Tâm điểm chú ý dồn vào lãnh đạo Gen Y ở Liên Hợp Quốc
Những nhà lãnh đạo Gen Y đang nhận được sự chú ý lớn tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khi họ đưa ra những góc nhìn mới về dân chủ, điều hành đất nước và chống tin giả.
Tuần này, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, những tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao thuộc Gen Y (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1996) đã đến dự họp và nhận được nhiều sự chú ý.
Dù vậy, nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng khác thuộc thế hệ này như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã không xuất hiện, theo AP.
Jennifer Sciubba, nhà nhân khẩu học chính trị cộng tác với Trung tâm Wilson - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết nhiều người thuộc Gen Y lên nắm quyền do không hài lòng về hiện trạng của thế hệ họ.
Và theo cách lý giải đó, thế hệ Gen Y và baby boomer (nhóm những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964) có suy nghĩ khác nhau.
Bà cho rằng: “Thật là sai lầm khi nói ‘Thế hệ trẻ hơn, họ tự do hơn’. Do đó, chúng ta sẽ thấy sự chuyển hướng sang ủng hộ cánh tả của những người thuộc Gen Y".
"Họ không phải là một khối thống nhất. Sự không hài lòng với tình trạng hiện tại có thể xuất hiện dù họ theo cánh tả hay cánh hữu”, bà Sciubba nói.
Bà Sciubba cũng lưu ý rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi những người thuộc Gen Y trở thành thế hệ chính trên chính trường quốc tế. Điều này đã được thể hiện phần nào tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc tuần này - nơi các hệ tư tưởng khác nhau của Gen Y cùng được xuất hiện.
Sự thừa nhận
Hôm 20/9, vào ngày đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hai vị tổng thống trẻ tuổi đã phá vỡ suy nghĩ vốn có về thế hệ của họ khi nói về hai hoàn cảnh trái ngược nhau trong thời gian họ nắm quyền.
Một trong hai người là Tổng thống Chile Gabriel Boric (36 tuổi) - người vừa phải đối mặt với sự phản đối áp đảo của người dân với việc cải cách hiến pháp, điều vốn được ông xem là rất cần thiết.
“Là một người trẻ đã xuống đường biểu tình cách đây không lâu, tôi có thể nói với bạn rằng việc đại diện cho tình trạng bất ổn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đưa ra các giải pháp”, ông Boric nói.
Đề xuất cải cách hiến pháp ở Chile được đưa ra nhằm thay đổi nhiều quy định cơ bản nước này như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và quyền của người bản địa.
Sự thất bại khi lấy ý kiến người dân không nằm ngoài dự đoán. Những người ủng hộ cải cách hiến pháp đổ lỗi cho việc thông tin sai lệch trên không gian mạng đã làm người dân không ủng hộ đề xuất này.
Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Chile cho biết bài học ông học được là nền dân chủ ở nước này đang bị hạ thấp.
“Với sự khiêm tốn to lớn, tôi muốn nói với các vị đang có mặt ngày hôm nay rằng một chính phủ không bao giờ có thể cảm thấy thất bại khi người dân của họ lên tiếng”, ông Boric nói.
Tổng thống Chile cũng cho rằng: “Bởi không giống như trong quá khứ, khi những khác biệt ở Chile đã được giải quyết bằng máu và lửa, ngày nay, người Chile đã đồng ý đối mặt với những thách thức mà chúng tôi có theo cách thức dân chủ".
"Và tôi nói với bạn về điều này vì tôi chắc chắn rằng một trong những thách thức lớn đối với nhân loại ngày nay là xây dựng nền dân chủ thực sự mà ở đó, người dân được nói và được lắng nghe", ông nói.
Sự phản đối
Trong khi đó, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele - người nổi tiếng thích selfie - cũng có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông cho rằng các nước giàu không nên can thiệp vào công việc của các quốc gia đang phát triển - những nước đang cố gắng tìm con đường riêng. Bài phát biểu của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông bị cáo buộc thúc đẩy chủ nghĩa độc tài khi tuyên bố sẽ tái tranh cử, bất chấp điều khoản cấm của hiến pháp El Salvador, theo AP.
Bằng ngôn ngữ úp mở và phép ẩn dụ, ông Bukele đã đưa ra quan điểm đáp trả những lời chỉ trích mà chính quyền của ông nhận được từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu. Trước đó, phương Tây đã chỉ trích việc tập trung quyền lực trong chính quyền của ông và gần đây là việc đình chỉ một số quyền hiến định.
“Trên giấy tờ, chúng tôi có tự do, có chủ quyền và độc lập. Nhưng chúng tôi sẽ không thực sự có được những điều này cho đến khi các nước có quyền lực hiểu rằng chúng tôi muốn trở thành bạn của họ, rằng chúng tôi ngưỡng mộ, tôn trọng họ, rằng cánh cửa của chúng tôi rộng mở để giao thương với họ”, Tổng thống Bukele nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nhưng điều họ không thể làm là đến nhà chúng tôi để ra lệnh. Không chỉ vì đó là nhà của chúng tôi, mà còn vì không có ý nghĩa gì khi phá hủy những gì chúng tôi đang làm".
Ông Bukele sau đó đã đăng trên Twitter của mình một đoạn video về sự xuất hiện của ông trên kênh Fox News của Mỹ.
Trong video, vị tổng thống trẻ tuổi nói về chiến dịch trấn áp các băng đảng đường phố tại El Salvador. Trong đó, hơn 50.000 người đã bị bắt giữ.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hành động của ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi, ngay cả khi các tổ chức nhân quyền ở El Salvador và nước ngoài cho rằng những người này đang bị bắt và bỏ tù mà không có bằng chứng.
Rosario Diaz Garavito, người sáng lập Millennials Movement, một tổ chức phi chính phủ khuyến khích những người trẻ tuổi ở khu vực Mỹ Latinh thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc, cho biết các nhà lãnh đạo này đều khéo léo phá vỡ thông lệ chính trị đảng phái vốn có ở đất nước mình.
Bên cạnh đó, họ cũng được chứng minh thuộc nhóm các nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất trong khu vực, vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương nên được phổ biến.
“Chúng ta có xu hướng đi từ cánh hữu sang cánh tả. Và điều này thực sự đang chia rẽ chúng ta. Họ đã chứng tỏ rằng họ có thể suy nghĩ khác nhau, theo những cách khác nhau, nhưng chúng ta cần phải tìm ra điểm chung như là các nước trong cùng khu vực”, cô Diaz Garavito nói.
Là thế hệ đầu tiên trong những người được tiếp cận kỹ thuật số, sự nghiệp chính trị và chuyện đời tư của các nhà lãnh đạo thuộc Gen Y cũng xuất hiện rộng rãi trên Internet và mạng xã hội.
Hôm 21/9, Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky dành nhiều thời gian trong bài phát biểu để đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng cảnh báo thông tin sai lệch trên không gian mạng đang gây hại cho xã hội và thúc giục đẩy mạnh “chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật số”, cũng như các giải pháp để bảo vệ nhân quyền trên Internet.
“Một lời nói dối không phải là một ý kiến. Từ rất lâu rồi, chúng ta đã bỏ qua việc ngăn chặn sự lan truyền của những thông tin sai lệch, vốn đi ngược lại các giá trị chung của chúng ta”, ông Lipavsky nói.
Ông cũng cho rằng: “Chúng ta đừng quên thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19. Chúng ta đã có bài học khi phải trả giá cho việc tiếp nhận thông tin sai lệch bằng mạng sống của con người”.
Năm 2021, ông Lipavsky đã vấp phải sự phản đối của Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman trong việc bổ nhiệm ông làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao nước này. Theo đó, Tổng thống Zeman cho rằng ông Lipavsky có thái độ không rõ ràng đối với Israel và do ông chỉ có bằng cử nhân.