Tạm giữ xe vi phạm có cần thiết?
Nhiều bạn đọc cho rằng đã tới lúc thay đổi phương pháp giải quyết đối với người và phương tiện vi phạm nhằm giảm tải áp lực công việc cho lực lượng chức năng, tránh tình trạng lãng phí tài sản
Vừa qua, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP HCM đã có buổi làm việc tại Phòng CSGT Công an TP HCM về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Tại đây lãnh đạo Phòng CSGT cho biết các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính do đơn vị này quản lý hiện đang quá tải do thời gian xử lý phương tiện vi phạm không đồng bộ với lượng phương tiện bị tạm giữ.
Không chỉ TP HCM, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một đô thị lớn khác là TP Hà Nội. Nhiều bạn đọc cho rằng đã tới lúc thay đổi phương pháp giải quyết đối với người và phương tiện vi phạm nhằm giảm tải áp lực công việc cho lực lượng chức năng, tránh tình trạng lãng phí tài sản cũng như phòng ngừa những rủi ro không đáng có tại các bãi giữ xe.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thời gian qua xảy ra một số vụ cháy ở bãi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông. Chưa nói đến nguyên nhân xảy ra vụ việc nhưng qua đó cho thấy nguy cơ cháy nổ ở một số bãi xe tạm giữ phương tiện vi phạm là có thật. Ngoài ra, việc xe vi phạm để ngoài trời, qua năm tháng hư hỏng không sử dụng được gây lãng phí. Nên thay đổi phương án xử lý vi phạm giao thông.
Còn bạn đọc Nguyễn Tùng thì cho rằng cơ quan chức năng nên nghiên cứu thay đổi hình thức xử lý hành vi vi phạm giao thông như tăng mức phạt thay vì giam xe. Điều này vừa có thể giải quyết được tình trạng quá tải ở các kho chứa phương tiện vi phạm vừa có thể tăng thu cho ngân sách, vừa đỡ tốn tiền xây nhà kho chứa.
Bạn Nguyễn Tấn Hiếu thì đề xuất nên quy định về việc quá thời gian tạm giữ. Bên cạnh đó có thể thu hẹp các lỗi buộc phải tạm giữ phương tiện hoặc thu hẹp quy trình xử phạt hoặc có thể tạm giữ biển số, giấy tờ xe, nếu đã bị giữ biển số mà chủ xe tiếp tục vi phạm thì tịch thu xe thanh lý.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, thực tế cho thấy rằng việc chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện mà chưa có biện pháp hiệu quả hơn sẽ dễ dẫn đến tình trạng chủ phương tiện có giá trị thấp hơn mức xử phạt thà bỏ xe hơn là đến nộp phạt, nhận lại xe. Thực trạng này góp phần dẫn đến các bãi giữ xe ngày càng chồng chất, quá tải.
Nhìn từ góc độ này thì biện pháp tạm giữ xe đã và đang mất đi phần lớn tác dụng. Tuy nhiên việc bãi bỏ hình thức xử phạt bổ sung này là tương đối khó khăn. Bởi lẽ việc tạm giữ phương tiện vẫn mang nhiều ý nghĩa to lớn và có hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Tuy không thể bãi bỏ, nhưng để hạn chế việc giữ xe của người vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền cần tính đến nhiều giải pháp. Cụ thể như chỉ tạm giữ phương tiện đối với các hành vi vi phạm giao thông có tính chất nghiêm trọng, khi có căn cứ xác định phương tiện vi phạm không thuộc quyền sở hữu của người vi phạm hoặc người vi phạm có dấu hiệu chống đối, không chấp hành các biện pháp chế tài mà cơ quan chức năng ban hành. Cạnh đó, áp dụng các quy định về định danh điện tử để xử lý vi phạm giao thông bằng hình thức trực tuyến mà không phải tạm giữ phương tiện để răn đe.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng nên nên xem xét, rút ngắn các trình tự, thủ tục, thời quan trong khâu bán đấu giá. Điều này vừa giải quyết triệt để được tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe, giảm tải gánh nặng khi người vi phạm bỏ xe, vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tam-giu-xe-vi-pham-co-thuc-su-can-thiet-196240324112002601.htm