Tấm áo giáp của 'rồng'
Không cần lối chơi tấn công hoa mỹ, không cần phải có một thế trận vượt trội đối thủ, ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo luôn luôn có được những kết quả tối ưu nhờ vào cách vận hành chiến thuật chặt chẽ và kỷ luật của cả đội hình. Sự thực dụng mà ĐT Việt Nam đang thể hiện chính là yếu tố khác biệt lớn nhất so với các tập thể trong quá khứ.
Hàng phòng ngự “đạn bắn không thủng”
Những người trẻ tuổi yêu mến ĐT Việt Nam bây giờ vì những cảm xúc tích cực từ các thành tích mà các học trò của Park Hang-seo mang đến trong suốt thời gian qua, còn những người lớn tuổi hơn đã theo dõi bóng đá Việt Nam kể từ khi hội nhập với bóng đá khu vực, họ nghĩ về tập thể “Những chú rồng vàng” hiện tại theo một cách khác: “Xem Việt Nam đá bây giờ không còn cảm giác lo lắng về một tai họa lởn vởn trên đầu sẽ ập xuống bất cứ lúc nào”.
Trước khi thầy Park đến, bóng đá Việt Nam đã không ít lần gục ngã trước vạch đích vì những sai lầm ngớ ngẩn của các cầu thủ, đặc biệt là ở hàng phòng ngự. AFF Cup 2014, hàng thủ của HLV Miura trở thành những anh hề tại Mỹ Đình khi để Malaysia chọc thủng lưới tới 4 lần chỉ sau 45 phút tại Mỹ Đình. Hai năm sau ở AFF Cup 2016, Trần Đình Đồng và thủ môn Nguyên Mạnh mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến cho những nỗ lực của các đồng đội trở thành công cốc trước Indonesia.
Lật ngược lại quá khứ xa hơn, cách đây tròn 20 năm ĐT Việt Nam từng có một hàng thủ được xem là tốt nhất khu vực. Khi ấy, trong đội hình của HLV Alfred Riedl có Trần Minh Quang trong khung gỗ, phía trước mặt là Đỗ Khải, Như Thuần, Mai Tiến Dũng, cánh trái có Đức Thắng còn phía đối diện là Trần Công Minh.
Với những cái tên lừng lẫy này, Việt Nam vào đến chung kết Sea Games 1999 (đánh bại Indonesia ở bán kết) mà không để thủng lưới một bàn thua nào. Tiếc rằng ở trận cuối cùng, đoàn quân của ông Riedl lại không thể vượt qua nỗi ám ảnh Thái Lan và để thua 0-2.
Khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, Calisto cũng có một bộ tứ vệ cực kỳ ấn tượng với hạt nhân là Vũ Như Thành, người không ai có thể phủ nhận là một trong những hậu vệ đẳng cấp nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Bên cạnh thủ lĩnh Thành “kếu” là Phước Tứ, Quang Thanh và Việt Cường, những hậu vệ cực kỳ chất lượng.
Giữa những thế hệ ấy, bóng đá Việt Nam chỉ xuất hiện lác đác những hậu vệ tài năng, nhưng họ hoặc không có những đồng đội chất lượng, hoặc không có duyên khi lên đội tuyển. Chỉ khi HLV Park Hang-seo đến, một thế hệ những chuyên gia phòng ngự trẻ tuổi nhưng cực kỳ xuất sắc mới ra đời, và chính họ là nền móng cho những gì mà các đội tuyển đã làm được trong suốt 2 năm qua.
Hệ thống kim cương
Trước Thái Lan, Malaysia và Indonesia, hàng thủ Việt Nam đều chơi bóng chắc chắn và đĩnh đạc. Đó là một hình ảnh quen thuộc dưới thời HLV Park Hang-seo. Hệ thống 3 trung vệ của ông càng ngày càng trở nên nhuần nhuyễn và thật sự là thách thức với mọi đối thủ. Ngay cả những đội bóng hàng đầu châu lục cũng phải “mướt mồ hôi” mỗi lần đối đầu với Việt Nam.
Nhưng hàng phòng ngự ấy, hệ thống ấy muốn tốt phải có những cá nhân xuất sắc. Từ chiến công của U23 Việt Nam tại Thường Châu; Đình Trọng, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng Viettel, Đoàn Văn Hậu, Xuân Mạnh, Văn Thanh, Hồng Duy, Thành Chung đã bước ra ánh sáng và nhanh chóng trở thành trụ cột trên đội tuyển. Mỗi người một vẻ, mỗi người một sở trường nhưng tất cả đều là những cầu thủ rất chất lượng.
Sự vươn lên của một thế hệ phòng ngự mới thậm chí còn làm tươi mới cả những người mà tưởng chừng tài năng đã hết dư địa phát triển. Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng đều đã thay đổi rất nhiều khi được “tích hợp” vào hệ thống của thầy Park. Hải Quế thi đấu điềm tĩnh, mềm mại và trách nhiệm hơn, xứng đáng với tấm băng thủ quân trên tay trong khi Trọng Hoàng đã trở thành một wing-back “chuyên nghiệp” với khả năng lên công về thủ và chiếm lĩnh khoảng trống rất tốt ở hành lang biên.
Những gì mà hàng thủ Việt Nam thể hiện ở 3 trận vòng loại World Cup 2022 thêm một lần nữa khẳng định chất lượng “kim cương” như cách mà báo giới châu Á ca ngợi. Dù thiếu vắng Đình Trọng, dù ngôi sao Đoàn Văn Hậu không phải lúc nào cũng sung sức, sự chắc chắn trước khung thành Đặng Văn Lâm luôn luôn được đảm bảo. Bàn thua ở những phút cuối trước Indoneia chỉ đến khi các học trò của HLV Park Hang-seo đã dẫn trước tới 3-0 và không còn nhiều động lực thi đấu.
Ngay cả khi không còn giữ được thành tích sạch lưới, chiến thắng trước Indonesia vẫn là một màn tôn vinh không thể ấn tượng hơn cho các cầu thủ phòng ngự của ĐT Việt Nam. Không chỉ cản phá hay ngăn chặn đối thủ, Duy Mạnh và Quế Ngọc Hải còn tự mình lập công, trong khi Trọng Hoàng có một đường kiến tạo tinh tế như đặt cho Tiến Linh băng xuống đối mặt và hạ gục thủ môn đội chủ nhà.
Sự vững chắc của hàng phòng ngự chính là điều giúp cho Việt Nam đang giữ vững được ngôi vị số 1 Đông Nam Á và trở thành đối thủ đáng ngại với bất cứ đội bóng nào. Phá vỡ “khối kim cương của Park Hang-seo” rõ ràng là một bài toán cực kỳ khó giải.
Món nợ 20 năm
Lần gần đây nhất ĐT Việt Nam để thủng lưới nhiều hơn 1 bàn/trận là từ ngày 12/1 trong trận đấu với Iran tại Asian Cup (thua 0-2). Kể từ thời điểm đó đến sau trận đấu với Indonesia, ĐT Việt Nam chỉ để thua 3 bàn sau 8 trận.
Chiến thắng trước Indonesia cũng giúp Việt Nam phá dớp 20 năm không thắng đội bóng này trong các trận đấu chính thức. Tại Sea Games 1999, ĐTViệt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl đánh bại Indonesia 1-0 nhờ bàn thắng của danh thủ Hồng Sơn. Kể từ đó, tuyển Việt Nam đụng độ Indonesia 12 lần, giành 7 trận hòa và 5 thất bại.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/tam-ao-giap-cua-rong-565741/