Tâm bão số 9 ngay trên vùng bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão số 9 ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Trong bán kính khoảng 250 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; trong bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.

Từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Vào khoảng 22 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Từ 22 giờ ngày 28/10 đến 22 giờ ngày 29/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên lãnh thổ Thái Lan.

Gió lớn giật mạnh trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (thành phố Đà Nẵng) (sáng 28/10). Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Gió lớn giật mạnh trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (thành phố Đà Nẵng) (sáng 28/10). Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Do ảnh hưởng của bão số 9, trưa 28/10, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm.

Vùng nguy hiểm trên biển do bão trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): gồm: từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc (vùng biển ngoài khơi từ Khánh Hòa đến Quảng Bình); phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển và nước dâng do bão: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11; sóng biển cao từ 5-7 m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão gió cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) chịu ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc của cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.

Khu vực ven biển từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

Trưa và chiều 28/10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía Bắc tỉnh Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; phía Bắc Tây Nguyên có lượng mưa 150-250 mm/đợt.

Từ ngày 28 đến ngày 31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng phía Nam tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Mức độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 28/10, các quan trắc viên khí tượng thủy văn tại đảo Lý Sơn đã được lệnh rút xuống hầm tránh bão. Vào khoảng 10 giờ ngày 28/10, Trạm ra đa tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định và Trạm ra đa tại núi Vũng Chua (thành phố Quy Nhơn) đã bị gió thổi bay nóc, nước tràn vào trạm, các quan trắc viên tại hai trạm này hiện tại vừa gia cố, phòng chống bão vừa đảm bảo việc quan trắc được liên tục.

Theo các chuyên gia, người dân cần chủ động thực hiện cách biện pháp phòng, chống khi bão về và sau khi bão tan. Theo đó, trong cơn bão, người dân cần thực hiện cách biện pháp sau: Ở yên trong nhà kiên cố, nơi phòng chống bão đủ điều kiện; theo dõi tiến triển của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; nếu lũ lụt xảy ra, hãy tắt các nguồn điện chính để tránh giật điện; không lội nước qua những khu vực bị lụt để tránh các bệnh lây truyền qua nước; không bật các thiết bị điện khi lũ lụt xảy ra; không dùng các nguồn ga hoặc điện đã bị ngập nước; canh chừng nến đang cháy hoặc đèn dầu.

Tại các trung tâm sơ tán, người dân cần giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, tuân theo sự chỉ đạo của các lực lượng chức năng tại trung tâm sơ tán; đóng các cửa sổ và tắt nguồn điện tổng; kê các thiết bị và đồ đạc lên chỗ cao; không đi về phía sông hoặc đi dọc theo sông.

Sau khi bão tan, người dân cần tiếp tục chủ động theo dõi tình hình cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra thiệt hại về nhà cửa để tiến hành sửa chữa ngay, tránh các mảnh vụn kim loại và gỗ vì có thể có những chiếc đinh han gỉ nhô ra; trang bị đồ và thiết bị bảo hộ khi làm việc ở những khu vực nguy hiểm; kiểm tra sự an toàn trước khi vào nhà; nhờ người có hiểu biết kiểm tra hệ thống điện trước khi sử dụng các thiết bị điện; cẩn thận với các dây điện hở hoặc dây cáp ngập trong nước; thông báo cho nhà chức trách biết nếu có dây cáp bị hư hại hoặc cột điện đổ; cẩn thận chú ý các động vật nguy hiểm như rắn có thể bò vào nhà; đun sôi nước trước khi uống để tránh nhiễm bệnh; không sử dụng các thực phẩm ôi thiu do thiếu điện và tủ lạnh; không để nước tràn vào lốp xe, thùng hay chậu để tránh tạo điều kiện cho muỗi phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết.

Hoàng Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tam-bao-so-9-ngay-tren-vung-bo-bien-tu-da-nang-den-phu-yen-20201028115105130.htm