Tạm dừng hoạt động du lịch, khẩn trương hỗ trợ người dân phòng, chống bão số 3

Chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, ngày 21/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian có cảnh báo lũ. Cùng ngày, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã chỉ đạo các đội hình thanh niên tình nguyện phối hợp cùng địa phương rà soát, hỗ trợ người dân, đặc biệt ưu tiên các đối tượng yếu thế như người già.

Hà Nội chủ động phương án bảo vệ di tích, danh thắng

Đường đi của bão số 3 nhìn từ vệ tinh. Ảnh: TTXVN phát

Đường đi của bão số 3 nhìn từ vệ tinh. Ảnh: TTXVN phát

Để ứng phó với cơn bão số 3, ngày 21/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Văn bản số 3022/SVHTT-QLDSVH gửi UBND các xã, các đơn vị quản lý di tích, danh thắng tại Hà Nội về việc phòng, chống thiên tai tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thực hiện Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL ngày 19/7/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND các xã, phường thuộc thành phố, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các Ban Quản lý di tích: Di tích Danh thắng Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Các địa phương và đơn vị quản lý di tích Hà Nội chủ động triển khai phương án bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quản lý. Các đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện trong di tích; chủ động triển khai phương án bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian có cảnh báo lũ.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tránh xảy ra sự cố tại các di tích nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra; lập sơ đồ vị trí, danh mục thống kê các di vật, hiện vật bị hư hại sau khi sự cố xảy ra, làm cơ sở đối chiếu, phục hồi, khắc phục hậu quả và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có). Đối với các di tích đã xuống cấp, đặc biệt là các di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, nằm gần sông, hồ cần có biện pháp phòng, chống thiên tai, ngập lụt. Riêng các di tích đang hạ giải hoặc đang trong quá trình thi công cần có biện pháp bảo vệ hiệu quả để tránh thiệt hại do bão lũ gây ra, bảo đảm an toàn trong suốt thời gian tu bổ, tôn tạo di tích.

Với các di tích ven sông, các đơn vị cần chủ động theo dõi sát diễn biến lũ qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo từ chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan để kịp thời có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai các phương án ứng phó lũ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để di dời hiện vật, đồ thờ tự, tài liệu quan trọng đến nơi an toàn...

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường như: Duy trì quét dọn vệ sinh thường xuyên tại di tích; bố trí điểm thu gom, vận chuyển rác thải đúng quy định; đảm bảo cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhằm ổn định tình hình liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích; kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân, Tiểu ban Quản lý di tích thực hiện tốt phòng, chống thiên tai, tu bổ, phục hồi di tích đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành...

Thanh niên Bắc Ninh khẩn trương hỗ trợ người dân phòng, chống bão số 3

Thanh niên dọn dẹp môi trường để chủ động phòng, chống bão. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Thanh niên dọn dẹp môi trường để chủ động phòng, chống bão. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bắc Ninh là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3, nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Ninh sẵn sàng triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ chính quyền và nhân dân ứng phó với bão.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp, bão số 3 với cường độ cấp 9 giật cấp 12, dự kiến tiếp tục mạnh dần lên và sẽ đi vào Việt Nam, gây ra gió mạnh kèm theo mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Thanh niên Bắc Ninh hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân, đặc biệt ưu tiên các đối tượng yếu thế như người già, người neo đơn. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Thanh niên Bắc Ninh hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân, đặc biệt ưu tiên các đối tượng yếu thế như người già, người neo đơn. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là công tác hỗ trợ nhân dân phòng, chống thiên tai, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã đề nghị Ban Thường vụ Đoàn các xã, phường; Ban Thường vụ Đoàn các cơ quan Đảng tỉnh, Đoàn UBND tỉnh; Đoàn các trường Đại học, Cao đẳng thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tại địa phương, đơn vị để phối hợp cùng các lực lượng chức năng tham gia ứng trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và chủ động xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Cùng với đó, thanh niên Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, thông báo cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố (ngập úng, sạt lở, lốc xoáy…) chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, gia cố nhà cửa, bảo vệ tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước diễn biến phức tạp của bão. Đồng thời, tuổi trẻ Bắc Ninh tận dụng các nền tảng mạng xã hội, loa phát thanh, bảng tin khu dân cư, tờ rơi, infographic,… để tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ, người neo đơn...

Khơi thông dòng chảy tránh ngập lụt. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Khơi thông dòng chảy tránh ngập lụt. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Trước mắt, trong ngày 21/7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các đội hình thanh niên tình nguyện phối hợp cùng địa phương rà soát, hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân, đặc biệt ưu tiên các đối tượng yếu thế như người già, người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…

Sau khi bão đi qua và tình hình thời tiết ổn định, các đội hình thanh niên tình nguyện sẽ chủ động quay trở lại địa bàn để rà soát thiệt hại, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho người dân càng sớm càng tốt.

Những hoạt động thiết thực, kịp thời đó khẳng định vai trò, tinh thần thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác hỗ trợ nhân dân ứng phó chống bão, xung kích vì cộng đồng.

Tuyết Mai - Thanh Thương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tam-dung-hoat-dong-du-lich-khan-truong-ho-tro-nguoi-dan-phong-chong-bao-so-3-20250721180457649.htm