Tam giác quyền lực Mỹ-Trung-Nga (Kỳ I): Xa rồi thời '2 đấu 1'
Tam giác quan hệ Mỹ-Trung-Nga vẫn tồn tại, song liên kết thời Chiến tranh Lạnh thì không. Tại sao lại có chuyện này? Tương lai tam giác này rồi sẽ về đâu?
Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, các tương tác nước lớn giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga/Liên Xô luôn đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Phần lớn trong đó, cho dù là những năm Trung-Xô hay thời điểm lịch sử “Nixon tới Trung Quốc”, đều chứng kiến hai nước bắt tay chống lại bên còn lại.
Trước chính sách cạnh tranh chiến lược hiện tại của Mỹ, quan hệ Nga-Trung nồng ấm hơn dường như đang gợi ý rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, khi phân tích mô hình hiện đại của mối quan hệ “tam giác” này, nhận định trên có còn hợp lý?
Khi quan hệ Trung-Mỹ rơi vào quỹ đạo cạnh tranh chiến lược khó có thể đảo ngược, cụm từ “Chiến tranh Lạnh 2.0” dần trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, dù cạnh tranh chiến lược hiện đại có điểm tương đồng với Chiến tranh Lạnh, một cuộc “so găng” toàn cầu về dài hạn giữa Washington và Bắc Kinh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay có khả năng diễn ra trong một trật tự đa cực, thay vì lưỡng cực. Lợi ích phức tạp, đan xen giữa các nước sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cạnh tranh chiến lược này.
Tại trật tự đa cực đó, với sự trỗi dậy của Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia khác, quyền lực được phân bổ đồng đều hơn. Tuy nhiên, phần lớn quyền lực này vẫn tập trung chủ yếu bởi cái gọi là “tam giác” Mỹ-Trung-Nga.
Trên phương diện dân số và kinh tế, Nga lép vế hơn so với hai nước còn lại và chưa thể xác lập vị thế cường quốc toàn cầu. Song với kho vũ khí hạt nhân, sức mạnh quân sự, chính sách đối ngoại quyết đoán và hiện diện rộng khắp, Moscow vẫn chắc ghế tại mọi bàn đàm phán và trong trường hợp này, là một chân trong tam giác quyền lực toàn cầu.
Tại trật tự đa cực, với sự trỗi dậy của EU, Ấn Độ, Nhật Bản..., quyền lực được phân bổ đồng đều hơn. Tuy nhiên, phần lớn quyền lực này vẫn tập trung chủ yếu bởi cái gọi là “tam giác” Mỹ-Trung-Nga.
Liên kết Trung-Nga
Trong những năm gần đây, khi Mỹ gia tăng sức ép chống lại từng đối thủ cạnh tranh chiến lược, Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Bắc Kinh và Moscow liên kết chặt chẽ để vô hiệu hóa áp lực, đối trọng với ảnh hưởng của Washington tại diễn đàn đa phương và phản bác lại trật tự quốc tế do xứ cờ hoa lãnh đạo.
Tuần trước, điện đàm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn “tốt nhất trong lịch sử”.
Xu hướng này được giới học giả và hoạch định chính sách, đặc biệt tại Washington, theo dõi sát sao. Các quan chức Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, giờ đây là Tổng thống Joe Biden, thường xuyên cảnh báo về mối quan hệ ngày một khăng khít giữa Trung Quốc và Nga.
Gần đây nhất, trong báo cáo “Các xu hướng toàn cầu 2040”, cộng đồng tình báo Mỹ đã đánh giá rằng Trung Quốc và Nga “có khả năng vẫn tiếp tục liên kết” trong tương lai.
Nhưng chính xác là liên kết đến mức nào?
Một mặt, sẽ là sai lầm nếu cho rằng liên kết Trung-Nga chỉ là “hôn nhân vụ lợi”, với đầy hoài nghi chưa được giải quyết và có thể dễ dàng sụp đổ từ bên trong.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga được thiết lập dựa trên khuôn khổ hợp tác lâu dài, với mục tiêu chiến lược rõ ràng được đề ra trong Tuyên bố chung về một thế giới đa cực và thiết lập một trật tự quốc tế mới năm 1997 và Hiệp ước Láng giềng hữu nghị năm 2001.
Chừng nào còn mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây, cả hai sẽ duy trì đủ động lực để vượt qua các vấn đề trong quá khứ và thúc đẩy một trật tự quốc tế thuận lợi hơn.
Mặt khác, quan hệ đối tác này cũng có một số hạn chế nhất định. Mặc dù không ưa gì bá quyền của Mỹ và trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, song Trung Quốc và Nga thiếu các lợi ích cân xứng để thiết lập, phát triển và duy trì hợp tác tự nhiên và bền vững.
Điều này thể hiện rõ trong chênh lệnh giữa quy mô, cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên của Nga với nền kinh tế đa dạng, hiện đại của Trung Quốc. Phần lớn lợi ích kinh tế song trùng giữa Nga và Trung Quốc nắm trong lĩnh vực năng lượng. Nga cần một thị trường ổn định để bù đắp cho các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong khi đó, Trung Quốc có nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, cùng mong muốn đa dạng hóa các nguồn cung để đối phó với Mỹ về căng thẳng thương mại kéo dài.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng liên kết Trung-Nga chỉ là cuộc “hôn nhân vụ lợi”, với đầy hoài nghi chưa được giải quyết và có thể dễ dàng sụp đổ từ bên trong.
Công bằng mà nói, dù Trung Quốc và Nga có mối quan hệ bền vững và sâu rộng, sức mạnh của quan hệ này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào chính sách của Mỹ.
Trên thực tế, trong một bài xã luận gần đây, Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã quy kết mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc-Nga là do “sức ép của Mỹ và các đồng minh đối với hai nước”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi không còn “sức ép” ấy?
Từ “2 chống 1” đến “1 chống 1+1”?
Đáng chú ý, Trung Quốc và Nga đều có quan hệ căng thẳng với Mỹ, song cả hai đều không muốn mạo hiểm dứt tình với nền kinh tế có quy mô 20.000 tỷ USD duy nhất trên thế giới. Về dài hạn, hợp tác với Mỹ thường được ưu tiên hơn.
Tư duy này được thể hiện trong khoảng thời gian Mỹ mở đường cho Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Tương tự là khi chính quyền Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thúc đẩy việc “tái cài đặt” quan hệ (2009-2011). Khi ấy, hợp tác Trung - Nga dường như đã yếu đi.
Ngày nay, tâm lý tiêu cực trong nước, cùng mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc tới ưu thế vượt trội của Mỹ, đã khiến Washington kẹt cứng vào cạnh tranh chiến lược với từng đối thủ này.
Tuy nhiên, ở thời đại toàn cầu hóa, bị trói buộc trong một cuộc cạnh tranh chiến lược về cơ bản khác với ràng buộc trong các khối đồng minh có tổng bằng không của Chiến tranh Lạnh, nơi liên kết gần như tương đương với liên minh.
Điều này, cùng với sự thiếu thốn về nguồn lực cần thiết để đối đầu một cách toàn diện với cả Trung Quốc và Nga, đã giải thích tại sao Mỹ không loại trừ khả năng hợp tác với các đối thủ của mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh hiện là thách thức toàn diện và mang tính cấu trúc lớn hơn với Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ưu tiên hợp tác với Moscow trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi.
Các chính sách cứng rắn đối với Nga vẫn được duy trì, nhưng phần lớn mang tính biểu tượng và được thiết kế để xoa dịu tâm lý chống Nga trong nước.
Một số thay đổi chính sách thực chất như gia hạn START mới, điện đàm sớm giữa hai Tổng thống hoặc quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, cho thấy Mỹ hướng đến mục tiêu bao quát, thiết lập “một mối quan hệ ổn định và dễ đoán trước hơn” với Nga như Ngoại trưởng Antony Blinken từng nói.
Điều này dẫn đến chuyển biến thú vị trong cấu trúc “tam giác” truyền thống. Khi cạnh tranh chiến lược là chuyện “ván đã đóng thuyền”, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức ve vãn Nga.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tập hợp đồng minh và đối tác xung quanh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với Trung Quốc và Nga là “kẻ xấu”, Bắc Kinh ở vị trí tốt hơn nhiều để liên kết với Nga.
Tuy nhiên, Washington vẫn giữ được đòn bẩy trong quan hệ với Moscow. Đáng chú ý nhất là ảnh hưởng đáng kể của nước này tới các đồng minh ở châu Âu. Đây là sân khấu quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong chính sách đối ngoại của Nga.
Nói cách khác, mô hình không phải là “2 chống 1” mà là “1 chống 1 (Mỹ với Trung Quốc) cộng với 1 (Nga)”.
Không giống như các liên minh cụ thể trong Chiến tranh Lạnh, các liên kết hiện đại có sự linh hoạt cao hơn nhiều. Nó cho phép Moscow chọn lựa các vị trí của mình và cam kết đồng thời với cả Washington và Bắc Kinh, thay vì phải gắn bó với một bên như Trung Quốc trong suốt Chiến tranh Lạnh.
(còn tiếp)