Nhưng thực tình, tôi đã cố hết sức, nếu làm sắc nét hay vá víu, tô đậm vẫn không thể làm lại được khuôn mặt của một người như mất, như bị hổ vồ. Cuối cùng, cũng không thể nấn ná được nữa, tôi nói thật:
- Nếu là bức hình khác, anh sẵn sàng làm miễn phí giúp em.
Lặng im giây lát sau lưng tôi, cô ta nói thật chậm:
- Chỉ còn bức hình này vì cha em đã mất, hơn nữa…
Khoảng lặng bỏ ngỏ của câu nói ấy đáng ra chỉ là một liên tưởng vu vơ. Nhà tôi từng có nhiều quyển abum ảnh lớn. Cha tôi từng treo khắp tường những khung ảnh lưu lại hình ảnh mấy anh em tôi, ảnh mẹ tôi hồi trẻ, ảnh mấy đứa cháu cùng những cái phiếu bé ngoan xinh xắn… Ai cũng có những mảnh hoài niệm vỡ ra từ cuộc sống mưu sinh vội vã, may ra thì còn lượm lặt lại được.
Một bữa, cả tiệm ảnh của tôi ăn nhậu mừng sinh nhật một đứa. Rượu đủ tầm, có đứa bạo mồm chọc:
- Chú Hưng danh tiếng vậy mà còn có lúc bó tay nữa là tao, mà rõ là giúp người đẹp.
Khuya về nằm, thứ men rượu núi giờ này chắc đã chuyển thành thứ axit chua loét đang hành hạ dạ dày tôi. Tuổi tác và rượu nặng làm người ta không thể nằm yên, bỗng dưng tôi lại nhớ cái ngày xưa thế. Thằng Huy nói đúng. Tôi gượng dậy bật máy, tôi đã từng có danh là tay làm ảnh lành nghề, điều đó giúp tôi giành giật được khách hàng để làm nên cơ ngơi này. Tôi bấm số gọi, giờ này dẫu nàng nằm cạnh chồng thì tôi vẫn phải gọi. Một, hai, ba hồi chuông, nàng bắt máy bằng một giọng nói tỉnh táo và hào hứng. Trong cơn say tỉnh, tôi nghe như sợ những câu nói của nàng trượt ngã khỏi vành tai mình:
- Anh biết không? Cái khoảng ố màu ấy trên ảnh cũng trùng hợp với… (ngừng thật lâu cô nói tiếp), phần thân thể cha em bị bánh xe tải nghiền nát.
Tôi bàng hoàng nhưng bên kia người phụ nữ như chưa muốn dừng câu chuyện lại:
- Em chưa từng được gặp cha em, mẹ em là người đàn bà xấu xí làm công nhân… bà “ngửa tay” để có em vui vầy lúc tuổi già chứ không có hôn thú, cưới hỏi gì. Hai mẹ con lặng lẽ nuôi nhau, chẳng may em lại là thân gái, nhưng em đã cố gắng để có hôm nay. Mẹ em chỉ cho em đi tìm khi hay tin ông vừa mất, mẹ cả thì không có con, chỉ để lại cho e tấm hình này. Nhưng hình như là số phận, từ lâu bức ảnh đó đã ố như sau này…
Tôi lặng đi, không biết phải nói gì thì người phụ nữ dường như đã trấn tĩnh lại để tiếp tục:
- Sở dĩ em không mang bức ảnh này về Hà Nội để tìm những hiệu ảnh nổi tiếng, mà lại tìm anh là vì… anh biết vì sao không?
Trong tiếng nói trẻ trung của cô, tôi cảm giác như trần nhà trang trí cầu kỳ như sụp xuống để trở lại cái buổi sáng trong góc cầu thang lụp xụp ngày nào. Cô ấy chính là người con gái gày guộc đến tìm tôi. Nhưng hỡi ôi, mười lăm năm, giờ nhắc đến phim, đến các loại máy cơ, tụi trẻ khối đứa còn không biết nó từng tồn tại. Lấy đâu ra, gần nhất cũng đã hơn mười năm tôi đổ đám phim ấy vào thùng rác. Mà giờ có còn, phim ấy cũng không dùng được. Tôi có lưu giữ những cái ảnh người ta quên lấy trong một cuốn album cũ, nhưng giờ biết ai là cha cô? Nếu sáng ấy, tôi chịu nghe cô kể, người đàn ông mặc chiếc áo màu này, có tên là… trong cuốn sổ ghi chép thì đã khác.
Sáng nay, tôi đứng nhìn cô bước lên chiếc xe màu trắng, bộ váy quý phái, đôi mắt ánh lên một niềm vui mà thật khó nói. Chiếc xe đi rồi, tấm ảnh mà tôi phục chế có lẽ sẽ được mang về một biệt thự, được lồng vào một cái khung bằng vàng cũng nên vì đó là hình ảnh quý giá của một nữ giám đốc. Tôi quay vào nhà, tôi thì mãi vẫn ở đây, nhưng từ hôm nay có lẽ sẽ ngắm kỹ hơn những khuôn mặt mà cánh thợ căng lên màn hình để chỉnh sửa. Và, biết đâu, khuôn mặt người đàn ông mà đêm qua tôi lắp bừa vào tấm ảnh người cha của nàng lại đúng là cha cô? Một hy vọng mong manh như người ta có một phần ngàn, phần vạn cơ hội sẽ trúng giải trong trò xổ số mỗi buổi chiều...
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/tam-anh-cu-z8n2019071208293448.htm