Tắm biển thế nào để có trái tim khỏe, phòng ngừa đột quỵ?

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa đưa ra nhiều khuyến cáo cho việc tắm biển đúng cách để có trái tim khỏe mạnh, sức khỏe cường tráng.

Cách tắm biển an toàn

TS. Nguyễn Lương Kỷ cho biết, tắm biển đúng cách có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được nhiều người chú ý, dẫn đến một số sự cố trong quá trình tắm biển.

Để tắm biển một cách an toàn nhất, hạn chế tối đa các rủi ro, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ chia sẻ, trước khi tắm biển, hãy khởi động nhẹ nhàng với các bài tập như đi bộ hoặc căng cơ tay chân. Điều này giúp cơ thể làm quen với sự thay đổi nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt và giúp tuần hoàn máu hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng thời, người dân cần chọn thời điểm tắm biển phù hợp. Nên tắm biển vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi nhiệt độ không quá cao. Tránh tắm vào giữa trưa vì nhiệt độ quá nóng có thể gây căng thẳng cho hệ tim mạch và tăng nguy cơ sốc nhiệt hoặc đột quỵ nặng.

Người dân hãy khởi động nhẹ nhàng với các bài tập như đi bộ hoặc căng cơ tay chân trước khi tắm biển.

Người dân hãy khởi động nhẹ nhàng với các bài tập như đi bộ hoặc căng cơ tay chân trước khi tắm biển.

"Cùng với việc khởi động trước khi tắm biển, chọn thời gian tắm biển phù hợp thì khoảng thời gian dành cho việc tắm biển cũng là điều đáng chú ý. Thời gian tắm biển nên giới hạn trong 30 đến 60 phút. Tắm biển quá lâu sẽ làm cơ thể mất nhiệt và làm giảm tuần hoàn máu, dẫn đến tình trạng co thắt mạch máu, ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Đặc biệt, khi xuống biển, hãy làm quen dần với nước, tránh nhảy ngay vào nước biển lạnh khi cơ thể đang nóng, điều này có thể gây sốc nhiệt và tăng nhịp tim đột ngột, dễ dẫn đến đột quỵ ở những người có bệnh lý tim mạch", TS.BS Kỷ nói.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, trong lúc tắm biển hãy để tinh thần thoải mái, điều này giúp ổn định nhịp tim và giảm nguy cơ tăng huyết áp. Đồng thời, không nên tắm biển ngay sau khi ăn no hoặc khi đang đói. Tắm biển khi vừa ăn xong có thể làm tăng áp lực lên hệ tiêu hóa và tim mạch, trong khi tắm biển khi đói có thể dẫn đến hạ đường huyết, làm tăng nguy cơ ngất xỉu hoặc đột quỵ, nặng có thể tử vong.

Khi tắm biển, người dân cũng không sử dụng bia, rượu. Bia, rượu có thể làm giảm khả năng kiểm soát cơ thể, làm giảm thân nhiệt và ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch. Đặc biệt, nó có thể gây ra tình trạng mất nhận thức về sự nguy hiểm, tăng nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh đó, với những người không biết bơi khi tắm biển nên tránh đi vào các vùng nước sâu hoặc sóng lớn. Chỉ nên tắm biển ở khu vực có sự giám sát của nhân viên cứu hộ, và nên sử dụng áo phao để đảm bảo an toàn. Nếu không biết bơi, việc mạo hiểm tắm ở vùng nước sâu có thể dẫn đến đuối nước và nguy cơ đột quỵ khi cố gắng nổi lên mặt nước.

Tắm biển có tác dụng gì?

Cùng với việc đưa ra các khuyến cáo tắm biển an toàn, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ cũng phân tích đến nhiều lợi ích của nước biển.

Điển hình như, khi tắm biển, nước biển lạnh kích thích tuần hoàn máu, giúp cải thiện lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch. Điều này giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và hỗ trợ quá trình hồi phục của người mắc bệnh tim.

Nước biển tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nước biển tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

"Nước biển còn chứa nhiều khoáng chất có khả năng thẩm thấu qua da, giúp điều hòa huyết áp và cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn. Việc tắm biển, tiếp xúc với nước biển cũng kích thích hệ thần kinh giao cảm, giúp giảm tình trạng căng thẳng cơ bắp và điều hòa huyết áp, điều này rất tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt, tắm biển còn giúp cơ thể thư giãn, cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chất lượng giấc ngủ", TS.BS Nguyễn Lương Kỷ chia sẻ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tam-bien-the-nao-de-co-trai-tim-khoe-phong-ngua-dot-quy-169240909143331812.htm