Tạm biệt Jean-Paul Belmondo, chàng tội phạm và linh mục của nước Pháp
Người Pháp sống vào thập niên 70 có lẽ không bao giờ quên được đoạn đầu trong bộ phim tội phạm hài Borsolino của đạo diễn Jacques Deray: tài tử Alain Delon trong vai một tay xã hội đen làng nhàng vừa ra tù bước vào một quán billiard để tìm cô bạn gái cũ, cô nàng lúc này đã tay trong tay với một tay gangster xoàng xĩnh khác, do tài tử Jean-Paul Belmondo thủ vai.
Delon bảo cô nàng mặc cái khoác lên rồi đi. Cô nàng liền vâng lời. Nhưng áo vừa mặc vào, thì Belmondo đang đánh billiard ngay kế bên liền ra lệnh cho cô cởi áo. Cô lại vội vàng cởi áo. Cô cứ liên tục mặc, cởi, mặc cởi đôi ba bận như thế, rồi Delon và Belmondo xông vào tẩn nhau chí chóe. Sau khi thấm mệt, họ ngồi bệt xuống đất, mặt mũi bơ phờ, áo quần xộc xệch, và trở thành bạn của nhau.
Jean-Paul Belmondo (trái) và Alain Delon - hai gương mặt nổi tiếng nhất của nước Pháp trong nhiều thập niên.
Giờ đây, nghe những tâm sự Alain Delon vào tuần trước trong tang lễ của Jean-Paul Belmondo rằng ông đang cảm thấy hoàn toàn bị hủy diệt và đáng ra họ nên ra đi cùng nhau, nó chợt khiến ta nhận ra, tình thế hài hước trong Borsolino có lẽ đã gói gọn về chính mối quan hệ ngoài đời của hai người đàn ông nổi tiếng nhất nước Pháp trong nhiều thập kỷ. Họ là đối thủ, và cũng là bè bạn, nói cho cùng, còn người bạn nào lớn hơn đối thủ lớn nhất đời mình?
Nếu như Alain Delon đẹp như một vị thần Hy Lạp với nét buồn u uất thăm thẳm cùng đôi mắt xanh như đến từ một thiên đường khác thì Jean-Paul Belmondo có vẻ ngoài tựa một anh hàng xóm vui tính với nụ cười thường trực trên cặp môi dày không thể lẫn được đi đâu. Người thì nghĩ ông rất ưa nhìn, người lại nhận xét ông là “xấu trai một cách đầy mê hoặc”. Khán giả quốc tế yêu Delon hơn, bởi nhìn vẻ đẹp lồng lộng của Delon tỏa sáng khác chi viên kim cương Hope, báu vật từng thuộc về Vua Louis XIV, trở thành vật gia bảo truyền lại cho vua Louis XVI cùng hoàng hậu Marie Antoinette. Nhưng người Pháp lại thấy gần gũi hơn với Belmondo, đầu tiên họ gọi ông là Nounours, gấu bông, còn về sau lại thân mến gọi là Bébel bởi ông luôn mặc chiếc áo len cũ.
Jean-Paul Belmondo vừa là ông hoàng phòng vé, vừa là ngôi sao của dòng phim nghệ thuật. Bạn có tưởng tượng ra nếu James Bond pha trộn với… James Dean thì sẽ được gì không? Chính là Jean-Paul Belmondo đấy, oai ngầu, ranh mãnh, lì đòn và xử lý mọi chuyện nhẹ bẫng như James Bond mà cũng mang bản năng nổi loạn một cách buồn bã như James Dean. Ông đã đóng đủ các loại nhân vật trong đời. Ông có thể vừa hành động, vừa trí tuệ, vừa nhập vai một tên lưu manh, vừa nhập vai một linh mục ưu tú.
Trong “L’homme de Rio” (Người đàn ông đến từ Rio), ông là kẻ ưa phiêu lưu vĩ đại, tung hoành trên đủ mọi loại địa hình, nào là rượt đuổi bằng xe máy phân khối lớn, nào là đu dây trong rừng Amazon, nào là trèo leo trên nóc công trình đang xây dở, nào là đối mặt với cá sấu đầm lầy, rồi lái máy bay lộn nhào, nhảy dù, tưởng như không có gì mà Jean-Paul Belmondo không làm được. Trông ông chẳng khác chi một chú linh dương nhanh nhạy, dẻo dai, chạy phăng phăng từ bối cảnh này sang bối cảnh khác trên màn ảnh.
Thế nhưng thoắt cái, trong “Pierrot Le Fou” (Gã điên Pierrot), ông là kẻ chán đời đầy hiện sinh, có thể nằm trong bồn tắm đọc một cuốn sách về danh họa Vélazquez, người sống trong một thế giới buồn, hay đứng giữa bụi rậm, nhìn thẳng vào ống kính, phá vỡ “bức tường thứ tư” và rầu rĩ làm một tràng độc thoại nhuốm màu triết học: “Khi Marianne nói: “Hôm nay là một ngày đẹp trời”, thì nàng đang nghĩ gì? Tất cả những gì tôi thấy chỉ là hình ảnh nàng khi nói câu ấy. Chẳng gì khác. Mà tìm kiếm để làm gì? Chúng ta được làm từ những giấc mơ và những giấc mơ làm từ chúng ta. Hôm nay là một ngày đẹp trời, trong những giấc mơ, trong những ngôn từ, trong cái chết. Hôm nay là một ngày đẹp trời trong cuộc đời”.
Jean-Paul Belmondo trong bộ phim “À bout de souffle”, tác phẩm xếp thứ 13 trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại của tạp chí “Sight and Sound”.
Thời trai trẻ, Belmondo, một cựu vận động viên quyền Anh và cựu quân nhân, luôn nghĩ điện ảnh chỉ là một cuộc dạo chơi. Nhưng một cuộc gặp gỡ với đạo diễn Jean-Luc Godard, khi ấy còn đang làm báo chí, đã thay đổi cuộc đời ông, và có lẽ, cả lịch sử điện ảnh thế giới. Godard mời Belmondo đóng một bộ phim ngắn quay trong phòng khách sạn của chính mình, bộ phim chẳng bao giờ được phát hành.
Rồi một ngày, Godard đưa cho Belmondo ba tờ giấy mô tả về một bộ phim mới, trong đó chỉ vỏn vẹn mấy dòng đại loại như: “Gã rời Marseilles. Gã ăn cắp một chiếc ôtô. Gã muốn ngủ với cô ấy một lần nữa. Nhưng cô ấy thì không muốn. Cuối cùng, gã chết hoặc bỏ đi – hồi sau sẽ quyết”. Godard đang xây dựng vai diễn Michel Poiccard, vai diễn đưa Belmondo nổi tiếng sau một đêm, trong “À bout de souffle” (Nghẹt thở), tác phẩm mang tinh thần đối nghịch với chủ nghĩa Hollywood đã mở ra phong trào Làn Sóng Mới nước Pháp và cách mạng hóa nền điện ảnh toàn cầu. Sau “À bout de souffle’, nghệ thuật điện ảnh tràn đầy tự do, phóng khoáng, chơi đùa và mở rộng đến vô biên.
61 năm đã trôi qua kể từ khi bộ phim phát hành lần đầu tiên, nhưng “À bout de souffle” vẫn là một trải nghiệm gây bàng hoàng với cả những khán giả thế kỷ 21. Ai đã xem bộ phim ấy mà quên được phân cảnh dài đến hơn 20 phút giữa Michel và Patricia (vai nữ chính do minh tinh Jean Seberg đảm nhiệm) chỉ quanh quẩn trong phòng của cô, và họ trò chuyện, hút thuốc, nghe nhạc, tranh luận, đùa nghịch, ôm ấp, vờn bắt, và cuối cùng cũng không hiểu nổi nhau. Khi Patricia nói cô thích William Faulkner, Michel - kẻ mù tịt về văn chương - cũng chỉ hỏi lại rằng, đó có phải là một người tình của cô không.
Ta cũng không bao giờ quên cảnh cuối khi Michel bị vây bắt và trúng đạn, loạng choạng trên đường đến chết và lời cuối dành cho nàng Patricia cùng đám cớm chỉ là “Các người làm tôi phát ớn”, nhưng Patricia đâu hiểu từ “phát ớn” trong tiếng Pháp nghĩa là gì kia chứ. Belmondo trong vai Michel Poiccard lúc nào cũng phì phèo nhả khói thuốc là hiện thân của tuổi trẻ nước Pháp thập niên 60, đầy phẫn nộ và bão tố, đầy liều lĩnh và bất cần, chống lại chủ nghĩa anh hùng và đạo đức, khao khát yêu đương nhưng tột cùng cô độc, tất nhiên là buồn trong xương tủy và rất mực dễ tổn thương. Cũng có thể đó là hiện thân của tuổi trẻ ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào.
Có một cảnh trong “À bout de souffle” khi Michel đứng trước tấm áp phích của Humphrey Bogart, biểu tượng phim noir của nước Mỹ những năm 40. Chính Belmondo hẳn cũng không biết, nó là điềm báo, bản thân ông rồi cũng sẽ có một vai diễn để đời trong “Le Doulos” (Người đàn ông đội mũ), một tác phẩm của vua phim noir nước Pháp, nhà làm phim Jean-Pierre Melville, người cha tinh thần của Làn Sóng Mới. Vẫn bí ẩn và khó lường như Michel, nhưng vai diễn Silien trong “Le Doulos” vừa tàn nhẫn hơn mà cũng hào hoa hơn.
Ta lạnh gáy khi xem Silien tát liên hoàn một người đàn bà, hành hạ ả không nương tay, rồi lại tan chảy trái tim trước gã trong cảnh cuối, dù vừa lỡ trúng một viên đạn và đang hấp hối, vẫn chầm chậm bước về phía chiếc điện thoại bàn, quay số của người phụ nữ gã yêu, dặn nàng rằng tối nay gã không thể tới với nàng như đã hẹn, rồi gã cúp máy, đến lúc ấy mới an tâm gục xuống. Hơn ai hết, Jean-Pierre Melville nắm bắt được sự nhạy cảm phức tạp không thể đo thấu trong Jean-Paul Belmondo. Ông bảo rằng ông chọn Belmondo cho “Le Doulos” bởi đó là sự lựa chọn duy nhất, là nam tài tử Pháp duy nhất vừa quyến rũ, vừa đầy sức mạnh và hết sức đa dạng.
Hẳn bởi vậy mà sau “Le Doulos”, nhà làm phim noir trứ danh lại chọn Jean-Paul Belmondo trong bộ phim tiếp theo, tuy nhiên, lần này, không tội phạm, không mafia hay cảnh sát, mà là một bộ phim triết học, Léon Morin Priest. Không còn là kẻ phản trắc hay anh hùng, Belmondo vào vai một vị linh mục trong thời kỳ Đức chiếm đóng Pháp. Và ngay cả khi làm linh mục, Belmondo cũng không ủ ê hay kham khổ trong Kinh sách mà vẫn quyến rũ và đầy sức mạnh.
Ngược lại, anh trẻ trung, sống động, cấp tiến, chơi dương cầm, anh sẵn sàng làm người bạn tâm giao của những người phụ nữ, trêu đùa họ, tranh luận với họ về sự có mặt hay vắng mặt của Chúa, anh đóng vai một người đàn ông thiếu vắng trong đời họ, khiến họ yêu anh và mơ được có anh, song về phần mình, anh chỉ yêu họ bằng tình yêu của Chúa. Belmondo có lẽ là người duy nhất có được tất cả những mặt đối nghịch bên trong mình như vậy: thế tục mà bất phàm, minh triết mà sôi nổi, thường tình mà tao nhã.
Mới hai năm trước, trong số kỷ niệm 70 năm thành lập, tạp chí Paris Match đã mời Alain Delon và Jean-Paul Belmondo, lúc này đều đã ngoài 80, lên trang bìa cùng tiêu đề “Cannes, chúng tôi cóc thèm quan tâm”. Và trong bộ ảnh chụp chung, có một tấm hai người đàn ông vĩ đại đọ tay nhau. “Cuộc đối đầu ở đỉnh cao”, Paris Match viết, dù nhìn họ lúc này còn thấy đâu nét mê hoặc khó lường của Jean-Paul Belmondo hay vẻ đẹp trai lộng lẫy của Alain Delon thuở nào. Không phải ai cũng biết, hai ngôi sao từng có thời kiện tụng và không nhìn mặt chỉ vì Delon được viết tên trước Belmondo trên áp phích Borsolino, và lại còn xuất hiện hai lần (bởi Delon là nhà sản xuất).
Nhưng thời gian, thời gian chữa lành mọi thứ, và khi hai siêu sao một thời đứng ôm nhau với nụ cười tươi rói trên hai gương mặt đầy những nếp nhăn, kiêu mạn thách thức thời gian, tuổi già, bất cần cả những lời tụng ca hay tâng bốc, họ như thầm muốn nói: "Chúng tôi là báo gấm, là sư tử, còn những kẻ thay thế chúng tôi chỉ là linh cẩu mà thôi Một câu thoại trong “Le Leopard”, một bộ phim của Visconti có Alain Delon tham gia diễn xuất”.
Diễn viên châu Á đầu tiên được trao giải Oscar
Nữ diễn viên có thu nhập cao nhất năm 2020