Tạm giữ hình sự 18 người để điều tra dấu hiệu sai phạm tại 2 Trung tâm đăng kiểm ở Gia Lâm
Ngày 27-2, Chỉ huy Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, CQĐT Công an huyện đã tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi Nhận hối lộ, đối với 18 người thuộc 2 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nằm trên địa bàn huyện.
Như ANTĐ thông tin, từ tin báo tố giác tội phạm, phản ánh của người dân và qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Gia Lâm phát giác dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gồm Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (có địa chỉ tại xã Phú Thị) và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (có địa chỉ tại Yên Viên).
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, trong các ngày 24 và 25-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội đã thực hiện lênh khám xét đối với 2 Trung tâm đăng kiểm nêu trên để điều tra về dấu hiệu Nhận hối lộ của lãnh đạo Trung tâm và các đăng kiểm viên.
Đến ngày 27-2, CQĐT đã tạm giữ hình sự 18 người của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S. Trong đó có Nguyễn Trọng Tâm (SN 1982, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S); Nguyễn Khánh Tùng (SN 1962, nguyên Trưởng trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S, đã nghỉ hưu từ ngày 01/01/2023); Nguyễn Khánh Hưng (SN 1979, Là Phó Trung tâm 29-02S, hiện đã chuyển công tác đi trạm đăng kiểm khác;
Đào Mạnh Thắng (SN 1970, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-02V); cùng một số đăng kiểm viên Tô Văn Hải (SN 1992), Hoàng Trọng Trình (SN 1985), Phạm Thế Đạt (SN 1984), Đào Việt Tân (SN 1978)…
CQĐT bước đầu làm rõ hành vi phạm tội của các cá nhân nêu trên. Cụ thể, tại Trung tâm đăng kiểm 29-02V, từ tháng 11-2019 đến tháng 12-2022. Giám đốc Đào Mạnh Thắng chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm. Hàng ngày, ông Thắng được chung chia theo tỷ lệ hệ số 1.4; mỗi ngày từ 200 đến 500 nghìn đồng, tùy theo “doanh số” nhiều hay ít.
Tổng số tiền trung tâm đăng kiểm nhận được từ lái xe ô tô đến đăng kiểm đưa để được bỏ qua lỗi nhỏ từ tháng 11-2019 đến tháng 12-2022 là khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Với “daonh số” đó, ông Thắng được chung chia khoảng 90 triệu đồng; mỗi đăng kiểm viên được khoảng 40 đến 50 triệu đồng; nhân viên văn phòng được khoảng 20 triệu đồng.
Tháng 12-2022, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh, thành bị điều tra, xử lý về hành vi “Nhận hối lộ", ông Thắng đã chỉ đạo trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.
Về sai phạm của các cá nhân ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S;
từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2022, đăng kiểm viên Nguyễn Trọng Tâm (SN 1981), được sự chỉ đạo của Nguyễn Khánh Tùng (nguyên Trưởng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02S; nghỉ hưu từ ngày 1-1-2023), cùng các đăng kiểm viên khác nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi trong quá trình đăng kiểm.
Hàng ngày, các đăng kiểm viên thu tiền của các lái xe đến đăng kiểm nộp lại cho Phạm Văn Vương (SN 1980). Sau khi nhận tiền, Vương sẽ tập hợp tiền và chia lại cho Trưởng trung tâm, Phó trưởng trung tâm, các đăng kiểm viên và nhân viên trong trung tâm mỗi tháng 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng theo tỷ lệ: Trưởng trung tâm 3 phần, Phó trưởng trung tâm 2,5 phần, đăng kiểm viên 2 phần, các nhân viên văn phòng 1 phần.
Từ thời điểm Tùng về hưu thì Tâm được bổ nhiệm làm Phó trung tâm phụ trách. Khi Tâm làm đăng kiểm viên thì mỗi tháng, Vương sẽ chia cho Tâm khoảng 4 triệu đồng tiền nhận hối lộ của các lái xe. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, Tâm nhận được khoảng 130 triệu đồng tiền hối lộ. Từ tháng 1-2023 đến nay, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm bị điều tra xử lý về hành vi “Nhận hối lộ”, Tâm chỉ đạo trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.
Trao đổi với PV ANTĐ, chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lâm (đơn vị đang thụ lý điều tra vụ việc) cho biết: từ cuối tháng 12-2022, đầu năm 2023, khi biết dấu hiệu sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm bị đưa vào “tầm ngắm”, lãnh đạo và các đăng kiểm viên ở 2 Trung tâm trên đã dừng mọi hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian để các đối tượng bàn bạc, tìm cách “hợp lý hóa”, che giấu” sai phạm. Lường trước diễn biến này, CQĐT đã dày công thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, trên tinh thần “kiên quyết đấu tranh, không bỏ sót và cũng không oan sai”. Và, hành vi “Nhận hối lộ” chỉ là sự khởi đầu của kế hoạch đấu tranh này…