Tâm dịch COVID-19 chuyển hướng
Châu Á hiện đang là 'tâm chấn' của đại dịch với tâm dịch là Ấn Độ, nước đã ghi nhận hơn 23,7 triệu ca nhiễm, trong đó có 258.351 ca tử vong.
Ngày 12/5, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay tâm dịch COVID-19 đang chuyển về châu Á, với điểm nóng nhất là Ấn Độ.
Ấn Độ đang ở trong cuộc khủng hoảng dịch nghiêm trọng, với khoảng 350.000 ca nhiễm và 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng con số trên thực tế có thể cao gấp 10 lần.
Riêng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 362.406 ca mắc COVID-19 và 4.126 trường hợp tử vong. Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19 và tập trung vào phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) để có kết quả nhanh hơn, qua đó cách ly người bệnh sớm hơn.
Tính đến 10h30 ngày 13/5 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng 161.087.567 ca mắc COVID-19 và 3.345.085 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 139.854.698 ca.
Số ca mắc tại châu Á đến nay là 45.269.867 và 586.483 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 39.327.752.
Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc ứng phó với dịch, bác sĩ Balram Bhargava cho rằng các biện pháp hạn chế cần được duy trì tại tất các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm hơn 10% số ca xét nghiệm. Hiện nay, tại 3/4 trong số 718 tỉnh ở Ấn Độ, trong đó có các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai và trung tâm công nghệ Bengaluru, tỷ lệ này đều đã cao hơn 10%.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ bình luận về thời gian nên áp dụng phong tỏa. Đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cố để không phải phong tỏa toàn quốc nhằm tránh gây tác động kinh tế và trao quyền này cho các chính quyền cấp bang.
Theo ABC News, Thủ tướng Modi thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Ấn Độ sẽ không áp dụng một lệnh phong tỏa toàn quốc bất chấp các lời kêu gọi. Trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình vào tháng 4, Thủ tướng Modi cho rằng chính quyền các bang nên cân nhắc coi lệnh phong tỏa như “giải pháp cuối cùng”.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là nước có nhiều ca nhiễm nhất khu vực, với hơn 1,7 triệu ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 4.608 ca mắc mới và 152 ca tử vong.
Bộ Y tế Campuchia ngày 12/5 thông báo ghi nhận 472 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong số các ca mắc mới có 469 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thêm 5 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến ngày 12/5, Campuchia ghi nhận tổng cộng 20.695 ca mắc COVID-19, trong đó 8.539 bệnh nhân đã hồi phục và 136 ca tử vong.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông cáo kéo dài thêm một tuần việc áp dụng phân chia các khu vực trong thành phố theo các mức “Khu vực Đỏ” (rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao), “Khu vực Vàng đậm” (rủi ro lây nhiễm ở mức trung bình) và “Khu vực Vàng” (rủi ro lây nhiễm thấp). Theo đó, việc phân chia khu vực để phòng chống dịch COVID-19 tại Phnom Penh sẽ tiếp tục được thực hiện đến ngày 19/5 tới.
Ngày 12/5, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19 tại 3/18 tỉnh thành trên cả nước trong vòng 24 giờ qua. Ngoài 21 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh Champasak ở miền Nam, số còn lại đều là các ca lây nhiễm cộng đồng.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Bokeo ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 25 ca, tiếp đến là thủ đô Vientiane với 9 ca. Dù số ca mắc mới ở Bokeo vẫn ở mức cao, nhưng một số tín hiệu tích cực như số ca mắc mới ở tâm dịch là thủ đô Vientiane tiếp tục duy trì mức 1 con số trong khi phần lớn các tỉnh thành khác không ghi nhận ca mới cho thấy làn sóng dịch thứ 2 tại Lào đang có xu hướng được kiểm soát.
Cùng ngày, trong khi đó tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận 4.842 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.118.359 ca. Cũng theo Bộ trên, số người tử vong do COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 18.714 người sau khi có thêm 94 bệnh nhân tử vong.
Philippines đang phải chống chọi với đợt bùng phát mạnh dịch COVID-19. Trong tuần qua, số ca mắc mới trung bình hằng ngày ở nước này dao động trong khoảng từ 6.600 đến 7.700 ca.
Ngày 12/5, Thái Lan lại ghi nhận số ca tử vong do mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao kỷ lục, với 34 ca. Giới chức sở tại cũng thông báo với thêm 1.983 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện tăng lên đến 88.907 người, trong đó có 486 ca tử vong.
Giới chức y tế Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số ở thủ đô Bangkok (khoảng 5 triệu người) trong vòng 2 tháng.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/tam-dich-covid19-chuyen-huong/431089.vgp