Tạm đình chỉ phát hành cuốn 'Từ điển chính tả tiếng Việt' bị cho là sai chính tả

Những ngày qua, nhiều chuyên gia ngôn ngữ đã chỉ ra hàng loạt lỗi sai chính tả trong cuốn 'Từ điển Chính tả tiếng Việt' của NXB ĐH Quốc gia Hà Nội (PGS.TS Hà Quang Năng Chủ biên - Ths Hà Thị Quế Hương).

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù được nhóm tác giả biên soạn khá công phu nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót, nhầm lẫn rất khó chấp nhận như nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D... Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả...

PGS.TS Hà Quang Năng - chủ biên cuốn từ điển cho biết, chiều 12-6 đã nhận được thông tin NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội có văn bản tạm đình chỉ cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của ông và Ths Hà Thị Quế Hương với lí do tạm đình chỉ phát hành là cuốn sách “đang có nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ từ độc giả, có nhiều vấn đề cần mổ xẻ”. NXB ĐH Quốc gia Hà Nội tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, chứ không phải chỉ chạy theo dư luận và những ý kiến một chiều.

NXB ĐH Quốc gia Hà Nội tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, khi có kết luận sẽ giải quyết theo thực tế

NXB ĐH Quốc gia Hà Nội tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, khi có kết luận sẽ giải quyết theo thực tế

Theo đại diện NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, khi biên tập cuốn từ điển nói trên, NXB đã có sự làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, cũng đã nhìn thấy những từ không chuẩn chính tả được đưa vào trong sách như một số ý kiến chỉ ra những ngày qua, chứ không phải không nhìn thấy. Tuy nhiên, các tác giả của cuốn từ điển khẳng định việc đưa vào từ điển cả những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong thực tế chính là sự tính toán có chủ ý của tác giả nhằm cho thấy chính tả tiếng Việt hiện còn nhiều vấn đề nan giải, việc chuẩn hóa chính tả hiện nay là rất cần thiết nhưng không hề đơn giản, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đây là quan điểm khoa học, mục đích biên soạn của các tác giả khi biên soạn nên NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội tôn trọng quan điểm của tác giả và giữ nguyên ý đồ của tác giả.

Bà Nguyễn Hồng Nga - PGĐ NXB ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, để nhận xét, đánh giá một công trình khoa học nói chung, một quyển sách cụ thể nói riêng, người đọc cần hiểu rõ mục đích nghiên cứu, nguyên tắc biên soạn của người nghiên cứu, biên soạn quyển sách đó. Mỗi công trình nghiên cứu, biên soạn người nghiên cứu đều có nguyên tắc, mục đích và ý đồ của riêng mình. Với các công trình từ điển, tùy thuộc vào kiểu loại từ điển, kích cỡ từ điển người biên soạn đều đặt ra những nguyên tắc, mục đích cụ thể trước khi biên soạn. PGS.TS Hà Quang Năng cũng đã bày tỏ quá trình biên soạn các công trình từ điển cần cố gắng tránh để xảy ra sai sót. Tuy nhiên, nhiều khi sai sót vẫn không tránh khỏi.

Nhận xét, đánh giá một công trình cần công tâm, chân thành để người nghiên cứu, biên soạn thấy rõ, tiếp thu và sửa chữa khi có điều kiện tái bản. Vì thế, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội cũng không theo ý kiến cá nhân, một chiều mà sẽ phối hợp với các nhà chuyên môn và tác giả để xử lý. Khi có kết luận sẽ giải quyết theo thực tế. Bà Nga phân tích thêm, hầu hết lỗi sai đó đều vẫn đang gây tranh cãi chung từ trước tới nay. Bởi vì hiện nay chúng ta chưa có văn bản quy định của Nhà nước hay các hội đồng chuyên môn về từ viết chuẩn và thống nhất cách sử dụng các ngôn từ đó. Do vậy việc tranh luận về các lỗi sai đó là điều dễ hiểu.

PGS.TS Hà Quang Năng cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay. Trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi cũng tuyên bố rõ trong lời giới thiệu. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về chính tả tiếng Việt và chỉ ra 7 tồn tại, trong đó điều tồn tại thứ bảy là rất nhiều trường hợp có cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối. Bởi vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia. Ví dụ một số ý kiến cho rằng tiếng Việt chỉ có con “trai”, nhưng thực tế tiếng Việt có từ chỉ con cá chai, một loại cá giống cá thờn bơn nhưng méo một miệng, thế nên có câu “thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm”. Hay như từ “xét sử”, viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử.

Ở mục X, vẫn có “xét xử” với nghĩa là xử án. Hoặc Từ “quốc”, không nhất thiết phải viết là “q”, không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong bài thơ của Bà huyện Thanh Quan… Chính tả tiếng Việt rất phức tạp nên nhiều độc giả chưa chắc rõ thể lệ biên soạn. Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn. Tôi biên soạn cuốn từ điển này không phải là giải nghĩa từ này là gì mà tôi làm chính tả và đưa ra bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay”.

Tuy nhiên, PGS.TS Hà Quang Năng cũng khẳng định ông sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì nhận sai. Sau này nếu có tái bản, tác giả bổ sung sửa chữa.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-dinh-chi-phat-hanh-cuon-tu-dien-chinh-ta-tieng-viet-bi-cho-la-sai-chinh-ta-197326.html