Tấm ảnh Tổng thống Trump cùng các tướng lĩnh xem trực tiếp vụ đột kích thủ lĩnh IS là giả?
Người từng là nhiếp ảnh gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và Barack Obama cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố một bức ảnh dàn dựng có cảnh ông cùng các quan chức cấp cao theo dõi và chỉ đạo trực tiếp cuộc đột kích hang ổ của thủ lĩnh IS.
Ông Pete Souza, cựu Giám đốc Phòng nhiếp ảnh Nhà Trắng, đã đặt ra nghi vấn về nhãn thời gian gắn trên bức ảnh chụp bên trong Phòng Tình huống mà Nhà Trắng công bố. Ông cho rằng khó có việc Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence cùng nhiều quan chức và tướng lĩnh cấp cao lại có thể ngồi chỉ đạo cuộc đột kích thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi vào thời điểm bức ảnh được chụp trong ngày thứ Bảy tuần trước, tại Washington.
Được biết, ông Souza chính là tác giả bức ảnh nổi tiếng chụp Tổng thống Obama cùng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang theo dõi đội đặc nhiệm Seal 6 đột kích vào khu tư dinh của trùm khủng bố Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan năm 2011.
“Cuộc đột kích, như đã nêu, diễn ra vào lúc 15h30, theo giờ Washington. Bức ảnh trên, như trong dữ liệu IPTC, được chụp lúc 17h05” – ông Souza viết trên Twitter.
Bức ảnh trong Phòng Tình huống được chụp trong hôm thứ Bảy bởi nhiếp ảnh gia của Tổng thống Trump, ông Shealah Craighead – cựu nhiếp ảnh gia của cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush.
Bức ảnh trên cho thấy ông Trump, Phó tổng thống Mike Pence, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark A. Milley, Phó Giám đốc các chiến dịch đặc biệt Marcus Evans đang ngồi chung bàn. Cả 6 người đều giữ vẻ mặt nghiêm nghị, tư thế ngồi nghiêm chỉnh như được chuẩn bị trước, nhìn chăm chú về phía camera.
Bức ảnh này tạo cho người ta cảm giác những người trong căn phòng được chuẩn bị, tổ chức tốt hơn nhiều so với bức ảnh chụp các quan chức Mỹ lúc theo dõi vụ đột kích tiêu diệt Obama bin Laden vào năm 2011: Bà Clinton lấy tay che miệng vì hồi hộp, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khoanh tay trước ngực, đứng đằng sau ông là nhiều quan chức và tướng lĩnh đang theo dõi.
Bức ảnh chụp ông Obama cùng các lãnh đạo cấp cao theo dõi cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden trong Phòng Tình huống năm 2011 (Ảnh: Newsweek)
Một người dùng Twitter bình luận rằng bức ảnh Phòng Tình huống của ông Trump không có gì vô lý bởi ông cùng các vị tướng lĩnh “vẫn ở đó vào thời điểm 2 giờ đồng hồ sau để chờ đợi nhóm binh sĩ trở về căn cứ”, thời điểm bức ảnh được chụp.
“Chắc chắn rồi, đó cũng là một khả năng” – ông Souza trả lời bình luận trên.
Trong lúc trả lời mọt đoạn tweet khác (giờ đã bị xóa), ông Souza nói rằng, có khả năng rất nhỏ là cuộc đột kích vẫn diễn ra trong lúc bức ảnh đó được chụp. “Hoàn toàn có khả năng là cuộc đột kích vẫn đang diễn ra vào lúc 17h05. Trước khi đưa ra kết luận về bức ảnh này, các phóng viên cần phải nắm rõ khung thời gian thực hiện cuộc đột kích”.
Trong khi đó, quản lý cảu chuyên trang Daily Kos, Jennifer Hayden, chỉ ra rằng một bộ theo dõi lịch trình đánh golf của ông Trump cho thấy Tổng thống đang chơi golf vào lúc 15h33 ngày hôm đó, trong lúc mà cuộc đột kích đang diễn ra.
Chiều hôm Chủ nhật vừa qua, ông Souza một lần nữa nhấn mạnh rằng “hoàn toàn có khả năng bức ảnh được chụp giữa lúc diễn ra cuộc đột kích”, bởi lịch làm việc của ông Trump lúc “17h00” khá thưa. Thế nhưng nhiều người phê bình ông Trump vẫn đề cập tới khả năng ông đi đánh golf lúc cuộc đột kích đang diễn ra.
Trong cuộc họp báo chính thức xác nhận về cái chết của thủ lĩnh IS sáng Chủ nhật tuần trước, ông Trump nói trước báo giới rằng ông đã đưa ra một tuyên bố trên Twitter vài giờ trước khi tổ chức họp báo, nhằm chứng minh rằng ông không đi đánh golf hay làm gì khác vào thời điểm đó.