Tạm dừng thu phí trạm BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Trị phục vụ cứu trợ bão lũ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu tạm dừng thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 để tạo điều kiện cho các phương tiện cứu trợ người dân bị lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Cục Quản lý đường bộ II, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh liên quan việc tạm dừng thu phí đường bộ trên QL1 để tạo điều kiện cho các phương tiện cứu trợ người dân bị lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu căn cứ tính hình thực tế, diễn biến của bão lũ, nhà đầu tư chủ động tạm dừng thu phí để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông khi qua trạm, bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí. Kịp thời tổ chức thu phí trở lại ngay sau khi đủ điều kiện thu phí.
Thực hiện việc miễn giảm phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 33/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.
Phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II, Ban ATGT tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các đoàn xe nêu trên lưu thông qua trạm thu phí nhanh nhất, trường hợp các phương tiện bị ùn tắc tại trạm thu phí, nhà đầu tư phải tổ chức xả trạm theo quy định.
"Việc tạm dừng thu, miễn phí cho các xe nêu trên phải được lập biên bản, ghi nhận sự việc và lưu trữ đầy đủ đúng quy định", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tạm dừng thu phí đường bộ trên QL1 để tạo điều kiện cho các phương tiện cứu trợ người dân bị lũ lụt trên địa bàn.
UBND tỉnh này cho biết, hệ thống giao thông đang bị ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng, hiện đang ách tắc tại nhiều nơi, đặc biệt là tuyến QL1 là trục giao thông chính để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm vật tư, y tế cho người dân ở các vùng bị cô lập phía Nam tỉnh Quảng Trị đang bị ngập lụt nặng nề.
Tuy nhiên, hiện nay Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đang tiếp tục triển khai thu phí đường bộ đối với các phương tiện qua trạm thu phí BOT Km763+800 QL1. Đặc biệt đối với các phương tiện cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ, gây khó khăn cho công tác cứu trợ người dân khu vực phía Nam tỉnh Quảng Trị, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc giao thông trên tuyến QL.1.
UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh tạm thời dừng thu phí đường bộ tại trạm thu phí BOT tại Km763+800 QL1 qua địa bàn xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong để đảm bảo cho các phương tiện thực hiện công tác cứu trợ, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm vật tư, y tế cấp thiết cho người dân ở các vùng bị cô lập do bị lũ lụt.
Xem xét miễn giảm lãi vay cho người dân vùng lũ
Ngày 23/10, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Trong hai tuần vừa qua, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tình trạng ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Dự báo trong thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức cao.
Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng thực hiện ngay một số nội dung công việc để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.